Lịch thi đấu dày đặc tại Premier League vẫn được xem là nguyên nhân khiến các cầu thủ dính chấn thương. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Kể từ khi trở lại sau chấn thương háng dính phải vào cuối tháng 9, Vincent Kompany chỉ thi đấu thêm khoảng 160 phút nữa trước khi trở lại giường bệnh với chấn thương đầu gối dính phải ở trận đấu Man City và Crystal Palace tại vòng 12 Premier League.
Tính ra, Kompany mới đá chính 2 trận tại Premier League năm nay với thời gian ra sân vỏn vẹn 115 phút và cũng chỉ có 1 trận anh đá trọn 90 phút (gặp Swansea tại League Cup). Những chấn thương liên tiếp đang khiến trung vệ người Bỉ đánh mất vị trí vào tay Otamendi và John Stones, bởi nếu khỏe mạnh, Kompany nghiễm nhiên chiếm một suất đá chính trong đội hình của HLV Pep Guardiola.
“Chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ Vincent (Kompany) để anh ấy có thể ra sân thường xuyên hơn. Nhưng cậu ấy vẫn gặp chấn thương chỉ sau vài tuần bình phục”, Pep chia sẻ sau trận Man City gặp Crystal Palace, “Hiện tại, các bác sĩ vẫn chưa thể xác định rõ Vincent sẽ nghỉ thi đấu bao nhiêu ngày. Có thể chỉ là vài tuần, nhưng cũng có thể là vài tháng nếu nặng hơn”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vincent Kompany dính tổng cộng 35 chấn thương, nghỉ thi đấu 850 ngày và bỏ lỡ 110 trận của Man City, kể từ khi gia nhập Man City vào năm 2008.
Đáng nói ở chỗ, Kompany chỉ dính đúng 4 chấn thương trong 3 năm đầu thi đấu cho Man City. Còn kể từ năm 2012 đến nay (khoảng 4,5 năm), trung vệ người Bỉ đã gặp tổng cộng 31 chấn thương. Trong cùng thời gian này, chỉ có Dembele và Yaya Toure dính chấn thương nhiều như Vicent Kompany.
Nhưng trong khi Dembele vẫn có 133 lần ra sân và Toure là 142 lần thì Kompany lại chỉ góp mặt trong 107 trận đấu của Man City. Chi tiết này phần nào cho thấy chấn thương của trung vệ người Bỉ nghiêm trọng hơn các đồng nghiệp.
Đổ lỗi cho lịch thi đấu là đúng?
Vấn đề của Kompany đặt ra câu hỏi, tại sao các cầu thủ thi đấu tại Premier League lại hay dính chấn thương như vậy? Trước Kompany, giải đấu cao nhất xứ Sương mù cũng từng chứng kiến nhiều bệnh nhân dài hạn như Abou Diaby, Jack Wilshere, Daniel Sturridge, Danny Welbeck, Theo Walcott, Luka Shaw, ... Những cầu thủ này đều từng có khoảng thời gian dưỡng bệnh vài tháng, hoặc thậm chí là cả mùa giải.
Nhiều chuyên gia và HLV vẫn cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bão chấn thương tại các đội bóng Premier League là lịch thi đấu dày đặc, không có kỳ nghỉ Đông như các giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác. Hệ quả là LĐBĐ Anh cũng đang xem xét việc áp dụng việc nghỉ Đông tại Premier League trong những mùa giải tới.
Nhưng liệu vài tuần nghỉ Đông có thể giúp các đội bóng Anh giảm thiểu bao nhiêu ca chấn thương trong một mùa giải?
Chấn thương là một phần của bóng đá mà bất kỳ đội bóng nào cũng phải đối mặt. Chẳng thế mà BTC các giải đấu lại quy định mỗi đội được đăng ký tối đa khoảng 23-25 cầu thủ để các HLV luân phiên sử dụng nhằm có được đội hình tốt nhất trong mỗi trận đấu.
Bởi vậy, NHM cũng không hề bất ngờ khi các đội bóng Premier League có thể phải đá khoảng 5 trận trong vòng 13 ngày, tức các cầu thủ chỉ có khoảng 48h để nghỉ ngơi giữa các trận.
Trên thực tế, lịch thi đấu của các đội bóng Premier League vẫn khắc nghiệt bằng lịch thi đấu của các đội bóng tham dự giải khúc côn cầu nhà nghề nghề Bắc Mỹ (NHL), giải đấu mà mọi cầu thủ đều phải tham dự tất cả các trận đấu của đội nhà và họ có thể phải đấu đến 5 trận chỉ trong vòng … 8 ngày. Lịch thi đấu khủng khiếp này buộc các cầu thủ có chưa đến 24h để hồi phục thể lực.
Nói như vậy để thấy rằng, lịch thi đấu tại Premier League vẫn còn có thể “chấp nhận” và thực tế là các đội bóng Anh vẫn đạt được thành công ở cả đấu trường quốc nội lẫn đấu trường châu Âu, bất chấp lịch thi đấu khắc nghiệt ở Premier League. Ví dụ tiêu biểu là cú ăn 3 của Man Utd (Premier League, FA Cup và Champions League) ở mùa giải 1998/99.
Mặt khác, ngay trong giới HLV cũng xảy ra những tranh cãi về lịch thi đấu của các đội bóng Premier League.
Chưa đầy một tuần sau khi mùa giải 2016/17 khởi tranh, HLV Mauricio Pochettino lập tức than vãn rằng: “Chúng tôi không phải là những cái máy để mà thi đấu liên tục. Vấn đề nằm ở cách thức tổ chức giải đấu. Các cầu thủ “không thể” đá trận khai mạc Premier League vào ngày 13/08 sau khi tham dự EURO. Như vậy thì làm sao cầu thủ của chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi sau khi cày ải cả một mùa giải cơ chứ”.
Tương tự, Juergen Klopp, Antonio Conte hay Pep Guardiola cũng không đồng tình với việc đội bóng của họ có lịch thi đấu quá dày đặc trong khoảng thời gian Giáng sinh và Năm mới.
Jose Mourinho thì khác. HLV trưởng Man Utd cho rằng: “Tôi thích khoảng thời gian này. Chúng tôi sẽ mang đến cho NHM những trận đấu đỉnh cao trong kỳ nghỉ Giáng sinh, điều mà tôi đã mất khi chuyển sang làm việc tại Italia và Tây Ban Nha”.
Trên thực tế, những cầu thủ không ra sân trong khoảng thời gian Giáng sinh và năm mới vẫn có thể dính chấn thương nếu hoạt động quá sức trong các buổi tập luyện. Với một số cầu thủ, cường độ hoạt động ở các trận đấu chính thức thậm chí còn không lớn bằng khi họ tập luyện. Chưa kể, một số cầu thủ còn dính chấn thương trong những tình huống vô cùng hy hữu.
Như vậy, lịch thi đấu dày dặc cũng chỉ là một trong những nhân tố khiến các cầu thủ dính chấn thương và một kỳ nghỉ Đông cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề này. Đừng quên rằng, các đội bóng thi đấu tại các giải VĐQG khác vẫn dính bão chấn thương dù có kỳ nghỉ Đông.
Chính vì thế, các HLV nên tìm cách thể giảm thiểu chấn thương cho đội bóng của họ bằng cách “liệu cơm, gắp mắm”, luân phiên đội hình một cách hợp lý, thay vì than vãn với lịch thi đấu dày đặc tại Anh.