Từ giữa những năm 2000, khán giả bóng chuyền đã quá quen thuộc với hình ảnh những ngoại binh như Kitsada hay Supachai thi đấu để lại nhiều ấn tượng. Sau đó đến năm 2012, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã quyết định cấm sử dụng ngoại binh do xuất hiện các bất cập và làm chững lại nền đào tạo bóng chuyền trẻ.
Mùa giải 2022 này, ngoại binh sẽ được quay trở lại thi đấu tại giải VĐQG và giải hạng A, sau 10 năm vắng bóng. Cụ thể, mỗi đội bóng sẽ được thuê 2 ngoại binh nhưng chỉ có 1 cầu thủ được thi đấu trên sân.
"Việc thuê cầu thủ ngoại là quyền của các CLB. Lựa chọn thuê hay không thuê, thuê cầu thủ như thế vào và số lượng là phụ thuộc toàn bộ vào quyết định của các đội bóng. Ở góc độ của mình, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ làm các thủ tục cho cầu thủ ngoại nếu như các CLB có nhu cầu thuê ở các quốc gia theo đúng yêu cầu và quy định về việc chuyển nhượng cầu thủ của Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế, Liên đoàn Bóng chuyền Châu Á và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam", ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chia sẻ.
Lực lượng cầu thủ ngoại đóng góp rất nhiều vào yếu tố chuyên môn qua đó đã giúp gia tăng sự hấp dẫn cho các trận đấu, cũng như giúp cầu thủ nội có cơ hội cọ sát nâng cao trình độ. Theo ý kiến của giới chuyên môn, việc ngoại binh trở lại cũng tạo nên sức hút về mặt truyền thông, khiến người hâm mộ hào hứng hơn với các giải đấu.
Nói đi là vậy nhưng chúng ta cần nhìn lại bài học cách đây 10 năm của việc sử dụng ngoại binh đã để lại. Liên đoàn Bóng chuyền và các đội bóng cần có kế hoạch chiêu mộ và sử dụng các cầu thủ ngoại sao cho hợp lý mà vẫn có thể tạo cơ hội phát triển cho các cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ.