Nghịch lý “xuất khẩu” cầu thủ kiểu… tranh thủ của bóng chuyền Việt Nam

Hà Thảo
thứ bảy 25-4-2020 9:02:00 +07:00 0 bình luận
Từ Văn Kiều tới Ngọc Hoa và giờ là Thanh Thúy, chuyện “xuất khẩu” cầu thủ của bóng chuyền Việt Nam đúng nghĩa “tới đâu thắng đó”. Thế nhưng, như một nghịch lý, đó vẫn chỉ là một vài  trường hợp ngoại lệ, thời vụ thay vì là kết quả của một dòng chảy lành mạnh. 

Đến thời điểm này, đã có 5 tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam ra nước ngoài đấu thuê Ngô Văn Kiều, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Kim Liên, Trần Thị Thanh Thúy). Họ đều thành công ở các mức độ khác nhau, riêng Kiều, Thúy và nhất là Hoa đã tỏa sáng rực rỡ.

Trong đó, với Kiều, cả 2 mùa giải tại Indonesia, anh đã thi đấu không thiếu một phút nào, thậm chí luôn nằm trong 3 chủ công ghi được nhiều điểm nhất giải. Chỉ tiếc rằng, do chấn thương nên cuộc chinh phục xứ người của anh đã sớm dừng lại. Tuy nhiên, cựu đội trưởng ĐTQG cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của “người mở đường” cho bóng chuyền và cả TTVN.

Trước Kiều, Việt Nam cũng đã có vài VĐV xuất ngoại, như tiền đạo bóng đá Lê Huỳnh Đức song phải đến chuyến du đấu của Kiều mới được ngành thể thao ghi nhận, bởi nó thực sự mang tính chuyên môn, có thành quả thực tế.

Nghịch lý “xuất khẩu” cầu thủ kiểu… tranh thủ của bóng chuyền Việt Nam
Ngô Văn Kiều thi đấu không thiếu một phút nào và là 1 trong 3 chủ công ghi được nhiều điểm nhất giải VĐQG Indonesia

Còn Ngọc Hoa, qua 3 mùa giải tranh tài trên đất Thái, tài năng cao 1m83 đã vươn tới đỉnh cao đáng mơ ước, với một Siêu Cúp Quốc gia Thái Lan trong màu áo của Ayutthaya ATCC, hai chức vô địch quốc gia cùng Bangkok Glass. Năm 2015, tuyển thủ miền Tây cũng lập công lớn giúp Bangkok Glass bước lên bục cao nhất của giải CLB nữ châu Á.

Về mặt cá nhân, Hoa cũng từng được vinh danh với ba danh hiệu phụ công hay nhất Thai League 3 mùa liên tiếp. Riêng Thanh Thúy với sức vươn và điều kiện thuận lợi đặc biệt của mình, được dự báo còn có thể tiến xa ra quốc tế hơn các đàn anh đàn chị nhiều.

Theo đánh giá từ chính các chuyên gia Thái Lan, Việt Nam có rất nhiều tuyển thủ đủ năng lực tung hoành tại các giải đấu ngoại. Đơn cử, ở giải Thai League có không dưới 10 tuyển thủ nam nữ quốc gia Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng ở mức độ tốt.

Nghịch lý “xuất khẩu” cầu thủ kiểu… tranh thủ của bóng chuyền Việt Nam
Nguyễn Thị Ngọc Hoa thi đấu trong màu áo Bangkok Glass

Tuy nhiên, như một nghịch lý, môn bóng chuyền dù đã vượt bóng đá cũng đang vô cùng khó khăn trong việc xuất ngoại. Số lượng cầu thủ được “xuất khẩu” chỉ đếm đầu ngón tay, đều mang tính ngoại lệ và thời vụ.

Nguyên nhân bởi các CLB và chính bản thân tuyển thủ đều chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng, hay nói cách khác rất thiếu hàng loạt điều kiện cơ bản cho việc xuất ngoại, đơn giản như vốn ngoại ngữ, văn hóa cơ bản hay khả năng thích ứng với những khác biệt về sinh hoạt, tập luyện thi đấu.

Quan trọng nhất, các nhà quản lý huấn luyện của môn bóng chuyền vẫn đang rất “đóng” tư duy khi chỉ coi chuyện tuyển thủ Việt ra nước ngoài thi đấu là một mục tiêu xa và phụ, đúng nghĩa được chăng hay chớ. Họ vẫn là người của CLB chủ quản, và chỉ được xuất ngoại theo kiểu “tranh thủ” khi không vướng làm nhiệm vụ trong nước.

Ngô Văn Kiều khi trước, hay Ngọc Hoa, Thanh Thúy bây giờ chỉ có thể được tạo điều kiện xuất ngoại theo kiểu tranh thủ, “thời vụ”, trong những khoảng thời gian mà CLB chủ quản trong nước không bận đấu giải. Thậm chí, Ngọc Hoa từng phải xin phép bỏ vài lượt đấu của CLB Thái-lan để về phục vụ đội nhà, do lịch thi đấu ở Việt Nam bất ngờ thay đổi.

Nghịch lý “xuất khẩu” cầu thủ kiểu… tranh thủ của bóng chuyền Việt Nam
Trần Thị Thanh Thúy trong màu áo CLB Denso Airybees

Việc gần đây, CLB Bình Điền Long An quyết định “hi sinh” quyền lợi trước mắt của mình, cho phép chủ công cao 1,93m Trần Thị Thanh Thúy sang thử việc rồi khoác áo Denso Airybees- CLB hàng đầu Nhật Bản, có thể coi như một cuộc đột phá, cho dù đã là rất muộn.

Nói một cách chính xác, cả một hướng đi và dòng chảy lớn vẫn đang bị “bỏ ngỏ” từ các cấp điều hành. Cơ hội để tự hoàn thiện, tự nâng cao sức cạnh tranh, tự tìm kiếm những nguồn thu, nguồn lực cho phát triển bền vững và đầy hứa hẹn cho bóng chuyền Việt Nam vẫn đang chỉ xuất hiện một cách tự phát, thiếu định hướng, thiếu chuyên nghiệp

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm