Chỉ 21 tháng kể từ ngày ra mắt, Học viện bóng đá Man City (CFA) đang gặt “trái ngọt” với hàng loạt tài năng trẻ được ra mắt ở đội một, tiêu biểu là Kelechi Iheanacho.
Sau khi được mua lại bởi tỷ phú Sheikh Mansour vào năm 2008, Man City vẫn được biết đến là một đội bóng thành công nhờ chính sách “dùng tiền mua danh hiệu”.
Hai chức vô địch Premier League đầu tiên của đội bóng này in đậm dấu ấn của những ngôi sao nước ngoài được họ mua về như Sergio Aguero, David Silva, Yaya Toure, Vincent Kompany, ...Trong quãng thời gian này, số lượng cầu thủ Anh và cầu thủ “cây nhà lá vườn” trong đội hình Man City luôn rất thấp so với các đối thủ khác tại Premier League như Man Utd, Arsenal, Liverpool, Chelsea hay Tottenham.
Nhưng tình trạng này đang dần được cải thiện với sự xuất hiện của Học viện bóng đá Man City (CFA) vào đầu năm ngoái. Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 300.000 mét vuông, cơ sở đào tạo của đội chủ sân Etihad có kinh phí xây dựng lên đến 200 triệu bảng. Hiện tại, Học viện Man City có khoảng 450 học viện, 16 sân bóng, 6 bể bơi nóng lạnh, 3 phòng tập gym, 1 trung tâm y tế và 1 sân vận động có sức chứa hơn 7.000 chỗ ngồi.
Sau 21 tháng hoạt động, Học viện Man City đã giới thiệu đến khán giả Premier League tổng cộng 11 sản phẩm “cây nhà lá vườn” bao gồm Kelechi Iheanacho, Manu Garcia, Besant Celina, Angelino, Cameron Humphreys, Aleix Garcia, Tosin Adarabioyo, David Faupala, Brandon Barker, Pablo Maffeo và Brahim Diaz.
Nổi bật nhất trong số này là Kelechi Iheanacho. Tiền đạo 20 tuổi người Nigeria được đôn lên đội một Man City từ năm ngoái và lập tức gây ấn tượng mạnh với 14 bàn thắng cùng 5 đường kiến tạo sau 35 trận ra sân.
Kết thúc mùa giải, Iheanacho xếp thứ 3 trong danh sách những chân sút ghi nhiều bàn nhất cho Man City sau Sergio Aguero (29 bàn) và Kevin De Bruyne (16 bàn), dù anh chỉ đá chính đúng 11 trận Thậm chí, Iheanacho chỉ mất 86 phút để có một pha lập công trong mùa giải 2015/16, tức hiệu suất ghi bàn vượt xa cả Aguero (122 phút/bàn) lẫn De Bruyne (195 phút/bàn).
Đây cũng là lý do giúp Kelechi Iheanacho nhận được sự tin tưởng của HLV Pep Guardiola trong bối cảnh Sergio Aguero gặp chấn thương hoặc treo giò. Đáp lại, Iheanacho không khiến ông thầy của mình phải thất vọng. Một đường kiến tạo và một pha lập công trong trận derby Manchester vào tháng trước cho thấy Kelechi Iheanacho thừa sức đá chính trong đội hình Man City.
Một tài năng trẻ đáng chú ý khác của Học viện Man City là Brahim Diaz, cầu thủ đóng góp 3 bàn giúp U17 Tây Ban Nha lọt vào chung kết U17 châu Âu 2016. Tiền vệ 17 tuổi được so sánh với đàn anh đồng hương David Silva với lối chơi kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật cực tốt.
Diaz ra mắt đội một Man City vào cuối tháng trước khi vào thay Kelechi Iheanacho trong chiến thắng 2-1 của đội nhà trước Swansea tại vòng 3 League Cup.
Màn trình diễn của Brahim Diaz trong màu áo đội U17 Man City. Nguồn: Youtube
Và không chỉ có các tài năng trẻ nước ngoài, Man City còn đang bắt kịp các đội bóng khác trong việc cung cấp cầu thủ cho đội tuyển Anh. Không nói đâu xa, Học viện Man City đóng góp đến 5 cầu thủ trong đội hình Tuyển U17 Anh vô địch Croatia Cup vào tuần trước với chiến thắng “không tưởng” 8-1 trước đội U17 Đức, nền bóng đá vẫn được đánh giá cao hơn Anh ở công tác đào tạo trẻ.
Dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng Jadon Sancho, Phil Foden, Joel Latibeaudiere, Curtis Anderson hay Ian Proveda-Campo sẽ trở thành những trụ cột trong tương lai của đội tuyển Anh. Nhưng thành công ban đầu này phần nào khẳng định chất lượng đào tạo của Học viện Man City.
Chẳng thế mà Robin van Persie hay Phil Neville lại tin tưởng gửi con trai học tập ở Học viện Man City chứ không phải lò đào tạo cầu thủ trẻ của đội bóng mà họ thi đấu, Man Utd. Tương tự, Darren Fletcher và Emily Heskey cũng cho quý tử của họ gia nhập cơ sở đào tạo của đội chủ sân Etihad.
Và cũng đừng quên rằng HLV Pep Guardiola có tiếng mát tay trong việc phát triển các cầu thủ trẻ. Tiêu biểu là trường hợp của Kingsley Coman và Joshua Kimmich tại Bayern Munich, hay Sergio Busquets, Pedro và Thiago Alcantara tại Barcelona. Bởi vậy, đừng ngạc nhiên nếu Guardiola có nhào nặn các tài năng trẻ của Học viện Man City thành trụ cột đội bóng trong tương lai.
Đây cũng là mong mỏi lớn lao của Chủ tịch Sheikh Mansour khi ông chủ người Ả Rập mua lại Man City vào năm 2008: “Chúng tôi đang xây dựng một nền móng cho tương lai chứ không phải chỉ là một đội bóng gồm toàn các ngôi sao”.
Trái ngược với Học viện Man City, lò đào tạo của Man Utd lại đang có dấu hiệu sa sút. Nếu HLV Louis van Gaal giới thiệu đến Premier League 14 cầu thủ “cây nhà lá vườn” chỉ trong 2 mùa giải dẫn dắt Man Utd, thì Jose Mourinho vẫn chưa đôn một cầu thủ trẻ nào lên đội một từ đầu mùa giải năm nay.
Thậm chí, “Người đặc biệt” còn đẩy khỏi Old Trafford tổng cộng 17 cầu thủ trẻ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Trong số đó có nhiều cái tên đáng chú ý như Adnan Januzaj, Tyler Blackett, James Wilson, Andreas Pereira, Paddy McNair, Cameron Borthwick-Jackson hay Nick Powell.
Jesse Lingard và Marcus Rashford là 2 cầu thủ hiếm hoi của học viện Man Utd được Mourinho sử dụng trong thời điểm hiện tại.
Một số hình ảnh về Học viện Man City