"Bạc đãi" cầu thủ trẻ, học viện Man Utd vẫn được đánh giá cao

thứ tư 2-11-2016 18:31:20 +07:00 0 bình luận
Điều tra mới nhất của trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES cho thấy Man Utd đang sở hữu học viện đào tạo trẻ tốt thứ 3 thế giới. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Cuộc điều tra mới nhất của trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES cho thấy Man Utd đang sở hữu học viện đào tạo trẻ tốt thứ 3 thế giới. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES mới công bố kết quả điều tra chất lượng đào tạo các học viện bóng đá thuộc 5 giải  VĐQG hàng đầu châu Âu bao gồm Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue I. Kết quả cuối cùng rất bất ngờ khi học viện của Man Utd được xếp hạng 3 thế giới, chỉ sau lò đào tạo La Masia của Barcelona và Castilla của Real Madrid.

Nhưng CIES dựa vào tiêu chí nào để đưa ra bảng xếp hạng trên? Theo định nghĩa của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), một cầu thủ được tính là “sản phẩm cây nhà lá vườn” của một đội bóng nếu anh ta thi đấu ít nhất 3 mùa cho các đội U15-U21 của đội bóng này. Sau đó, CIES sẽ thống kê xem mỗi đội bóng có bao nhiêu cầu thủ trẻ tự đào tạo đang thi đấu tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Cứ theo cách tính này thì học viện Man Utd đã cho ra lò 34 cầu thủ, 28 người đã rời CLB và chỉ còn 6 người đang trụ lại ở sân Old Trafford. Như vậy, chỉ có Real Madrid (41) và Barcelona (37) mới hơn Man Utd về số lượng cầu thủ tự đào tạo đang thi đấu tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Học viện Man Utd chỉ “đa” chứ không “tinh”

Danh sách các học viện đào tạo trẻ hàng đầu châu Âu theo điều tra của CIES

Mặc dù vậy, bảng xếp hạng của CIES chỉ có tác dụng tham khảo chứ không thể nào làm thước đo để đánh giá chất lượng đào tạo của các học viện bóng đá. Rõ ràng, cách đánh giá của CIES thiên về tiêu chí số lượng chứ không phải chất lượng.

Dĩ nhiên, những cầu thủ được ra sân tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu phải là những sản phẩm chất lượng. Nhưng chất lượng đến mức nào thì không phải ai cũng nắm rõ.

Lấy ngay một ví dụ đơn giản, một cầu thủ được đào tạo ở lò Masia sẽ được đánh giá cao hơn hẳn một tài năng trẻ của các CLB đến từ Ligue I như Lyon, Monaco hay Rennes. Tại sao lại có thể nói như vậy? Nguyên nhân nằm ở chỗ học viện của Barcelona đòi hỏi khắt khe từ đầu vào đến đầu ra, vượt xa các đội bóng khác.

Điều này giải thích tại sao các sản phẩm của lò La Masia không thể trụ lại ở Barcelona vẫn có thể trở thành ngôi sao ở một đội bóng thuộc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, ví như Cesc Fabregas, Thiago Alcantara, Thiago Motta, Borjan Krkic, Marc Muniesa, Gerard Deulofeu, Marc Bartra hay Hector Bellerin.

Những cầu thủ cây nhà lá vườn được lựa chọn vào đội một của Barca thì không cần phải nói. Sergio Busquets, Andres Iniesta, Lionel Messi, Gerard Pique, Sergi Roberto hay Rafinha Alcantara hiện là những trụ cột không thể thay thế tại sân Nou Camp.

Học viện Man Utd chỉ “đa” chứ không “tinh”

Busquets, Messi, Xavi và Iniesta, 4 sản phẩm chất lượng bậc nhất của lò La Masia

Rõ ràng, không phải lò đào tạo nào cũng có thể cho ra lò nhiều sản phẩm chất lượng như lò La Masia, ngay cả khi các đội bóng ào ạt ra lò các tài năng trẻ. Trường hợp của Real Madrid là một ví dụ. Dù đang dẫn đầu về số lượng cầu thủ tự đào tạo chinh chiến tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, nhưng Real lại không thể cho ra lò nhiều sản phẩm chất lượng như đại kình địch.

Cụ thể, đội hình hiện tại Real cũng có 7 “sản phẩm cây nhà lá vườn” như Barcelona. Nhưng các cầu thủ như Alvaro Morata, Ruben Yanez, Daniel Carvajal, Lucas Vazquez, Nacho Fernandez, Asensio, Mariano dĩ nhiên không thể nào tốt như dàn sao Busquets, Iniesta, Messi, Pique, Sergi Roberto hay Rafinha.

Đó là chưa kể các sản phẩm của lò Castilla đang thi đấu cho CLB như Marcos Alonso, Juanfran, Jese Rodriguez, Juan Mata, Roberto Soldado, Denis Cheryshev, ... cũng bị đánh giá thấp hơn nhóm cầu thủ phải “tha hương” vì không trụ được ở lò La Masia.

Học viện Man Utd chỉ “đa” chứ không “tinh”
Hai niềm tự hào của lò Castilla, Asensio và Morata

Tương tự, học viện của Man Utd cũng không được đánh giá cao như lò đào tạo của Arsenal, Man City hay Chelsea, dù đội bóng của Jose Mourinho cũng được CIES xếp hạng 3 thế giới về công tác đào tạo trẻ.

Minh chứng là dù Man Utd có đến 6 sản phẩm cầu thủ lá vườn trong đội một bao gồm Wayne Rooney, Jesse Lingard, Paul Pogba, Marcus Rashford, Timothy Fosu-Mensah và Sam Johnstone, nhưng cũng chỉ có Pogba và Rashford thường xuyên được ra sân.

Không những thế, Jose Mourinho cũng không thuộc tuýp HLV thích sử dụng cầu thủ trẻ. Chẳng thế mà chiến lược gia người Bồ Đào Nha lại “trảm” đến 17 tài năng của học việc Man Utd trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Những cái tên đáng chú ý trong số này có thể kể đến Adnan Januzaj, Tyler Blackett, James Wilson, Will Keane, Andreas Pereira, Paddy McNair, Cameron Borthwick-Jackson, Guillermo Varela hay Nick Powell.

Một số cầu thủ khác đã rời Old Trafford như Tom Heaton, Danny Simpson, Danny Drinkwater hay Gerard Pique lại không thi đấu nổi bật khi còn khoác ác Man Utd, và chỉ tỏa sáng ở CLB mới sau một thời gian dài thử thách.

Học viện Man Utd chỉ “đa” chứ không “tinh”
Marcus Rashford và Paul Pogba là hai tài năng trẻ hiếm hoi có chỗ đứng trong đội một Man Utd

Ngược lại, dù chỉ được xếp hạng 8 về chất lượng lò đào tạo trẻ với tổng cộng 22 cầu thủ tự đào tạo đang thi đấu tại châu Âu, nhưng học viện của Arsenal lại được đánh giá cao hơn với cơ sở đào tạo của Man Utd khi có đến 9 cầu thủ đang thi đấu cho đội một, nổi bật là Francis Coquelin, Kieran Gibbs, Aaron Ramsey, Theo Walcott, Hector Bellerin và Alex Iwobi.

Thậm chí, học viện của Man City cũng được đánh giá có triển vọng hơn cơ sở đào tạo của đối thủ cùng thành phố, dù đội bóng của Pep Guardiola chỉ đang duy nhất một sản phẩm “cây nhà lá vườn” trong đội một là Kelechi Iheanacho. Tương tự là học viện của Chelsea xếp ở vị trí 37 với 3 cầu thủ tự đào tạo trong đội một (John Terry, Ruben Loftus-Cheek, Dominic Solanke)

Sự khác biệt nằm ở thành công của các đội trẻ Man City và Chelsea trong những năm gần đây.

Chỉ tính riêng mùa giải 2015/16, các đội từ U10 đến U18 của học viện Man City đã thâu tóm hơn 15 danh hiệu lớn nhỏ. Trước đó, đội U21 Man City cũng lên ngôi vô địch Premier League International Cup mùa giải 2014/15 (giải đấu dành cho 16 đội U21 hàng đầu châu Âu do BTC Premier League đứng ra tổ chức). Ngoài ra, học viện Man City cũng đóng góp đến 5 cầu thủ trong đội hình Tuyển U17 Anh vô địch Croatia Cup 2016  với chiến thắng hủy diệt 8-1 trước U17 Đức.

Không chịu thua kém, đội U21 Chelsea cũng 3 năm liền vô địch FA Youth Cup và bại tướng của họ trong 2 mùa giải gần nhất lại chính là đội U21 Man City. Bên cạnh đó, Dominic Solanke và các đồng đội còn đăng quang tại UEFA Youth League, phiên bản UEFA Champions League dành cho các cầu thủ trẻ, trong hai mùa giải gần nhất. 

Học viện Man Utd chỉ “đa” chứ không “tinh”
Đội trẻ Chelsea vô địchUEFA Youth League

Chelsea cho mượn đến 38 cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2016, trong đó có đến 36 cầu thủ dưới 25 tuổi. Loic Remy và Juan Cuadrado là hai cầu thủ "già" hiếm hoi bị đẩy khỏi Stamford Bridge dưới thời HLV Antonio Conte.

Đáng chú ý, 12 trong tổng số 38 cầu thủ trên đang thi đấu tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 162/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 20/06/2024.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.