Ngồi bên ông trong một sáng tháng 5 trong trẻo, được lắng nghe những sẻ chia về nghề, về cuộc sống và quan trọng hơn là về ký ức với hai lần được gặp Bác Hồ. Tất cả vẫn vẹn nguyên như mới diễn ra ngày hôm qua trong lời kể của vị HLV 71 tuổi, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó trọn vẹn với nghiệp bóng chuyền.
Năm 1966, ở tuổi 17, Nguyễn Mạnh Hùng đã có mặt trong đội hình ĐT bóng chuyền nam dự Đại hội Thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo). Tay chuyền hai trẻ măng đã thi đấu xuất sắc, góp công lớn cùng các đồng đội đoạt tấm HCĐ trong sự kinh ngạc của các đối thủ. Kết thúc giải, như một giấc mơ có thật, ông được vinh dự tham gia đoàn đến báo công với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào chiều ngày 19/12.
Khi đó, không nổi bật như xạ thủ Trần Oanh, kình ngư Vũ Thị Sen – những người đã giành HCV, phá kỷ lục nhưng ông Hùng đã được Bác ân cầm nắm tay và hỏi thăm riêng khi là thành viên trẻ tuổi nhất. Ông Hùng vẫn nhớ như in mình đã tự hào, xúc động đến nghẹn ngào và bật khóc. Và lời dặn dò của Bác đã “ghi tâm khắc cốt” với cầu thủ trẻ này: “Thể thao cũng là một công tác cách mạng”, thế nên các VĐV, nhất là VĐV trẻ phải luôn có tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.
Thật đặc biệt vì chỉ hai năm sau, Nguyễn Mạnh Hùng lại có thêm một lần được góp mặt trong đoàn đại biểu thể thao đến báo công với Bác sau những thành tích xuất sắc.
Hai lần được gặp Bác chính là dấu ấn cuộc đời của ông Hùng. Ông hiểu sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của một VĐV và luôn phấn đấu học theo những lời dạy của Bác. Ông đã tạo nên một sự nghiệp cùng một mẫu hình thành công hiếm có, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi trách nhiệm, vượt qua mọi thử thách khó khăn.
Khi còn là VĐV, chuyền hai Nguyễn Mạnh Hùng đã nổi danh với lối chơi kỹ thuật và hết sức tinh tế. Tấm HCĐ tại đất Campuchia năm 1966 chỉ là một trong số nhỏ trong bộ sưu tập danh hiệu sáng giá của ông. Quan trọng hơn, tuyển thủ sinh năm 1949 này còn chứng tỏ niềm đam, sự bền bỉ phi thường khi vẫn còn tập luyện thi đấu đỉnh cao ở tuổi 40, lúc đã là bố của hai cậu con trai.
Thế nhưng trên cương vị HLV, bảng vàng thành tích cùng tài thao lược của ông mới đáng để người hâm mộ bóng chuyền chiêm ngưỡng. Nguyễn Mạnh Hùng chính là ông thầy giàu thành tích nhất nước, cả ở CLB lẫn ĐTQG, với những điều vô cùng đặc biệt.
Ở cấp độ CLB, ông dẫn dắt tới ba đội bóng vô địch quốc gia, cả nam và nữ. Dấu ấn đầu tiên của ông được tạo dựng với đội nữ Bưu điện Hà Nội, từ một đội quá yếu, hầu như phải gây dựng lại từ đầu nhưng chỉ mất mấy năm đã nâng tầm thành đội hàng đầu. Ông đã thể hiện “mắt xanh” của mình khi phát hiện ra Hà Thu Dậu đang vật vờ ở đội Cảng Việt Trì, rồi đào tạo thành chủ công số 1 quốc gia. Thầy trò Hùng - Dậu đã giúp Bưu điện Hà Nội từng 3 lần đăng quang giải VĐQG.
Năm 2004, đang nắm đội nữ, ông được điều sang đội nam Bưu điện Hà Nội cũng đang thuộc diện thoái trào. Vậy mà với đội hình toàn cựu binh tuổi “băm”, ông cùng các học trò gây sốc khi bất ngờ truất ngôi của “đại gia” Thể Công một cách thuyết phục.
Đến năm 2006, về đầu quân cho “tân binh” nam Tràng An Ninh Bình đang làm mới từ đầu, ông Hùng lại tiếp tục tạo bất ngờ ngoạn mục, một lần nữa lại dẫn dắt đội bóng đất cố đô lật đổ Thể Công.
Với cấp độ ĐTQG, ông đã đưa cả hai đội nam nữ nhiều lần giành huy chương SEA Games, và đáng nói hơn trong đó có những thành tích mang tính cột mốc.
Nền tảng mọi mặt của ĐTQG nữ đang đứng thứ hai ĐNÁ trong hai chục năm nay đều có công chủ lực của ông Hùng. Khởi đầu từ SEA Games 1997, các học trò của HLV Mạnh Hùng đã xuất sắc đoạt tấm HCB đầu tiên tại một giải quốc tế, chỉ chịu thua Thái Lan quá mạnh.
Đến SEA Games 21 năm 2001, ĐTVN chính thức đánh bại đối thủ khó chịu Philippines để “vượt ngưỡng” thành đội mạnh thứ 2 khu vực thực sự. Ngoài các học trò ruột như Đặng Thị Hồng, các tuyển thủ như Kim Huệ, Ngọc Hoa, Phạm Yến, Diệu Châu đều thừa nhận nhờ thầy Hùng mới có thể đạt tới tầm mức cao nhất.
Như một định mệnh, năm 2004, ông đã nhận lời “cầu cứu” chuyển sang làm thuyền trưởng của ĐTQG nam nhắm tới mục tiêu cực khó là tấm huy chương SEA Games đầu tiên. Trước đó, thuận lợi về mọi mặt đến như SEA Games 22 trên sân nhà, đội còn văng ra khỏi top huy chương nên mọi người không tin ông Hùng “tiến” được ngay ở SEA Games 23 lúc Myamar còn rất mạnh.
Còn bản thân HLV Mạnh Hùng lại rất tin và âm thầm cùng các học trò trui rèn, dù phải chịu cảnh thiếu cả quỹ thời gian lẫn thi đấu cọ xát. Ông Hùng đã chọn “điểm nhấn” để công phá là Myanmar, nghiên cứu và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Đến ngày ra trận, ĐTVN cũng tập trung cao độ cho cuộc đấu với Myanmar, chiến thắng và đoạt HCĐ.
Thêm 2 năm nữa, Tuyển nam Việt Nam mạnh lên rõ rệt với “quân bài chiến lược” được ông Hùng chăm lo kỹ lưỡng - chủ công cao nhất khu vực Đông Nam Á Ngô Văn Kiều, một gương mặt còn quá lạ lẫm.
Dù nhiều người lo ngại, thậm chí chỉ trích, nhưng ông Hùng đã tung Kiều vào vai chính của đội, để rồi tạo nên một hiện tượng hiếm có của bóng chuyền Đông Nam Á. Kiều đã xứng danh một “oanh tạc cơ” giúp Việt Nam đả bại cả chủ nhà Thái Lan, lần đầu vào tới tận chung kết.
Cách đây hai năm, ở tuổi 69, HLV Nguyễn Mạnh Hùng mới chịu “nghỉ hưu” thực sự. Trước đó không lâu, tại SEA Games 28, ông vẫn còn là HLV cao tuổi nhất của đoàn thể thao.
Nửa thể kỷ đã trôi qua, song trong câu chuyện ông Hùng kể luôn sống động và âm vang những lời căn dặn ân cần, sâu sắc của Bác Hồ về nghiệp thể thao, với các VĐV, mà ông may mắn được trưc tiếp lĩnh hội. Không chỉ bản thân mình luôn nỗ lực phấn đấu suốt đời làm theo, mà ông truyền cả tinh thần lớn ấy cho các học trò và ngay cả hai cậu con trai của mình.
Và giờ đây, khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn muốn nhắn gửi với thế hệ VĐV trẻ “hãy cố gắng rèn luyện dù có vất vả tới đâu, thành công sẽ luôn song hành với những VĐV biết cố gắng”.