Trước nạn chấn thương lại hoành hành, nào Walcott, Chamberlain, Wilshere, Ramsey đến Welbeck, Rosicky, Arteta và David Ospina, Arsene Wenger bảo rằng ông chưa khi nào coi nó là vấn đề nghiêm túc như hiện nay, đang nỗ lực thăm dò và phân tích để tìm bằng được nguyên nhân cứ tái diễn chấn thương hàng loạt. Nhưng lần này, Wenger không còn nghi ngờ vào chất lượng của các bác sỹ nữa, thay vào đó ông khẳng định họ đã làm việc tốt nhất có thể và lý do yếu kém của đội ngũ y tế đã được loại trừ.
Vấn đề chăm sóc y tế rõ ràng là cực kỳ quan trọng, từ khâu điều trị trực tiếp, phục hồi thể lực cho đến những phương pháp phòng tránh và ngăn ngừa hậu quả như vật lí trị liệu, chăm sóc đặc biệt và nâng cao thể lực. Tại Arsenal lúc này, tiến sỹ Gary O’Driscoll là bác sỹ chính của đội, từng có 6 năm làm việc ở Arsenal và trước đó ông từng là bác sỹ của đội tuyển bóng bầu dục Ireland (môn thể thao đòi hỏi thể lực tốt). Tiếp đến, Colin Lewin, chịu trách nhiệm làm vật lý trị liệu, đã theo chân Wenger trong 19 năm, được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu y học thể thao xuất sắc. Người thứ 3, Tony Colbert, HLV thể lực của Arsenal từ năm 1998 (16 năm) và trước đó ông đã có nhiều năm gắn bó với các VĐV thể thao. Cuối cùng là bác sỹ nâng cao thể lực Shad Forsythe, mới được Arsenal tuyển dụng 1 năm nhưng cần lưu ý chuyên gia người Mỹ này từng làm việc cùng ĐT Đức trong 10 năm, góp phần giúp Mannschaft vô địch World Cup 2014.
Nói thế để thấy, tất cả đều giỏi, bằng cấp cao, lại có kinh nghiệm và thực sự nếu không chăm chỉ thì họ không thể tồn tại được ở môi trường đó. Vì thế, Arsene Wenger không còn cớ để đổ lỗi cho họ như đã có lần mùa trước ông ám chỉ vào khả năng làm việc của họ. Lần này, ông cũng không tìm được lí do để chỉ trích cách chăm sóc của các bác sỹ ở đội tuyển khi cầu thủ làm nghĩa vụ quốc gia (như các trường hợp của Ramsey, Robin van Persie hay Cesc Fabregas trước đây). Lịch thi đấu cũng không được Wenger soi mói nữa.
Và “Giáo sư” người Pháp cứ thắc mắc như thế, trong khi bản thân ông lại quên mất rằng lực lượng của Arsenal đâu có dồi dào. Khoảng cách chất lượng giữa cầu thủ chủ chốt với đội ngũ dự bị là khá lớn, khiến cho mỗi lần Arsenal khủng hoảng nhân sự là hỏng đội hình. Họ thiếu những cầu thủ có khả năng thay thế tốt, thiếu người ngồi ngoài sẵn sàng xung trận khi cầu thủ chính phải nhập viện. Lỗi này là ở chính Wenger và phương thuốc để trị dứt điểm bão chấn thương giúp ông hết đau đầu là chi tiền tăng cường nhân sự nhiều hơn ở mỗi phiên chợ.
Ngày 02/04 năm nay được coi là ngày lịch sử của Arsenal dưới thời Arsene Wenger khi mà trong buổi tập họ không thiếu vắng bất kỳ cầu thủ nào. Đó là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2005 Arsenal có đủ lực lượng tốt nhất trên sân.
"Nếu bạn muốn, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn xem một ngày làm việc của đội ngũ y tế Arsenal. Tất cả đang làm việc rất hoàn hảo đủ để bạn cũng phải thấy khó hiểu vì sao chúng tôi hay dính chấn thương”.
Arsene Wenger