Hôm qua nhật báo uy tín hàng đầu nước Anh, The Times, hé lộ một nhóm các nhà đầu tư Mỹ đang đàm phán mua lại Everton với giá 200 triệu bảng và thương vụ có thể chốt trong 6 tuần nữa. Đội bóng vùng Merseyside hiện nằm trong số không nhiều CLB tại Premier League thuộc quyền sở hữu của một ông chủ Anh thực sự. Trước đấy, 25% cổ phần của Crystal Palace cũng đã được bán cho nhà tài phiệt người Mỹ Josh Harris. Người ta dự báo chẳng sớm thì muộn Josh Harris cũng sẽ thâu tóm nốt số cổ phần Palace từ tay bộ ba ông chủ người Anh hiện tại. Và với Bournemouth, dù chủ sở hữu là triệu phú người Nga Maxim Demin thì 25% cổ phần của đội bóng này cũng mới được bán cho Công ty Peak6 Investments có trụ sở ở Chicago (Mỹ).
Một thống kê hồi tháng 04 năm nay chỉ ra rằng có 28 trên tổng số 92 CLB chuyên nghiệp ở 4 giải đấu cấp cao nhất của nước Anh hiện có 100% hoặc phần lớn số cổ phần nằm trong tay các ông chủ ngoại. Riêng tại Premier League mùa này, có tới 11/20 đội bóng thuộc quyền sở hữu của các ông chủ ngoại. Và sau những vụ mua bán đắt đỏ ở những đội bóng hàng đầu như Man Utd, Chelsea, Arsenal, Liverpool hay Man City, thực tế các CLB tầm trung như Southampton, Villa, Sunderland rồi kế đến kể cả những CLB nhỏ như Watford, Bournemouth, Leicester đã lần lượt rơi vào tay các đại gia đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ đến châu Á, từ Nga tới Thái Lan. Tất nhiên, một số CLB được mua trước khi họ giành quyền lên chơi tại Premier League. Nhưng thực tế không ít đội ở giải Ngoại hạng vẫn đang được các ông chủ ngoại tăm tia với mục đích thâu tóm, đặc biệt là những đội vừa và nhỏ. Rõ ràng, viễn cảnh một ngày cả 20 CLB ở giải đấu cấp cao nhất nước Anh không còn nằm trong tay những ông chủ bản địa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thông thường, các đại gia hoặc tổ hợp đầu tư vẫn chọn mua “hàng khủng” như Man Utd, Chelsea, Liverpool… để kỳ vọng hốt bạc, thu lời nhanh. Như thế, việc đầu tư vào những CLB nhỏ - vừa liệu có phải một canh bạc và những toan tính thực sự đằng sau các thương vụ này là gì? Ở đây, có thể thấy những lợi ích khi đầu tư vào các CLB nhỏ và vừa. Thứ nhất, mức giá của những đội bóng này chỉ trong phạm vi 140-200 triệu bảng. Nó không gặp khó khăn như khi xoay sở 600-700 triệu bảng hay thậm chí cả tỷ bảng để mua những đội giá trị hơn. Thứ hai, nếu mua một lượng cổ phần nhất định thì số tiền bỏ ra còn ít hơn nữa, điều đó đồng nghĩa với kiểm soát được rủi ro thua lỗ. Và đương nhiên khi mua cổ phần hoặc thâu tóm 100% những đội bóng như Everton, Palace hay Bournemouth thì các nhà đầu tư chắc chắn đã nhìn thấy lợi nhuận thu về. Đó có thể là khoản lời đến sau 1-2 năm hoặc lâu hơn mà vẫn được gọi là “tầm nhìn chiến lược” hay “kế hoạch dài hạn”. Mà cụ thể ở đây, theo như phân tích của tạp chí kinh tế uy tín Financial Times, nguồn lợi nằm ở hai yếu tố: nguồn thu của các CLB tại Premier League ngày càng tăng chóng mặt chủ yếu nhờ vào hợp đồng bản quyền truyền hình (BQTH) cực kỳ béo bở và cách thức quản lý chi phí ngày một tốt hơn – đồng nghĩa với mức độ an toàn cao cho khoản đầu tư.
Tất nhiên, nguồn lợi dễ thấy nhất có thể mang về cho các ông chủ ngoại đó là từ gói hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League trong 3 năm tới nhiều khả năng sẽ có tổng giá trị trên mức 8,5 tỷ bảng, tức tăng tới hơn 70% so với gói hiện tại hết hạn vào cuối mùa này. Khi ấy, mỗi CLB tầm trung có thể bỏ túi từ 113-124 triệu bảng/năm từ nguồn phân chia BQTH cả trong lẫn ngoài nước Anh. Thậm chí, những đội ở cuối BXH cũng nhận được từ 97-105 triệu bảng, tức ngang bằng doanh thu của... ĐKVĐ Chelsea ở mùa năm ngoái. Đấy là nguồn lợi quá lớn. Chưa hết, cứ đà tăng này thì ai mà biết liệu trong giai đoạn 3 năm kế tiếp nữa, 2019-2022, các đội tham dự Premier League còn nhận được tiền phân chia BQTH lớn đến đâu. Có lẽ, khi ấy ngay cả các CLB “cỏ” xét về danh tiếng ở giải Ngoại hạng cũng khiến khối đại gia ở Bundesliga, Serie A hay Ligue 1 phải nhìn mà tức nổ đom đóm mắt.
Thực tế, từng có những rủi ro khiến các nhà đầu tư ngoại ngại bỏ vốn vào các CLB vừa và nhỏ. Đó là bởi những đội bóng này dễ gặp khó khăn tài chính hoặc thậm chí ngập trong nợ nần hay phá sản do chi phí tiền lương cầu thủ cũng như chi tiêu chuyển nhượng ngày một đội lên, ngốn gần hết doanh thu. Trường hợp của Leeds Utd năm 2007 và 2 năm sau đó đến lượt Portsmouth là những minh chứng sống động. Tuy vậy, Luật công bằng tài chính ra đời đã đặt ra tỷ lệ chi tiêu nhất định trên tổng % doanh thu (70% sẽ bị báo động) đã giúp chính các CLB vừa và nhỏ kiểm soát tốt hơn tài chính, không còn vung tay quá trán. Và đặc biệt miếng bánh BQTH quá đỗi béo bở đã giúp tăng đáng kể doanh thu của mỗi đội bóng. Như thế, bảo sao các ông chủ ngoại không tìm cách thâu tóm các CLB tại Premier League, dù là vừa hay thuộc diện “cỏ” đi nữa.