Đây là thuật ngữ có thể hiểu nôm na là “pressing chống phản công”, hay “tấn công-phản công” (ngược lại với phòng ngự-phản công). Cụ thể khi Liverpool có bóng họ tấn công bằng số đông và khi mất bóng, họ cũng dùng số đông để đoạt lại bóng cho bằng được. Đó là những điều được thể hiện rõ nét nhất tại Stamford Bridge đêm qua.
Ở bàn thứ 2, cú sút xa đẳng cấp của Henderson, cũng có tới 6 người của Liverpool quanh quẩn trong lẫn ngoài vòng cấm Chelsea. Rõ ràng khi "Gegenpressing" được vận hành chuẩn xác, không hàng thủ nào có thể bịt kín đường dẫn đến khung thành của mình.
Một trong những đặc điểm của “gegenpressing” là các cầu thủ phải chạy rất nhiều để gây sức ép khiến đối phương phạm sai lầm. "Gegenpressing" biến mỗi cầu thủ trở thành một siêu VĐV khi phải thể hiện 100% phong độ trong mọi phút có mặt trên sân.
Đó là lý do “The Kop” đang là đội bóng chạy nhiều nhất sau 4 vòng của giải Ngoại hạng mùa. Nhưng điều đó không có nghĩa họ luôn là đội giành quyền kiểm soát bóng nhỉnh hơn đối thủ.
Từ sau tiếng còi khai cuộc cho đến lúc có bàn mở tỷ số của Lovren ở phút 17, Liverpool cầm bóng vượt trội so với Chelsea. Thậm chí trong 10 phút đầu, họ kiểm soát bóng tới 62,3% so với 37,7% của đội chủ nhà.
Cho tới tận phút 30, khi đã vươn lên dẫn trước, Liverpool vẫn tạo ra thế trận áp đảo dù giảm khả năng cầm bóng xuống 58%. Không lâu sau đó, thế trận ưu việt của họ lại được cụ thể hóa bằng bàn nhân đôi cách biệt ở phút 37.
Tuy nhiên Chelsea mới là đội cầm bóng nhiều hơn tính trong cả 90 phút thi đấu chính thức (53%). Trong 10 phút cuối khi các cầu thủ Liverpool kiệt quệ năng lượng, các học trò của HLV Antonio Conte kiểm soát bóng lên đến 62%.
Với những vụ chuyển nhượng thông minh trong mùa Hè, Klopp đã tạo ra cỗ máy tấn công đáng sợ. Ở trận đấu tại Stamford Bridge, Sturridge, Coutinho và Mane càn lướt không ngừng nghỉ trong khi Wijnaldum và Lallana có nhiệm vụ đi "săn" bóng.
Khi tấn công, cả 5 cầu thủ này đều có xu hướng bó vào giữa sân. Điều đó tạo khoảng trống để các hậu vệ cánh Clyne và Milner chồng cánh. Đây là phương án tấn công mới thấy của Man City dưới thời Pep Guardiola, dù nó đã được Liverpool thể hiện từ các trận đấu với Arsenal ở vòng 1 và với Leicester ở vòng 4.
Có thể nói “gegenpressing” đã giúp Liverpool khởi đầu cực tốt ở chiến dịch 2016-17. Nên nhớ 4/5 đối thủ của đội chủ sân Anfield đều là những đội mạnh. Nhưng “The Kop” vẫn giành 10/12 điểm tối đa trước Arsenal (thắng 4-3), Tottenham (1-1), Leicester (4-1) và Chelsea (2-1).
Klopp và Liverpool vẫn còn nhiều thời gian để hoàn thiện “gegenpressing”. Nhưng hiện tại họ đã cho thấy là đội có lối chơi hấp dẫn nhất ở xứ sương mù.