Mùa giải 2004, bóng chuyền Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành bằng việc đổi tên giải các đội mạnh toàn quốc thành giải VĐQG. Tính từ thời điểm đó, nhiều đội bóng khá long đong, lận đận tại giải đấu này. Bằng chứng là họ từng thăng hạng rồi xuống hạng như cơm bữa trong 18 mùa giải đã đi qua.
Nằm trong Top đầu phải kể đến đội bóng chuyền nữ Hải Dương trong hạng mục những đội bóng kém duyên với giải VĐQG. Hải Dương tham gia từ mùa giải 2007 đến năm 2012 thì xuống hạng. Năm 2014 họ lên hạng và đến năm 2018 tiếp tục xuống hạng thêm 1 lần nữa. Sau nhiều cố gắng, các cô gái bóng chuyền Hải Dương lên hạng vào mùa giải 2020 và ngay sau đó họ xuống hạng chỉ trong 1 mùa bóng.
Đội bóng chuyền nữ Phòng Không - Không Quân cũng có số phận tương tự khi họ tham gia từ mùa giải 2004 đến năm 2006 xuống hạng, năm 2009 thăng hạng và lại xuống hạng năm 2012. Mùa giải 2014, đội thăng hạng và xuống hạng ngay năm sau đó là năm 2015. Hiện nay, đội đã không còn xuất hiện trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam.
Một đội bóng khác là nữ Thành phố Hồ Chí Minh (ban đầu là Tân Bình) đã tham gia năm 2007 rồi xuống hạng và đến năm 2010 thăng hạng 1 lần nữa và xuống hạng ngay sau mùa giải đó. Năm 2013 họ thăng hạng và thi đấu tới mùa giải 2017 mới xuống hạng.
Tên tuổi lớn hiện tại của bóng chuyền Việt Nam là đội Hóa chất Đức Giang Hà Nội (giai đoạn đầu là Bưu điện Hà Nội) bị xuống hạng năm 2008 và thăng hạng trở lại vào năm 2010 đến năm 2011 xuống hạng. Đội bóng trở lại với thương hiệu Hóa chất Đức Giang Hà Nội từ năm 2017 đến nay. Hiện tại, đội đang là một trong những thế lực mới của làng bóng chuyền nữ Việt Nam khi sở hữu một đội hình đồng đều và thi đấu khởi sắc trong 2 mùa bóng vừa qua.
Trước đây, đội bóng chuyền nữ Giấy Bãi Bằng cũng là 1 trong số những cái tên khá lận đận tại giải bóng chuyền VĐQG khi tham gia từ năm 2004 đến năm 2011 thì xuống hạng. Mùa giải 2013 lên hạng và đến năm 2015 tiếp tục xuống hạng. Hiện nay, đội đã không còn xuất hiện trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam sau khi đã giải thể năm 2016.