Giải Ngoại hạng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi lớn sau khi nước Anh rời bỏ liên minh châu Âu. Một trong số đó là hạn chế cơ hội thi đấu của các ngôi sao “ngoại” để nhường cho cầu thủ bản địa.
Brexit (viết tắt của Britain và Exit) là chiến dịch thăm dò người dân Anh về việc có hay không rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Kết quả bỏ phiếu người Anh nói CÓ, và trong trường hợp kết cục trên thành hiện thực, hàng trăm cầu thủ ngoài EU của Premier League có nguy cơ gặp rắc rối lớn để xin giấy phép lao động cũng như cấp thị thực làm việc ở Anh.
Hôm qua, ông Andy Burnham, cựu bộ trưởng văn hóa Anh, đề xuất giải pháp khiến các đại gia như Man Utd hay Man City không thể tiếp tục vung tiền cho các ngôi sao “ngoại” ở những kỳ chuyển nhượng nữa. Đây là 2 CLB mua sắm rầm rộ và tốn kém nhất trong mùa Hè.
“Premier League cần được tái thiết với một mục tiêu cụ thể: nâng cao sức mạnh của đội tuyển quốc gia”, Burnham nói. “Hiện tại chúng ta đang có giải đấu hấp dẫn nhất thế giới nhưng bạn có tin rằng đội tuyển của chúng ta đã thành công?”.
“Trong 25 năm của kỷ nguyên Premier League, tuyển Anh chỉ có 1 lần vào bán kết EURO 1996 ngay tại quê hương. Rõ ràng chừng ấy là không đủ”, ứng cử viên cho vị trí thị trưởng thành phố Manchester tiếp tục. “Brexit có thể mang lại những điều khác biệt cho bóng đá. Nước Anh cần nghiên cứu hạn ngạch về các cầu thủ home-grown”.
“Cho dù Premier League không còn là mảnh đất của những tài năng xuất chúng nhất thế giới nhưng chúng ta lại có thể trao cơ hội phát triển cho các cầu thủ bản địa”, Burnham kết luận. “Đó là vấn đề đáng để bàn bạc”.
Thực tế chưa cần xuất hiện Brexit, việc các ngôi sao từ nước ngoài tới Anh và lấy đi cơ hội thi đấu của cầu thủ trong nước là vấn đề nhức nhối từ lâu nay.
Hiện tại hạn ngạch (quota) được áp dụng vào lúc này khiến 1 CLB của giải Ngoại hạng chỉ được phép đăng ký tối đa 17 cầu thủ ngoại. Cụ thể hơn, Premier League cho phép 1 CLB đăng ký tối thiểu 18 cầu thủ và tối đa 25 cầu thủ. Nếu đăng ký tối đa, 8 trong số đó phải thuộc diện “home-grown”.
“Home-grown” là những cầu thủ không phân biệt quốc tịch nhưng phải được đăng ký thi đấu ít nhất ba năm trước tuổi 21 tại Anh hoặc xứ Wales. Tóm lại đó là những cầu thủ trẻ (dưới 21 tuổi) được đào tạo tại các học viện bóng đá của Vương quốc Anh tối thiểu trong vòng 3 năm.
Điều đó có nghĩa 1 CLB có thể có bao nhiêu cầu thủ dưới 21 tuổi trong đội hình cũng được miễn là trong số lượng mà BTC cho phép (tối thiểu 18, tối đa 25).
Tuy nhiên điều này rất khó xảy ra đặc biệt là ở các CLB lớn vì họ cần những cầu thủ chất lượng để tranh tài ở đấu trường đỉnh cao như Champions League. Từ khi luật “Home-grown” áp dụng từ mùa 2010/11 đến nay, rất hiếm các đội có đủ 8 cầu thủ "cây nhà lá vườn".
Đa số đều sở hữu tối thiểu (3) bất chấp khi ấy đội hình sẽ bị hạn chế chỉ còn được đăng ký 20 suất. Mùa này, 2016/17, Man City thêm John Stones nhưng cũng chỉ sở hữu đúng 4 cầu thủ home-grown nên chỉ được đăng ký 21 cầu thủ - ít nhất tại Premier League. Dù vậy đoàn quân của Pep Guardiola vẫn đang "vô đối" ở xứ sương mù và trải qua chuỗi 10 trận toàn thắng.
Mùa 2013/14, Chelsea chỉ có John Terry, Cesc Fabregas và Gary Cahill “hợp lệ”. Nhưng bất lợi ấy là không đủ để ngăn đội bóng do Jose Mourinho dẫn dắt vô địch Anh một cách vượt trội với 17 cầu thủ ngoại còn lại.
Đó là lý do Burnham muốn siết chặt hơn vấn đề quota, qua đó khiến các đội bóng trao cơ hội thi đấu cho tương lai của nước nhà thay vì vung tiền mua các ngôi từ khắp châu Âu.
Số cầu thủ home-grown ở EP 2016/17:
4: Man City (chỉ được đăng ký 21)
5: Watford (22)
6: Tottenham, Chelsea (23)
7: Liverpool (24)
8: Swansea
9: West Ham, Man Utd, Arsenal
10: Hull
11: Middlesborough
12: West Brom, Stoke, Southampton, Leicester, Everton
14: Sunderland, Crystal Palace
19: Bournemouth
21: Burnley