Kỳ 1 Nghịch cảnh chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền Việt: Đủ kiểu… bắn tỉa, đi đêm, dìm nhau 

Hà Thảo
thứ hai 7-9-2020 10:33:56 +07:00 0 bình luận
Bóng chuyền vẫn được coi là môn số 2 của thể thao Việt Nam chỉ sau bóng đá nam, thậm chí có mặt còn vượt trước. Thế nhưng, như một nghịch lý, chuyện chuyển nhượng cầu thủ của môn này lại đang hoàn toàn “đóng băng” trong sự bế tắc kéo dài, dù nhu cầu thực tế rất lớn.  

Qua hai thập kỷ, bóng chuyền Việt chưa có một vụ chuyển nhượng đúng nghĩa nào, thay vào đó là các hiện tượng và chiêu trò, bắn tỉa, đi đêm, dìm nhau đủ kiểu.

Bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ đã “việt vị” ngay từ khi ra đời cách đây 10 năm

“Búa máy” Bùi Huệ: Ở lại đội hoặc… về quê làm ruộng

“Búa máy” Bùi Huệ chính là cầu thủ đầu tiên khởi phát cho câu chuyện chuyển nhượng bế tắc kéo dài của bóng chuyền Việt Nam. Năm 2002, khi chủ công 17 tuổi nổi lên như tài năng trẻ số 1, một đội bóng ngành ngân hàng đã tha thiết đặt  vấn đề với CLB chủ quản Thái Bình để có Huệ với mức phí 500 triệu đồng, kèm theo một số điều kiện đặc biệt khác. Bản thân Huệ cũng rất muốn đi vì có một khoản “lót tay”, lương thưởng tăng gấp vài lần, lại có cơ hội phát triển. Ở thời điểm ấy, tổng thu nhập của Huệ chưa nổi 2 triệu đồng/tháng.

Búa máy Bùi Thị Huệ trong màu áo Ngân hàng Công thương

Thế nhưng, tất cả nhanh chóng khép lại khi lãnh đạo đội bóng đất lúa khẳng định không cho Huệ đi với bất cứ giá nào. Thậm chí, Huệ  còn bị “đe” hoặc ở lại hoặc…. về quê làm ruộng. Chính xác, đó không phải là lời dọa mà hoàn toàn thực tế. Các cầu thủ đều phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào CLB, và có đấu tranh vận động kiểu gì họ cũng cầm chắc phần thua , gánh chịu hậu quả. Cuối cùng, Bùi Huệ đã nhanh chóng từ bỏ  ý định ra đi, chấp nhận ở lại, tiếp tục “cày ải” cho đến tận bây giờ, chịu thua thiệt đủ đường. 

Sau trường hợp Bùi Huệ, “dòng chảy” chuyển nhượng vừa mới manh nha đã lập tức bị chặn đứng và bịt chặt. Trong khi đó, nhu cầu chuyển nhượng cầu thủ thời điểm đó lại rất cao, và ngày càng tăng, gắn với sự xuất hiện của một số CLB theo mô hình xã hội hóa, nhiều tiền song lại thiếu quân. Như một ông bầu từng than trời thì “sẵn sàng chi tiền tỉ để mua một cầu thủ loại khá cũng không nổi”. 

“Sát thủ” Hữu Hà: “treo tay” 1 năm và đền bù 1,35 tỉ

Chính sự “đóng băng” tuyệt đối ấy đã dẫn đến một thực trạng nhốn nháo, bất cập với đủ các hiện tượng và chiêu trò, đội bóng này đi đêm, bắn tỉa VĐV của đội bóng kia, đơn vị chủ quản sẵn sàng dìm VĐV, tìm đủ mọi cách để gây khó dễ khi họ có nhu cầu chuyển đi nơi khác, cho dù có lý do chính đáng đến đâu…

Một số đội bóng “ăn xổi” như nữ Vietsov Petro  hay nam Đức Long Gia Lai từng làm náo loạn làng bóng chuyền bằng cách vung tiền đi đêm bắn tỉa cầu thủ giỏi của nhiều đội. Mọi chuyền đều diễn ra theo kiểu tự thỏa thuận, tùy hứng, theo kiểu “mạnh ai nấy chạy và thấy lợi cho mình thì làm” mà không có quy chuẩn hay ai làm người phán xử. 

Chủ công Nguyễn Hữu Hà trong thời gian còn thi đấu

Tất cả đã lên tới đỉnh điểm với  vụ lùm xùm đi ở hồi 2009 của đội trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Hà, người muốn chia tay Tràng An Ninh Bình để về với Đức Long Gia Lai. Chủ công hàng đầu này muốn dứt áo ra đi rồi tự ý rời đội đã phải trả một cái giá rất đắt. Anh phải nhận các hình thức kỷ luật cả về Đảng lẫn công chức, bị “treo tay” tại các giải quốc nội và ĐTQG.

Phải mất 1 năm ngồi ngoài, đội bóng mới Đức Long Gia Lai và chính Hà mới có thể thuyết phục được đội bóng Cố đô chịu ngồi vào đàm phán, đồng ý giải phóng cho Hà với mức phí 1,35 tỷ đồng.

Cái được lớn nhất từ đây chính là việc các nhà quản lý, giới chuyên môn đã buộc phải nhìn thắng vào sự thật phũ phàng và bắt tay vào gấp rút  xây dựng một quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền. Đến 2010,  bản quy chế đã được ban hành, trong đó có quy định về mức bồi thường cho CLB khi cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Cụ thể, khi đó, cầu thủ sẽ phải bồi thường bằng mức tổng chi phí đào tạo (45 triệu đồng/năm) x  5 năm x hệ số CLB mà cầu thủ đang thi đấu. CLB dự giải VĐQG được tính hệ số 6. CLB dự giải hạng Nhất và giải trẻ tính hệ số 4. Riêng các tuyển thủ của ĐTQG cộng thêm 30%.  Một tuyển thủ quốc gia ở một CLB mạnh có thể phải đền bù tới 1,9 tỷ đồng nếu muốn ra đi. 

Chỉ có điều, thật bi hài, bản quy chế tưởng như rất đấy đủ, được cả làng bóng chuyền  hồ hởi đón nhận trong sự kỳ vọng ấy đã “chết yểu”. 

Và qua hai thập kỷ, đáng kinh ngạc, bóng chuyền Việt vẫn chưa có trường hợp chuyển nhượng cầu thủ đúng nghĩa nào. 

Đón đọc kỳ 2:
Xung quanh bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền “chết yểu” 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm