Hôm nay (2/2) là ngày các CĐV Arsenal thôi không nghĩ tới tương lai của Mesut Oezil nữa khi mà cầu thủ người Đức đã gia hạn hợp đồng, nhưng lại là ngày để nhớ về “Twilight Zone”.
1. Trước hết phải xin lỗi những ai chỉ thích dòng nhạc nhẹ nhàng, trữ tình. “Twilight Zone”, phát hành đúng ngày này cách đây 37 năm, là bài hát theo thể loại Heavy metal, với tiếng guitar như “xé vải” và giọng hát như tiếng quát tháo ngoài đường biên của Paul Di'Anno.
Di'Anno chỉ hợp tác với nhóm Iron Maiden trong 3 năm, song vẫn kịp để lại dấu ấn đậm nét. “Twilight Zone” - dịch nôm na là “Vùng chạng vạng” - là một trong ví dụ tiêu biểu. Trước “Twilight Zone”, Iron Maiden không có một bài tình ca đúng nghĩa nào. Như mọi ban nhạc rock khác, họ chìm sâu vào sự suy tưởng, triết lý trong ca từ của mình. Di'Anno đến và “Trinh nữ thép” dần thay đổi.
Cuối năm 1981, tức không lâu sau khi “Twilight Zone” - bài hát là lời tâm sự của một chàng trai… đã qua đời gửi tới cô bạn gái vẫn còn trên dương thế - ra mắt thính giả, Di'Anno chia tay Iron Maiden. Phát biểu với giới truyền thông, Di'Anno bảo rằng tính cách của ông quá mạnh để có thể chịu đựng được sự kiểm soát theo kiểu “Mussolini cộng Hitler” của 2 thành viên khác trong ban nhạc.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi gắn bó cùng Iron Maiden, Di’Anno liên tục xung đột với viên quản lý Rod Smallwood và nhất là tay guitar bass Steve Harris. Khi khối mâu thuẫn ngày càng phình to mà không có giải pháp tháo gỡ, việc Di’Anno ra đi là có lợi cho tất cả.
2. Khác với ca sĩ có cái đầu trọc lốc đến từ Essex (Anh), Oezil có phong cách biểu diễn vô cùng êm ái. Cái cách Oezil dịu dàng chạm bóng, chuyền bóng làm người xem liên tưởng đến đôi bàn tay đang lướt trên phím dương cầm.
Trước khi có Oezil, phong cách của Arsenal vẫn sự kết hợp ngọt ngào của những đường phối hợp nhỏ, những cú bật tường. Tuy nhiên với Oezil, đội bóng bắc London mới có điều kiện để giữ cho ký ức về thế hệ vàng 2003/04 không phai nhạt. Ở đây ta chỉ bàn về khía cạnh lối chơi, không nói đến các danh hiệu.
Không như Di'Anno, cầu thủ người Đức gốc Thổ chẳng có hiềm khích nào với BHL cũng như các đồng đội tại Arsenal. Trên sân Oezil dễ thương bao nhiêu, ngoài đời anh cũng trầm mặc bấy nhiêu. Bất kể xung quanh có làm gì, Oezil cũng chỉ mở to đôi mắt “cá vàng” của mình để quan sát mà ít khi can dự.
Vậy nhưng điều đó không có nghĩa Oezil không có “Vùng chạng vạng” như Di'Anno. Để giữ chân cầu thủ hiền lành nhưng… chưa chắc đã thật thà của mình, Arsenal phải bỏ ra mức lương kỷ lục 300.000 bảng/tuần.
Di'Anno rời Iron Maiden trong vòng 3 năm, còn Oezil sẽ ở lại sân Emirates thêm 3 năm rưỡi nữa cho đến qua sinh nhật thứ 33. Cho cá nhân một cầu thủ sắp bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, bản hợp đồng vừa ký thực sự là một bàn thắng ngoạn mục. Còn với Arsenal, “lòng trung thành” của Oezil có thể là khởi nguồn của rất nhiều rạn nứt.
Các ngôi sao còn lại tại Emirates sẽ nhân cơ hội đòi tăng thu nhập. Những đối tượng mà HLV Arsene Wenger gọi điện mời về Emirates cũng sẽ nhìn vào mức đãi ngộ của Oezil để “làm giá”. Các CĐV Arsenal sẽ tiếp tục phải chịu giá vé cao nhất hành tinh.
Và triển vọng giành một danh hiệu quan trọng tại Premier League và Champions League thì vẫn xa vời vợi…