Dự kiến tiền vệ 30 tuổi sẽ ký hợp đồng có thời hạn 3 năm, với mức lương tương tự lúc ở Đức. Chủ tịch Bayern Karl-Heinz Rummenigge khẳng định: “Bastian muốn có thách thức mới ở cuối sự nghiệp. Cậu ấy muốn chúng tôi đáp ứng nguyện vọng đó. Vì vậy nên khi các đồng nghiệp của tôi ở Man Utd liên hệ, các bên dễ dàng tìm được tiếng nói chung”.
Sự kiện Schweinsteiger không chỉ là tin vui đối với NHM Man Utd, mà còn tuân thủ quy luật tiến hóa của cuộc sống: để tồn tại thì cần thay đổi. Vì muốn Man Utd nhanh chóng trở lại hàng ngũ thống trị của cả Premier League lẫn Champions League, ban lãnh đạo buộc phải dang tay chào đón tài năng đến từ Đức, điều mà họ chưa từng làm trong kỷ nguyên Premier League có lẽ là do cảm giác ấm ức từ thảm kịch rơi máy bay ở Munich 1958. Tuy nhiên, còn chọn lựa nào hợp lý hơn cho vị trí “máy quét”, nơi mà ngoại trừ người Italia thì chỉ có người Đức mới dám vỗ ngực xưng là bậc thầy?
Schweinsteiger đến Man Utd còn là một góc nhìn tất yếu phải thay đổi trong bối cảnh gần đây bóng đá Đức đang thịnh, chẳng lẽ lại bỏ qua những nhà VĐTG? Hơn nữa, không như “hàng nhập khẩu” từ Italia hoặc Brazil thường gây thất vọng trên đất Anh, các ngoại binh Đức từng chứng tỏ khả năng thích ứng tốt với Premier League như tiền đạo Juergen Klinsmann (Tottenham), tiền vệ Michael Ballack (Chelsea), thủ môn Jens Lehmann và trung vệ Per Mertesacker (Arsenal), hoặc Markus Babbel, Emre Can cùng Dietmar Hamann (Liverpool)… Sở dĩ tới nay số cầu thủ Đức ở Premier League kém xa các đồng nghiệp người Hà Lan, Pháp, Italia hoặc Tây Ban Nha chẳng phải do họ không có người giỏi, mà chỉ vì tiềm lực tài chính của Bayern đủ mạnh để giữ lại Đức những ngôi sao sáng chói nhất.