Trong mùa Hè mà có tới 13 trong số 20 CLB Premier League phá kỷ lục chuyển nhượng của mình, đừng ngạc nhiên nếu không ít thương vụ xem ra đã bị mua hớ.
Kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2016 đã khép lại khi mốc 1 tỷ bảng bị vượt qua, chính xác kỷ lục mới là 1,175 tỷ bảng, đã cho thấy sức mua sắm khủng khiếp của các CLB Premier League. Không khó để lý giải cho mức chi tiêu kinh ngạc này (gần gấp đôi so với Serie A - 599 triệu bảng, giải đấu mua nhiều thứ hai ở châu Âu) trong bối cảnh tất cả các đội bóng ở hạng đấu cao nhất xứ sương mù đều được phân chia món tiền ú ụ từ tiền bản quyền truyền hình.
Khi túi tiền trở nên rủng rỉnh, bất cứ CLB nào cũng có thể trả giá một cách thoải mái hơn cho cầu thủ mà mình theo đuổi hòng củng cố tối đa sức mạnh đội hình. Điều này dẫn đến thực tế rằng, thay vì 4 hay 5 CLB ưu tú có thể thực hiện những bản hợp đồng lớn thì bây giờ bất cứ ai cũng có thể tạo nên cú sốc trên thị trường chuyển nhượng.
Khó tin là một CLB phải chiến đấu để trụ hạng như Crystal Palace đã bỏ ra tới 32 triệu bảng mua Christian Benteke. Tương tự, Bournemouth mua Jordon Ibe với giá 15 triệu bảng, thậm chí gần bằng cả tổng số tiền chi cho chuyển nhượng của AC Milan (21).
Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số này, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên về mức giá cao bất thường cho các cuộc chuyển nhượng. Có vẻ như các CLB trên khắp châu Âu cũng ý thức được việc phải làm thế nào để kiếm nhiều tiền nhất khi bán cầu thủ đến những đội bóng rủng rỉnh ở Premier League. Điều đáng nói, không phải cầu thủ nào cũng được kiểm chứng về chất lượng để chứng minh tương xứng với phí chuyển nhượng.
Không phải vô cớ mà HLV của Arsenal Arsene Wenger gần đây nói rằng, ngày nay đang tốn tại hai thị trường, một cho các CLB Anh và một cho phần còn lại của châu Âu.
“Khi người mua là CLB Anh, phí chuyển nhượng sẽ nhân đôi, nhân ba hoặc đôi khi là nhân 10 lần. Nếu không phải là một CLB Anh theo đuổi thì giá trị của cầu thủ ấy chỉ là 5 triệu. Nhưng nếu một CLB Anh vào cuộc, giá của anh ta tăng lên 35 triệu, 40 triệu và 50 triệu bảng.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho sự điên rồ ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè này là trung vệ người Senega,l Papy Djilobodji. Chelsea đã đưa anh về từ Nantes 12 tháng trước với giá khoảng 2,7 triệu bảng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 phút góp mặt trên sân tại League Cup trong màu áo xanh, anh được đem cho mượn tại Werder Bremen sau khi bị coi là người thừa và mới đây nhất được bán cho Sunderland với số tiền lên tới... 8 triệu bảng.
Điều này có thể chỉ đơn giản là phản ánh khả năng kinh doanh khôn ngoan của Chelsea, nhưng nó cũng chỉ ra sự vô lý của đội bóng phải trả tiền khi nó vượt quá giá trị thực trên thị trường.
Một số ví dụ khác, trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, Burnley mua Jeff Hendrick từ Derby với mức phí kỷ lục của CLB là 10,5 triệu bảng, trong khi Sunderland trả 13,6 triệu (có thể tăng lên 17 triệu tính cả phụ phí) cho tiền vệ Didier N'Dong từ Lorient. Liệu bao nhiêu người biết tới những cái tên như Jeff Hendrick hay Didier N'Dong trước đó?
Nếu 5 năm trước đây, với 38 triệu bảng, Man City có được Sergio Aguero thì hôm nay nó chỉ cho phép bạn đem về một Benteke. Bốn năm trước, Chelsea đã trả 32 triệu bảng cho Eden Hazard, bây giờ bạn nhận được... Yannick Bolasie. Thật nực cười và phi lý!
Một trong những thương vụ đáng chú ý trong ngày chuyển nhượng cuối cùng là Everton và Tottenham tranh giành Moussa Sissoko với giá 30 triệu bảng cho một tiền vệ đã bất lực không giúp Newcastle tránh khỏi xuống hạng ở mùa trước. Còn với West Ham, nghiệt ngã hơn cho họ bởi sau khi phá kỷ lục chuyển nhượng với thương vụ Andre Ayew có giá 20,5 triệu bảng, tiền đạo này nhanh chóng bị chấn thương đùi và phải nghỉ đến tháng 12.
Nếu ở quá khứ những thương vụ có giá 20-30 triệu bảng chỉ được thấy ở Big Five giàu có quyền lực thì bây giờ nó đã tràn lan khắp Premier League. Nó chứng tỏ rằng, tất cả các CLB đều sẵn sàng mua cầu thủ bằng mọi giá hòng củng cố đội hình của mình cho cuộc đua khốc liệt cho các vị trí trên BXH mà chung quy cũng chỉ vì... tiền.