Kể từ tấm HCB SEA Games mang tính cột mốc năm 2001, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn về nhì sau Thái Lan tại đấu trường khu vực. Đến giờ, qua 10 kỳ SEA Games, các chân dài Việt Nam đã trải qua kỷ lục đau buồn toàn thua người Thái ở 9 trận chung kết, trong đó có 8 trận chung kết liên tiếp (2001-2015).
Gần 20 năm trôi qua các cô gái của chúng ta mới chỉ có duy nhất 1 hiệp thắng ở chung kết SEA Games 2011. Điều đáng buồn hơn tại SEA Games 2017, những cô gái vàng của chúng ta cùng các đồng đội thậm còn lần đầu để thua Indonesia ngay từ bán kết, và đương nhiên đã vứt bay đi cơ hội gặp người Thái trong trận chung kết đều như... vắt chanh từ những năm đầu của thế kỷ 21.
Qua hai thập kỷ, bóng chuyền nữ Việt Nam chưa từng xác lập một chiến lược hay mục tiêu để chí ít cũng quyết tâm bám đuổi, rồi song hành cùng người Thái tiến ra châu lục. Chúng ta có thể thua tại đấu trường khu vực, nhưng khi bước ra châu lục ít ra bóng chuyền nữ Việt Nam còn có chút tiếng tăm.
Trên thực tế, những kết quả tốt tại đấu trường châu lục như hạng 4 tại Cúp châu Á 2012, điều này đã chứng rỏ rằng bóng chuyền nữ Việt Nam có tiềm lực và cơ hội. Việc thất bại của bóng chuyền nữ Việt Nam trước Thái Lan phải nhìn nhận từ góc độ hệ thống đào tạo "khủng" của Thái Lan với các cấp độ trẻ.
Như nhìn nhận của chính các chuyên gia người Thái, ĐTQG Thái Lan từ nhiều năm nay, không có ngôi sao nào hơn được Ngọc Hoa hay kể cả Kim Huệ của Việt Nam. Xét riêng về hình thể, đơn cử như nhiều cao trung bình, thậm chí họ còn kém 4-5cm. Độ tuổi của họ cũng cao hơn 3-4 tuổi. Tuy nhiên, về đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài thì Thái Lan đáng để mọi nền bóng chuyền khu vực học hỏi.
Trao đổi với cựu chủ công đội tuyển quốc gia Việt Nam, Đỗ Thị Minh (đã từng sang Thái Lan chơi bóng trong một thời gian ngắn) cô cho biết: “Hệ thống đào tạo của các CLB rất phát triển, các trường THCS đã được dạy bóng chuyền và có những giải thi đấu riêng cho các cháu ngay từ khi 9-10 tuổi. Riêng về cơ sở vật chất và giáo án của các CLB đều hơn hẳn chúng ta”
Thái Lan có một hệ thống đào tạo quốc gia gồm 5 lứa tuổi, bắt đầu từ U13 cho tới ĐTQG. Các đội bóng đào tạo theo một chương trình thống nhất, bài bản, giàu bản sắc, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV hùng hậu từng là những cầu thủ và chuyên gia được đào tạo bài bản. Sự chuyên nghiệp còn tới từ giải VĐQG với 8 đội bóng được chơi giống với Thai League của bóng đá.
Các đội bóng thi đấu vòng tròn 2 lượt trên sân nhà/sân khách tính điểm để xác định thứ hạng chung cuộc. Kết thúc giải, Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan còn tổ chức thêm một giải đấu Siêu Cúp dành cho 4 đội đứng đầu. Các CLB được thuê cầu thủ nước ngoài, và chính những ngôi sao hàng đầu của châu Á, hay châu Âu mang tới những kinh nghiệm, kỹ năng và tính cạnh tranh cho bóng chuyền Thái Lan.
Giải bóng chuyền VĐQG Thái Lan hơn hẳn mọi quốc gia khác trong khu vực trong đó có Việt Nam ở tính chuyên nghiệp và kỷ luật, và quan trọng nhất có dấu ấn rõ ràng của một hệ thống đào tạo bài bản, có bản sắc. Cùng đó, các lứa cầu thủ đều sớm có quá trình cọ xát liên tục tại rất nhiều đấu trường quốc tế đỉnh cao khác nhau nên hiệu quả, khả năng phối hợp, bản lĩnh của từng người đến cả một tập thể luôn rất cao.
Với ý kiến của nhiều chuyên gia người Thái, chuyện từng cá nhân không kém mà đẳng cấp chung thua xa là hệ quả tổng hợp của hàng loạt vấn đề của bóng chuyền Việt Nam, từ đào tạo trẻ, giải VĐQG cho đến cách tổ chức tập huấn, thi đấu của ĐTQG các lứa tuổi đang đi sau Thái Lan một quãng đường khá dài.