"Một tuần trước vụ tai nạn thảm khốc ở Munich, mẹ tôi còn giặt đồ thi đấu cho các cầu thủ Man Utd. Nhưng một tuần sau, bà phải đi lau chùi những chiếc quan tài của nhiều người trong số họ...".
Thứ Ba, 6/2/2018 đánh dấu tròn 60 năm ngày xảy ra tai nạn hàng không thảm khốc ở Munich, dẫn tới một trong những bi kịch đau thương nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. 23 người đã thiệt mạng, trong đó bao gồm 8 cầu thủ Manchester United.
Ken Ramsden, khi đó chỉ là một cậu nhóc CĐV 12 tuổi của Man Utd. Mẹ cùng cô ruột của Ramsden, Irene và Joan đã làm việc ở phòng giặt là của CLB nằm trong sân Old Trafford. Ramsden sau này còn gắn bó 50 năm với tư cách biên tập viên, nhân viên phụ trách truyền thông và là thư ký của CLB, trước khi ông nghỉ hưu hồi 2010.
Những ký ức của Ramsden về thời khắc choáng váng 60 năm trước vẫn sống động và nó mang đến một góc nhìn khác xung quanh thảm họa Munich cũng như việc Man Utd bắt đầu gượng dậy sau bi kịch ấy.
Muốn nghe kết quả bốc thăm Cúp, cứ vào phòng... giặt là!
"Ở thời điểm Man United bay tới Belgrade, đội bóng trẻ trung của HLV Matt Busby đang thống trị nước Anh. "Những đứa bé của Busby" đã VĐQG vào năm 1956 với đội hình có độ tuổi trung bình chỉ là 22. Mùa kế tiếp, họ lại vô địch!".
Người cô yêu quý của tôi, Joan, giờ đã 93 tuổi, từng làm công việc dọn dẹp các ki-ốt mở ra phục vụ CĐV trong những ngày Man Utd thi đấu. Khi ấy, thư ký của CLB, Walter Crickmer (người sau này cũng tử nạn ở Munich) đến và nói với cô rằng CLB chuẩn bị mở một phòng giặt là và hỏi bà ấy xem liệu có biết ai muốn làm việc ở đó.
Tất cả, một công việc mới sau đấy cho cô và mẹ tôi đã bắt đầu. Chỉ đơn giản vậy thôi! Chẳng cần cuộc phỏng vấn nào hết!
Đó vào khoảng giữa năm 1955 hay 1956 và đấy là một căn phòng nhỏ nằm dọc cùng hướng với phòng thay đồ của các cầu thủ. Khi trời mưa nặng hạt, nước tràn vào và căn phòng lụt lênh láng. Điều này đã xảy ra vài lần, tôi có thể nhớ như vậy.
Khi ấy chỉ có một bộ phận phục vụ nhỏ ở Old Trafford. Khi tôi gia nhập vào năm 1960 có lẽ chỉ có 10 hay 11 người và cùng với các cầu thủ, BHL, đó là toàn bộ đội bóng.
Bạn có thể dễ dàng thuộc tên mọi người và tất nhiên cả các cầu thủ. Bạn thấy họ tập luyện hằng ngày. Họ thường tạt vào phòng giặt là để xin một tách trà, hoặc đơn giản chỉ để hút một điếu thuốc hoặc mượn tờ báo đọc lướt.
Những ngôi sao như Bobby Charlton, Duncan Edwards, Mark Jones đều gia nhập CLB từ nơi khác nên đôi khi trông họ có cảm giác cô đơn và hơi buồn khi ở trong phòng giặt là nhâm nhi tách trà.
Hẳn họ đã nhìn thấy ở mẹ và cô của tôi một cuộc sống khác, đời thường và yên bình hơn. Ở khía cạnh nào đó, họ xem đó như những người bạn đáng tin cậy để chia sẻ về cuộc sống.
Và nếu chẳng may các họ được CĐV cuồng nhiệt nào đó tặng vết son môi mọng trĩu trên cổ áo, họ muốn đưa chúng cho mẹ tôi nhờ giặt thay vì mang về nhà có thể khiến những người phụ nữ trong gia đình lo lắng.
Nhưng phòng giặt là không chỉ là nơi dừng chân của những khoảnh khắc ngoài bóng đá. Ngày ấy, lễ bốc thăm các vòng thi đấu của Cúp FA chỉ diễn ra duy nhất trên đài BBC. Mọi người đều đi vào đó hoặc đứng ngoài cửa lắng nghe chăm chú bởi chỉ có 1 chiếc radio duy nhất ở CLB và nó lắp đặt trong phòng giặt là. Khi ấy, nó như căn phòng tranh luận thu nhỏ. Thật thú vị làm sao!
Đó là bầu không khí thân mật, ấm cũng và chẳng có ranh giới ngăn cách nào hết...
Áo ngôi sao hong phơi trên phố
Những cầu thủ Man Utd ngày ấy là những ngôi sao lớn với cậu nhóc như tôi, nhưng họ cũng thường bắt xe bus hoặc đi xe đạp như bao người khác. Họ cũng vào những cửa hàng tạp hóa giống bạn, không có sự phân biệt nào hết!
Chúng tôi sống ở Salford. Eddie Colman - một trong những cầu thủ thiệt mạng ở Munich sau này - cũng sinh ra và sống ở Salford. Còn nhiều người khác sống ở Stretford, xung quanh công viên Longford.
Mỗi khi được nghỉ học tôi thường xuống khu vực quanh sân Old Trafford, như bao đứa trẻ khác, chỉ để chơi tha thẩn ở đó.
Những ngày ấy, khi mẹ và cô tôi giặt xong đồng phục cho các cầu thủ, họ thường móc đồ lên dây phơi được chăng giữa tường sân vận động và hàng rào ngăn cách đường ray xe lửa gần cạnh.
Liệu bây giờ bạn có thể thấy trang phục thi đấu của cầu thủ được phơi khô để sử dụng ở những trận kế tiếp kiểu thế?
Thường đám trẻ chỉ được thập thò ngoài sân đợi và ngắm nhìn những cầu thủ đến tập rồi ra về. Nhưng khi mẹ tôi ôm chiếc sọt đi thu từng bộ trang phục đã khô để cất đi, bà luôn kéo tôi qua hàng rào để tiến vào trong sân.
Bà đưa tôi vào phòng giặt là, làm đồ uống cho tôi. Và khi các cầu thủ cũng như BHL đi vào đó, tôi cảm nhận rõ sự hãnh diện không tưởng với một đứa nhóc đang lâng lâng trên 7 tầng mây.
Tôi vẫn nhớ một ngày khi đang trong phòng giặt là, Tommy Taylor và David Pegg bước vào. Tommy châm điếu thuốc - điều mà giờ cầu thủ không được phép - nhưng anh ấy đánh rơi hộp diêm. Tôi đang chơi trên sàn nhà nên đã nhanh nhẩu nhặt nó lên cho anh ấy. Tommy đã cười phá lên và nói: "Nhìn xem cậu nhóc ngốc nghếch này!".
Thời ấy, vào buổi chiều Chủ nhật bạn có thể đến công viên Longford ở Stretford và thấy những cầu thủ MU chơi bóng với đám trẻ. Họ có thể đi dạo quanh đấy và nếu thấy ai đó đang chơi bóng, họ sẵn sàng nhập cuộc.
Ngày ấy, bóng đá và cuộc sống bình dị gắn quyện như thế!
Tin sét đánh từ Munich...
"Man Utd đánh bại Red Star Belgrade 2-1 ở Old Trafford ở tứ kết lượt đi. Họ hòa 3-3 sau đó tại Belgrade vào buổi chiều thứ Tư và sau trận bắt đầu hành trình quay về Anh trên một chuyên cơ đi thuê.
Chiếc máy bay phải dừng nạp nhiên liệu ở Munich. Đó một ngày tuyết rơi dày, và sau khi 2 lần cất cánh thất bại thì ở lần thứ 3, máy bay trượt khỏi đường băng, cày tung hàng rào và một bên cánh đâm vào tòa nhà gần đó phát nổ".
Chúng tôi không biết nhiều về trận đấu, mà chỉ xem thông tin qua báo. Ngày hôm sau, khoảng 4h chiều. Mẹ tôi về nhà sau giờ làm việc, tôi cũng từ trường học trở về. Bất chợt ai đó gõ cửa. Hóa ra đó một cậu nhó ở phố bên cạnh. Cậu ấy biết mẹ tôi làm ở sân Old Trafford và đến nói lại những gì nghe thấy trên đài radio, rằng đã có một vụ tai nạn máy bay.
Mẹ tôi khá bực bội, đã trách mắng và còn nhắn cậu ta không được nói tiếp với bất kỳ ai những điều tồi tệ như thế. Bà không tin đấy là sự thật. Nhưng rồi thời gian nặng nề trôi qua thật chậm, sự thật cũng hé lộ.
Tôi vẫn nhớ khi đang ở trường học vào ngày thứ Sáu và đám nhóc ngoài sân chơi đều bàn tán rằng Tommy Taylor nằm trong số người sống sót sau tai nạn. Nhưng thực tế đó là nhà báo Frank Taylor.
Khi ấy, hôm nay có thể là mẩu tin tích cực, nhưng ngày mai mọi thứ lại tồi tệ đi. Phải mất 5 hay 6 ngày sau vụ tai nạn, mọi thông tin mới sáng tỏ. Nhưng dù nhanh hay chậm thì ngày ấy, chắc chắn không ai trong chúng tôi mong đợi một tin tức như thế.
Từ vết son trên cổ áo đến lau bóng những cỗ quan tài
Những thi thể bắt đầu được chuyển về sau khi mọi tin tức trở nên sáng tỏ. Phòng tập chức năng nằm kế bên phòng thay đồ tạm thời trở thành "nhà xác u buồn". Những thi thể đã nằm ở đó...
Mẹ và dì tôi khi ấy đi lau chùi bóng những cỗ quan tài của các cầu thủ đã thiệt mạng. Tôi biết chắc rằng đó không phải công việc của họ, nhưng với tình cảm đặc biệt, sự thân mật và lòng kính trọng, họ đã quan tâm chăm lo cho các cầu thủ khi còn sống thì họ cũng sẵn sàng làm thế với những người đã khuất.
Tôi vẫn luôn xúc động, choáng váng khi nghĩ lại rằng, mới chỉ một tuần trước họ còn giặt là những chiếc áo đấu của các cầu thủ thì bây giờ họ lại tự tay đi lau chùi những cỗ quan tài của những ngôi sao đoản mệnh của CLB.
Ngay cả bây giờ, sau 60 năm, khi nghĩ lại, hình ảnh này vẫn thật cảm xúc!
Ra sân ngày sau thảm họa
Bởi thảm kịch Munich diễn ra không quá lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, chẳng ai đến và hỏi xem: "Bạn ổn chứ? Bạn đối diện mất mát và vượt qua nó thế nào?".
Đó không phải cách người ta sẽ làm vào năm 1958. Bạn chỉ có thể xoay sở, tự giúp mình với chính những gì bạn đang làm.
"Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới có sự hiện diện của bóng đá, Manchester United đều được khóc than thương tiếc", Chủ tịch Harold Hardman phát biểu trên chương trình tưởng niệm trước trận đấu đầu tiên sau thảm họa Munich.
Thật ngạc nhiên khi trận đấu ấy diễn ra vào 19/2, tức chỉ 13 ngày sau cú sốc. Man Utd đã đánh bại Sheffield Wednesday 3-0 ở vòng 3 FA Cup và tiến tới trận chung kết để rồi thua Bolton".
Chúng tôi sống ở Salford, chỉ mất 15 phút để đến SVĐ. Mẹ tôi có cặp vé cho từng trận trận đấu nên tôi và bố đã thường đến SVĐ, tất nhiên cả ở trận đấu đặc biệt ấy.
Ngày 16/2, khi chúng tôi đi bộ xuống đường Trafford hướng về SVĐ, thậm chí dòng người đi ngược chiều còn lớn hơn vì sân đã chật cứng.
Trong sân, Sheffield Wednesday dường như không thể chiến đấu. Họ không có cơ hội. Tôi thấy thương cho họ. Mọi người thương cho họ. Họ không dám thắng. Đó là bầu không khí đặc quánh cảm xúc cay đắng thương sót những cầu thủ đã mất, lại xen lẫn cả ý chí mạnh mẽ muốn vượt lên bi kịch.
Tinh thần Manchester United
"7 cầu thủ đã chết trước khi Man Utd bước vào sân đá với Sheff Wednesday, còn Duncan Edwards chết sau đó vài ngày. HLV Matt Busby vẫn thương nặng và thậm chí đã 2 lần người ta chuẩn bị sẵn lễ tang cho ông.
Trợ lý Jimmy Murphy không đi trên chuyến bay ấy vì bận dẫn dắt ĐT xứ Wales. Ông dẫn Man Utd ở phần còn lại mùa giải, đưa về vài bản HĐ mới, đôn thêm cầu thủ trẻ lên đội 1 nhưng sau cú sốc tinh thần quá lớn như thế, việc CLB xếp thứ 11 ở giải VĐQG cũng dễ hiểu".
Thủ môn Harry Gregg và hậu vệ Bill Foulkes, những người chỉ bị thương nhẹ đã gấp gáp trở về từ Munich và cùng trợ lý HLV Jimmy Murphy lập nên đội hình đá với Sheff Wednesday vào ngày 19/2 ấy. Tất cả đều ngạc nhiên trước sức mạnh và ý chí của Harry và Bill.
Nhưng họ không chỉ chơi cho chính mình, cho đội bóng, cho 7 đồng đội mới tử nạn trước đó mà còn cho cả những đồng đội đã sống sót nhưng không thể chơi bóng sau này như Johnny Berry hay Jackie Blachflower.
Rốt cuộc, sau trận đấu với Sheff Wednesday nhiều thứ đã trở lại đúng quỹ đạo vốn có. Tôi chợt nghĩ về một trong những người tiền nhiệm của mình, Les Olive, người khi ấy chỉ là trợ lý cho thư ký của CLB. Ông ấy mới 28 tuổi. Khi thư ký CLB tử nạn ở Munich, Lee đột nhiên phải gánh vác vai trò lớn hơn.
Khi đó, rõ ràng CLB chỉ còn rất ít nhân viên. Nhưng những ai còn lại đều sẵn sàng làm thêm vào buổi tối, làm không lương. Họ tiếp nhận đơn đăng ký mua vé xem trận đấu, tiếp nhận những bức thư đến, phân loại chúng, phân loại vé bán ra và thậm chí thu tiền...
Đó là những công việc lao động chân tay, đều đều chậm rãi hằng ngày, nhưng cách mà mọi người cùng nhau đối mặt, giải quyết mà không đòi hỏi lợi ích cho bản thân đã giải thích vì sao Manchester United có thể đương đầu và vượt qua biến cố tang thương nhất lịch sử CLB cũng như bóng đá thế giới.