Sẽ không ngạc nhiên nếu Diego Costa quyết định lựa chọn con đường tới Trung Quốc, giống như bao cầu thủ gốc Nam Mỹ khác đã và đang đổ xô tới quốc gia này, hệt như một chuyến đi "đào vàng" lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Costa là cầu thủ châu Âu, đá cho ĐT Tây Ban Nha nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi đó là dòng máu Nam Mỹ chảy trong huyết quản anh. Đến lúc này, gia đình và nhiều người thân của Costa vẫn còn ở thị trấn Lagarto, Brazil.
Bố của Costa sở dĩ chọn tên đệm Diego bởi ông rất hâm mộ huyền thoại Diego Maradona, bất chấp mối thù địch Brazil - Argentina. Anh trai của Costa thì có cái tên đặc sệt Brazil: Jairzinho - giống như nhiều người khác trong họ hàng.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ châu Âu và Nam Mỹ không hẳn là kỹ thuật hay kỷ luật. Đó là lòng trung thành. Gerrard, Totti hay John Terry được “dạy dỗ” quá tốt để không bao giờ rời CLB mà họ được nuôi nấng nên người.
Nhưng đừng bao giờ đòi hỏi các cầu thủ Brazil hay Argentina cư xử chuyên nghiệp như thế.
Đa số các cầu thủ Nam Mỹ là “lính đánh thuê” thực dụng, nơi đâu trả tiền cao hơn sẽ đến, không rằng buộc và cũng chẳng thể đòi hỏi những thứ viển vông như tình yêu màu cờ sắc áo.
Đó là tính cách tất yếu được hình thành trong giai đoạn phát triển của rất nhiều cầu thủ Nam Mỹ - khu vực có nhiều ngôi sao trưởng thành từ các khu ổ chuột nghèo khổ. Costa cũng vậy. Anh phải rời xa gia đình để kiếm ăn từ khi còn vị thành niên.
Ở tuổi 15, Costa tới thành phố Sao Paulo - nơi nổi tiếng phức tạp bởi bọn tội phạm và lũ nghiện ngập - để làm việc trong cửa hàng của ông chú. Lối chơi dữ tợn nhưng tinh quái, chiến đấu đến "giọt sức" cuối cùng phản ánh đúng bản chất con người Costa.
Trở lại với hiện tại, các CLB của Chinese Super League (CSL) đang mời chào Costa với mức lương 30 triệu bảng/năm, gấp 4 lần lương hiện tại ở Chelsea (7,8 triệu bảng).
Đây có thể coi là con số… không mấy hợp lý nếu so sánh với Tevez – người đang hưởng lương cao nhất thế giới: 32 triệu bảng/năm. Costa (28 tuổi) trẻ hơn Tevez (32) và đang ở giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp.
Nếu ở lại thành London, Costa giỏi lắm duy trì phong độ hiện tại thêm 3 năm nữa, lĩnh kịch kim 25 triệu bảng/năm, tức chỉ tương đương chưa đầy... 1 năm chơi bóng ở Trung Quốc.
Cũng trong quãng thời gian này Costa cống hiến phần còn lại của sự nghiệp ở châu Á, anh có thể thu về 100 triệu bảng trước khi giải nghệ. Sự khác biệt là quá lớn.
Nếu vấn đề chỉ là lương, rõ ràng “hạ cánh” ở Trung Quốc là phương án hoàn hảo nhất. Nơi đó tiền nhiều, thời tiết dễ chịu, đối thủ nhẹ nhàng và còn rất nhiều đồng hương Nam Mỹ khác để không phải cảm thấy cô đơn.
Về lý thuyết, Costa vẫn có thể đá đôi năm ở môi trưởng đỉnh cao rồi sang Trung Quốc cũng được. Nhưng ai mà biết được 2, 3 năm nữa CSL sẽ ra sao? Giấc mơ tiền bạc rất dễ tan thành mây khói nếu như anh không nhanh chân. Drogba và Anelka đã từng vỡ mộng và phải tìm đường trở lại châu Âu.
Cuối cùng, ở chiều ngược lại, Chelsea đày ải Costa cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Sự “đỏng đảnh” đã ăn vào máu Costa. Trước khi Conte xuất hiện và vực dậy CLB, anh từng vùng vằng đòi trở lại Atletico từ mùa Đông năm ngoái.
Bán Costa, The Blues thừa sức thu về trên dưới 80 triệu bảng. Số tiền dư dả để sắm một hai chân sút đẳng cấp. Tất nhiên là nên tránh “lũ lính đánh thuê” Nam Mỹ.