Đến trễ là mất ghế
Mấy ngày qua, giữa lúc dân ta đang no nê do bánh chưng, mứt Tết thì tại Anh, khối đồng hương ắt hẳn đang ức chế vì các ông chủ Mỹ. Bởi tại Liverpool - một trong những thành phố có nhiều người Việt nhất ở xứ sở sương mù, các ông chủ Mỹ của Fenway Sports Group (FSG) đang quản lý đội chủ sân Anfield vừa gây sốc bằng thông báo tăng giá vé cho mùa sau lên tới 77 bảng. Kết quả là hàng nghìn Kopite đã tổ chức phản đối bằng cách bỏ về sớm ở phút 77 trong trận hòa Sunderland 2-2, buộc BLĐ CLB phải vội vã xin lỗi và cam kết không điều chỉnh giá vé ít nhất là trong 2 mùa tới.
Tuy nhiên, với tâm lý “hết nạc phải vạc tới xương”, Liverpool đang chuẩn bị gây sốc lần nữa qua kế hoạch mới cho phép CLB thu hồi quyền sở hữu chỗ ngồi đặt sẵn của bất cứ CĐV nào trót mua vé xem cả mùa nhưng đến trễ!
Nguyên nhân dẫn tới ý tưởng hiếm thấy này là do các ông chủ ngoại cảm thấy ngứa mắt trước khoảng 1.000 ghế trống trên khán đài có sức chứa 45.276 người tại Anfield, cho dù đa số thuộc về những CĐV mua vé xem cả mùa. Và dĩ nhiên, phần nào còn do các nhà đầu tư nước ngoài xem ra đang giận dỗi vì trước đó, toan tính tăng giá vé đã không thành.
Anfield chẳng phải là ngoại lệ
Tất nhiên, lòng tham không đáy của các ông chủ ngoại biểu hiện lộ liễu như vậy dễ khiến ngay cả lính lác là dân bản địa cũng cảm thấy ngượng ngùng. Vì thế mới có chuyện Ian Ayre - GĐĐH người Anh của Liverpool phải trấn an NHM trong cuộc họp mới đây với các CĐV rằng, chương trình thử nghiệm ban đầu phải giới hạn tối đa chỉ có 150 khán giả giữ vé xem cả mùa đối mặt nguy cơ mất ghế.
Nhưng cho dù giải thích thế nào chăng nữa, biện pháp này rõ ràng không hợp lý. Đơn giản vì CĐV đã mua vé xem cả mùa có nghĩa là họ đã thanh toán trước chỗ ngồi của mình thật sòng phẳng, nên có tới sân hay không đều chẳng ảnh hưởng gì tới nguồn thu từ bán vé của CLB. Còn làm theo dự tính của BLĐ Liverpool thì chẳng khác nào anh bán món đồ cho khách xong, thấy người ta không dùng liền muốn đòi lại nhưng chẳng chịu hoàn tiền!
Đây ắt hẳn là mặt trái của các ông chủ ngoại tại Premier League: Chỉ xem bóng đá như trang trại đầu tư kiếm lời và CĐV là cừu, dê, bò sữa... Bởi lẽ, Liverpool chẳng phải trường hợp duy nhất mà giới chủ đầu tư đặt lợi ích bản thân vượt lên trên quyền lợi của CLB. Man Utd có thể xem như “điển hình” khác, chẳng phải do từ lúc gia đình Glazer tiếp quản CLB, NHM phải bỏ thêm 25-30% để mua vé vào sân trong 3-4 năm đầu.
Vì gần đây, “Quỷ đỏ” vừa thông báo tiếp tục có lãi, nhưng ngân sách chuyển nhượng dự kiến phải cắt giảm khoảng 15%, bao gồm cả nguồn tiền đầu tư cho Học viện! Lý do là vì gia đình Glazer - cổ đông lớn nhất của chủ sân Old Trafford đòi được chia cổ tức.
Đừng khinh người hâm mộ
Dù vậy, sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ có thể mặc sức quơ quào túi riêng bằng cách tận thu NHM như cách nông dân vắt sữa bò hoặc cắt lông cừu mà không sợ hậu quả. Đúng là hiện nay, nguồn thu từ tiền bán vé không còn sắm vai trò mang tính sống còn đối với các CLB, vì những hợp đồng quảng cáo khổng lồ cùng bản quyền truyền hình tăng nhanh như tên lửa giúp tài chính được đảm bảo ổn định và lâu dài hơn.
Ngặt nỗi, tất cả đều chỉ được xây dựng dựa vào lượng CĐV tới sân! Bởi chính các chuyên gia trong ngành tiếp thị truyền hình phải thừa nhận, một trong những tiêu chí hàng đầu mà các nhà tài trợ và các hãng truyền hình quan tâm về một giải đấu là những khán đài chật như nêm cối.
Ở mùa này, các sân cỏ Anh có tỷ lệ khán giả đến sân ổn định ở mức gần 100%, nhưng nếu giá vé tiếp tục tăng tới mức vô lý, đừng ảo tưởng rằng NHM không thể quay lưng với đội bóng thân yêu. Bởi lẽ, tình yêu bền vững nào cũng đều cần tương tác từ hai phía, chứ chẳng thể yêu đơn phương mãi được.
Ngay cả vĩ đại như Real Madrid cũng tránh không khỏi quy luật đó. Hình ảnh chỉ có 11 CĐV theo chân “Kền kền trắng” đến Granada cách nay khoảng một tuần có thể xem như bằng chứng mạnh mẽ. Riêng với Liverpool đang thi đấu thất thường tới mức rơi xuống nửa cuối BXH Premier League trước khi đến Villa Park, thách thức tình cảm của NHM ngay thời điểm này chỉ thấy càng lố bịch mà thôi.