Man City đã phụ thuộc vào các cơ quan có trụ sở tại UAE, quê hương của chủ sở hữu Sheik Mansour cho các hợp đồng tài trợ cho phép họ chi tiêu vượt trội hơn hầu hết các đối thủ về phí chuyển nhượng và tiền lương trong thập kỷ qua.
Vào đầu mùa giải 2020/21, Man có đội hình trị giá 1,063 tỷ euro (974 triệu bảng) phí chuyển nhượng - đắt nhất toàn cầu. Khi hầu hết các CLB đang cắt giảm chi phí thì hóa đơn tiền lương của họ trong mùa giải 2019/20 là 351,4 triệu bảng, cao nhất trong lịch sử bóng đá Anh.
Trong 10 năm tính đến cuối năm 2020, Man City kiếm được 1,7 tỷ bảng thu nhập từ thương mại. Trong cùng thời kỳ, Liverpool, Chelsea và Arsenal trung bình mỗi đội kiếm được 1,1 tỷ bảng, có nghĩa là Man City có nhiều hơn 600 triệu từ các hợp đồng thương mại so với những CLB có quy mô và địa vị tương tự.
Sự khác biệt về thu nhập thương mại của Man City là họ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tài trợ ở UAE.
Ví dụ, trong mùa giải 2012/13, doanh thu thương mại của Man City tăng 33% trong một năm lên 143 triệu bảng, gồm các công ty có trụ sở tại UAE chiếm 83% tổng doanh thu, với 67,5 triệu từ Etihad, 15 triệu bảng từ công ty đầu tư Aabar, 16,5 triệu từ công ty viễn thông Etisalat và 19,75 triệu từ Cơ quan Du lịch Abu Dhabi.
Đến mùa 2015/16, có 6 tổ chức và đối tác UAE riêng biệt đã đóng góp 122 triệu bảng tài trợ cho kho bạc của Man City, trị giá 179 triệu bảng, chiếm 68% tổng số. Đến giai đoạn 2019/20, con số này là khoảng 140 triệu bảng trong tổng số 250 triệu, chiếm tỷ lệ 56%.
Vấn đề ở chỗ, các cơ quan điều tra đang chứng minh một cách chắc chắn rằng những phần tiền nói trên dường như được trả dưới dạng tài trợ từ các bên thứ ba chứ không phải các cơ quan như đã tuyên bố. Đó là cách Man City gian lận nhằm đáp ứng các quy tắc công bằng tài chính của UEFA.