Mới cách đây 10 năm, chiều cao trên dưới 1,8 m được coi là lý tưởng vì hiếm có khó tìm trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam. Ngay ở ĐTQG, một thời kỳ dài, chiều cao trung bình chỉ xê dịch ở mức 1,7 m đến 1,73 m, với một đội hình chỉ một hai người chạm tới 1,8 m. Những tuyển thủ cao nhất lại thường là các phụ công, điển hình như Kim Huệ (1,81 m), Ngọc Hoa (1,83 m).
Trong khi đó nhóm chủ công lại thường có chiều cao khá khiêm tốn như Phạm Thị Yến (1,76 m), Bùi Thị Huệ (1,74 m), Đỗ Thị Minh (1,73 m) hay kể cả Hà Ngọc Diễm (1,77 m).
Phạm Thị Kim Huệ với chiều cao 1,81m
Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, chiều cao trung bình của ĐTQG, được tăng lên đáng kể, đạt mức trên dưới 1,75 m, gắn với sự xuất hiện của hàng loạt gương mặt trẻ được tuyển chọn, đào tạo bài bản từ các CLB mà "cột mốc" 1,8 m trở nên bình thường. VTV Cup 2019 và SEA Games 30 là hai giải đấu mà ĐTVN có sự đột biến về chiều cao, với mức trung bình của các cầu thủ lên tới 1,81 m.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam năm 2019
Cùng với mặt bằng chung của toàn đội vượt xa so với các thế hệ trước, sở dĩ đội hình hiện tại đạt mức 1,81 m phần quan trọng còn nhờ lần đầu tiên sở hữu nhiều cầu thủ có chiều cao "chuẩn quốc tế".
Cụ thể, ba cái tên nổi trội gồm chủ công Trần Thị Thanh Thúy (1,93 m), phụ công Bùi Thị Ngà (1,87 m) và phụ công Lưu Thị Huệ (1,85 m) "kéo" cả đội cao thêm đáng kể. Chưa kể, ngay cả hai cây chuyền hai cũng có chiều cao lý tưởng, không thua kém gì các chủ công của nhiều lứa trước với Nguyễn Thu Hoài (1,74 m) và Đoàn Lâm Oanh (1,76 m).
Trần Thị Thanh Thúy với chiều cao 1,93 m
Với con số 1,81 m, bóng chuyền nữ Việt Nam đang sở hữu một đội tuyển quốc gia có chiều cao tốt nhất trong lịch sử. Mức này đang vượt tới 5 cm so với lứa 2007. Đây cũng chắc chắn là thông số tốt nhất Đông Nam Á, không chỉ vượt xa Indonesia, Malaysia mà còn hơn Thái Lan tới 4-5 cm.
Theo thống kê, chiều cao trung bình của đội Thái Lan ổn định ở mức 1,76-1,77 m. Chiều cao trung bình của ĐTQG cũng áp sát nhóm hàng đầu châu Á được dẫn đầu bởi Trung Quốc (1,87 m), ngang ngửa Hàn Quốc (1,81 m) và vượt Nhật Bản (1,76 m).
Lưu Thị Huệ với chiều cao khủng 1,85m
Rõ ràng chiều cao bắt đầu có thể được coi như một lợi thế mà bóng chuyền Việt Nam đang có cho các mục tiêu tầm cao. Đó là một trong những điều kiện quan trọng cho việc xây dựng một đội tuyển quốc gia mạnh, nhất là với xu hướng bóng chuyền quốc tế hiện đại. Càng thuận lợi hơn vì lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển còn rất trẻ, với độ tuổi trung bình 21,5 tuổi. Đội hình với mức trung bình 1,81 m và 21,5 tuổi này còn nhiều thời gian, khả năng để phát triển.
Trước đây Nguyễn Thị Ngọc Hoa là người có chiều cao khủng nhất đội tuyển VN với 1,83m
Chỉ có điều, như một nghịch cảnh, từ nhiều năm nay, lợi thế đáng mơ ước về chiều cao, chí ít là so với khu vực Đông Nam Á ấy chưa bao giờ được tận dụng. Thông số này chỉ tồn tại như một điều kiện cần, trong khi chưa hội đủ các yếu tố khác để bóng chuyền Việt Nam có một đội hình mạnh. Tuyển Việt Nam có thể hơn người Thái về chiều cao nhưng tụt lại xa phía sau về mọi mặt. Ngay ở đấu trường khu vực, tính đến SEA Games 30, các chân dài bóng chuyền Việt đã trải qua 9 trận chung kết toàn thua người Thái, thậm chí hiện tại đội còn bị cả đối thủ chưa bao giờ phải tính đến là Indonesia vượt mặt.
Trong năm 2017, đội tuyển Việt Nam thua Indonesia tới hai lần, một lần ở bán kết giải quốc tế VTV Cup ngay trên sân nhà, đặc biệt là lần để thua ở bán kết SEA Games 29. Lần đầu tiên sau 16 năm, Việt Nam mới thua Indonesia và bị văng ra khỏi top hai ở đấu trường SEA Games. Chiều cao trung bình của Indonesia luôn kém Việt Nam tới 5 cm. Đến SEA Games 30, phải nhờ vào một Thanh Thúy chói sáng, Việt Nam mới vất vả đánh bại được Indonesia để tái chiếm được ngôi Á quân. Tuyển Việt Nam có chiều cao "khủng" cùng sức trẻ dồi dào đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu cơ bản, rõ nhất như khả năng bắt bước một và vai trò của trụ cột, trong một lối chơi thiếu mạch lạc và bản sắc rõ ràng.
Phụ công Bùi Thị Ngà với chiều cao 1,87m
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang lãng phí lợi thế tưởng như vô cùng quan trọng là chiều cao. Chính xác, Tuyển Việt Nam chỉ mạnh về chiều cao, khi thiếu hụt những điều kiện, phẩm chất quyết định khác, gắn với những điểm yếu chí tử của mảng đào tạo trẻ, huấn luyện nâng cao, phương thức tập huấn, thi đấu cọ xát.
Và giới chuyền môn cùng người hâm mộ giờ đây, nhìn dàn cầu thủ có chiều cao lý tưởng, không thấy vui mà lại phải…thở dài.