Sergio Aguero đang là ông Vua săn bàn ở Premier League. Nhưng trên một góc độ khác ông Vua Aguero vẫn phải chào thua Diego Costa...
Hiện Sergio Aguero đã có 109 bàn sau 158 trận ra sân với Man City, đạt hiệu suất 0,69 bàn/trận. Đặc biệt, với hiệu suất 107 phút/bàn, Aguero đang dẫn đầu ở “hạng mục” này trong số những cầu thủ đã ghi từ 100 bàn trở lên ở giải Ngoại hạng.
Nhưng trong mùa giải thứ 3 khoác áo Chelsea, Diego Costa cũng chẳng hề tự ti với 40 bàn thắng “giắt lưng” mà gần nhất là tuyệt các cứa lòng tuyệt đẹp trong trận thắng Southampton 2-0 ở vòng trước.
Chính xác, Diego Costa chỉ cần 64 trận để chạm đến mốc 40 bàn, tức đạt hiệu suất 0,66 bàn/trận, không kém Aguero là bao. Và nhìn lại lịch sử giải Ngoại hạng, nếu Aguero cần đến 71 trận để ghi 40 bàn thì có nghĩa El Kun vẫn phải chào thua Costa.
Nhưng không chỉ có Aguero mà cây săn bàn cự phách một thời, Thierry Henry cũng cần 73 trận để chạm mốc 40 bàn. Và ngay cả Vua phá lưới mùa trước Harry Kane cũng mất 74 trận mới ghi số bàn tương tự.
Video pha cứa lòng tuyệt đẹp vào lưới Southampton giúp Costa chạm mốc 40 bàn ở giải Ngoại hạng
Thực tế thì xếp trên Costa vẫn còn tới 4 tiền đạo khác, nhưng đó cũng đều là các khẩu đại pháo từng oanh tạc khắp các sân cỏ nước Anh, như F. Torres, A. Cole, K. Phillips, Van Nistelrooy và đặc biệt là tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử giải đấu Alan Shearer (260 bàn) - người chỉ cần 45 trận đã ghi 40 bàn.
Tuy nhiên, bóng đá trong giai đoạn Shearer bắt đầu chơi ở Premier League và hiện tại rất khác nhau, trên nhiều khía cạnh, từ tốc độ đến thể lực và cả ý đồ chiến thuật. Giờ thì đất diễn cho các tiền đạo thực thụ ngày càng hẹp, trong khi “vai diễn” lại mở rộng khi họ phải dạt biên, đá lùi, tranh chấp từ giữa sân nhiều hơn…
Nói thế để thấy ghi bàn ở giải Ngoại hạng rõ ràng khó khăn hơn trước rất nhiều. Và với Diego Costa, việc anh sớm chạm đến mốc 40 bàn càng đáng nể bởi cả mùa trước những chấn thương, rắc rối về kỷ luật, phong độ sút giảm khi Chelsea khủng hoảng khiến mùa giải coi như vất đi với tiền đạo này.
Hãy nhớ, Costa chỉ ghi vỏn vẹn 12 bàn/20 trận ở Premier League 2015/16. Giờ mới sau 10 vòng đấu anh đã ghi bằng 2/3 số bàn thắng ở cả mùa trước.
Chưa hết, nếu 10 vòng đầu mùa trước Costa chỉ có 2 bàn thì giờ số bàn nhiều gấp 4 lần. Và nếu mùa trước phải đến cuối tháng 1/2016 Costa mới có 8 bàn thì tính đến cuối tháng 10 mùa này anh đã dẫn đầu danh sách phá lưới EPL 2016/17 với số bàn đó.
Rõ ràng, sự hồi sinh của Diego Costa chính là chìa khóa giúp Chelsea đang tìm lại vị thế đã đánh mất sau một mùa giải thảm họa. Với 8 bàn, một mình Costa đóng góp tới 38% số bàn thắng của cả đội (21) và trực tiếp mang về 7/21 điểm cho Chelsea.
Không quá khi nói rằng Costa chính là bộ mặt của Chelsea lúc này, sắc xảo, quyết đoán, tinh thần thi đấu luôn hừng hừng như ngọn núi lửa trực chờ bùng nổ. Và sẽ là một cuộc đối đầu thú vị khi tối nay Costa giáp mặt đàn em Lukaku.
Bàn mở tỷ số ở trận thắng West Ham vòng trước đã giúp Lukaku chạm đến mốc 50 bàn sau 113 lần ra sân tại Premier League. Cho đến giờ vẫn dấy lên những tranh cãi rằng liệu Chelsea có bị hớ hay không khi bán đứt Lukaku cho Everton 2 năm trước với phí 28 triệu bảng.
Thực tế thì giờ giá trị chuyển nhượng Lukaku đã đội lên cao gấp đôi hoặc thậm chí gấp 2,5 lần con số trên. Nhưng thống kê cũng chỉ ra rằng Chelsea chẳng sai khi bỏ ra 32 triệu bảng đưa về Costa hồi tháng 7/2014 để rồi chưa đầy 2 tháng sau đó Lukaku phải khăn gói chuyển hẳn về Everton, sau 1 mùa trước đó chơi tại Goodison Park dưới dạng cho mượn.
Thật vậy! Ngay ở mùa đầu tiên Costa đã ghi 20 bàn và anh là nhân vật chính giúp Chelsea của Mourinho đăng quang tại Premier League 2014/15. Và tính từ tháng 8/2014 đến giờ nếu Lukaku ghi được 35 bàn thì Costa đã có nhiều hơn thế 5 bàn.
Tính chi li hơn, Lukaku cần đến 82 trận để có 35 bàn, tức hiệu suất chỉ có 0,426 bàn/trận thì như đã nói ở đầu, Costa đã ghi 40 bàn chỉ mất 64 trận, đạt hiệu suất (0,66 bàn/trận) cao gấp 1,5 lần so với đàn em.
Chưa hết, nếu tính cụ thể ra phút thì kể từ tháng 8/2014 đến giờ Lukaku cần 193,4 phút để ghi 1 bàn. Trong khi con số này với Costa chỉ là 132,9 phút.
Như thế, ai dám nói rằng quyết định “mua Costa - bán Lukaku” là thương vụ tồi của Chelsea?