Theo tiết lộ của Daily Star thì thật ra, Man Utd chỉ quyết định sa thải Van Gaal sau khi PCT điều hành Ed Woodward chứng kiến phản ứng của NHM “Quỷ đỏ”.
Chừng nào mới “trảm” Van Gaal?
Trước trận chung kết FA Cup, trong một thời gian dài truyền thông quốc tế thường xuyên đưa tin Jose Mourinho sắp thay Louis van Gaal. Thậm chí còn chi tiết hơn nữa là Man Utd đã có thỏa thuận với “Người đặc biệt” và sẵn sàng bồi thường 15 triệu bảng nếu không ký hợp đồng trước ngày 01/06.
Nhưng trên thực tế, như tiết lộ của Daily Star, PCT điều hành Ed Woodward chỉ quyết định sa thải Van Gaal vài giờ trước trận chung kết FA Cup, chứ không phải ngay từ trận thua West Ham ở Premier League.
Có cơ sở để tin vào nhận định này. Trước hết là do tới vòng cuối Premier League, Ed Woodward vẫn kỳ vọng Van Gaal giành được vị trí thứ 4 chung cuộc rồi vô địch FA Cup để khép lại mùa 2015/16 với thành công có thể chấp nhận được. Kế đến, Ed Woodward thừa hiểu việc sa thải Van Gaal ảnh hưởng thế nào tới hình ảnh của ông ta trong mắt các ông chủ Mỹ.
Nhưng rốt cuộc, Ed Woodward chẳng thể có lựa chọn khác do hiểu rõ Mourinho sẽ không thừa kiên nhẫn chờ đợi, cũng như chứng kiến mối quan hệ không thể hàn gắn giữa các CĐV Man Utd với Van Gaal. Và có lẽ, không loại trừ khả năng chính chiếc Cúp mà Van Gaal vừa đoạt được là động cơ để Ed Woodward “trảm tướng: Ông có thể báo cáo với các nhà đầu tư Mỹ rằng mình không chọn sai người do Van Gaal chấm dứt được 12 năm “khát” ngôi vô địch FA Cup, nhưng phải thay HLV để đẩy Man Utd lên tầm cao hơn!
Man Uta trả giá cho tư tưởng lạ lùng
Về phía CĐV Man Utd, thay ai cũng được, Jose Mourinho càng tốt, cho dù “Người đặc biệt” rất có thể “đốt” mất của đội nhà 300 triệu bảng để mua cầu thủ mới. Nhưng chắc chắn họ không muốn giữ Van Gaal.
Nguyên nhân nằm ở tư tưởng dùng người lạ lùng của HLV Hà Lan, mà đội hình đá chung kết là bằng chứng mới nhất khi ông dùng hậu vệ phải (Matteo Darmian) để đá biên trái, dùng tiền vệ cánh phải (Antonio Valencia) đá hậu vệ phải, dùng tiền vệ (Daley Blind) đá trung vệ, dùng tiền đạo (Wayne Rooney) đá tiền vệ, dùng tiền đạo khác (Anthony Martial) chạy cánh trái, dùng tiền vệ kiến tạo (Juan Mata) chạy cánh phải, dùng tiền vệ cánh (Ashley Young) đá tiền đạo trước lúc kéo xuống đá hậu vệ trái.
Cách bố trí lộn xộn ấy của Van Gaal giải thích tại sao thành tích thi đấu của Man Utd quá thất thường ở mùa này. Quan trọng chẳng kém là những ý tưởng mà chỉ mình ông biết (như HLV này vừa chỉ trích các phóng viên chẳng biết gì thì đừng bàn về những trường hợp bị gạt khỏi chung kết FA Cup) đang làm hại ông, vì với 39 thắng, 19 hòa và 18 thua qua 76 trận nắm Man Utd, tỷ lệ thắng của ông chỉ đạt 51,3%, tương đương David Moyes và Ryan Giggs (đều 50%), song kém xa Sir Alex Ferguson (65,2% với 528 thắng, 168 hòa và 114 bại).
Trong lúc thành tích không như mong đợi, Man Utd của Van Gaal càng gây thất vọng do tính giải trí cũng chẳng có. Bằng chứng là ở Premier League mùa này, “Quỷ đỏ” chỉ ghi 49 bàn, kém cả mùa đầu của Van Gaal là 62 bàn cho dù thông số này còn tệ hơn cả thời David Moyes (64 bàn) chứ chưa tính tới mùa cuối của Sir Alex Ferguson (86 bàn).
Càng nghiêm trọng hơn khi nguyên nhân khiến Man Utd ghi bàn không nhiều chẳng phải do dứt điểm kém hoặc đối thủ chống đỡ tốt, mà phần nào do họ chuyền về quá nhiều, thậm chí không chỉ cao nhất Premier League 2015/16 với 3.222 đường chuyền ngược, mà còn vượt hẳn các “đại gia” khác như Arsenal (2.946), Chelsea (2.933), Man City (2.896) hoặc Liverpool (2.842).
Khiến Man Utd có phong độ thi đấu thất thường, lại thiếu hiệu quả và nhàm chán, giữ Van Gaal ở lại đồng nghĩa với “Nhà hát” không còn “những giấc mơ”.