Chưa khi nào bóng chuyền Việt Nam lại có sự biến động như những năm gần đây, nhất là về mặt chuyên môn và cụ thể là trên băng ghế huấn luyện. Vị trí “thuyền trưởng” CLB bóng chuyền không khác gì khi ngồi trên ghế nóng, nhất là những đội bóng nhận được nhiều sự kỳ vọng của NHM cũng như những nhà đầu tư.
Việc bóng chuyền chuyển mình lên chuyên nghiệp nhiều năm qua đã khiến giải VĐQG trở nên sôi động hơn. Chuyển nhượng VĐV, nhập tịch cầu thủ, cho rồi cấm ngoại binh thi đấu, đầu tư phát triển đào tạo trẻ và thay tướng như thay áo...là bộ mặt của bóng chuyền trong khoảng chục năm trở lại đây.
Năm 2018 bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội được đầu tư trọng điểm của tập đoàn Hóa chất. HLV Trần Đăng Thành được kỳ vọng (đứng thứ 7/10 đội tại giải VĐQG PV GAS 2017) sẽ tạo nên đột biến cho đội bóng của ông bầu Đào Hữu Huyền. Tuy nhiên những thành tích không được như kỳ vọng đã khiến có cuộc trao đổi ngược tại vị trí HLV với đội bóng chuyền nữ Đăk Lăk.
Mùa bóng 2017. HLV Nguyễn Thu Hương đã xuất sắc cùng đội bóng vừa lên hạng mùa trước cán đích tại vị trí thứ 5. HLV Nguyễn Thu Hương được mang về với hy vọng tạo nên sự khác biệt và ở chiều ngược lại HLV Trần Đăng Thành về với Đăk Lăk. Tại đây, ít nhiều trong 2 mùa giải qua ông thầy gốc Hà Nội đã để lại dấu ấn với bóng chuyền nữ Đăk Lăk mặc dù quân số khá mỏng và hàng năm đội đều phải chạy vạy mượn quân để thi đấu.
Năm 2017 cũng là thời điểm Hóa chất Đức Giang Hà Nội mang về cựu chủ công đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia - Nguyễn Hữu Hà. Lúc này Nguyễn Hữu Hà nắm vai trò trợ lý cho HLV Trần Đăng Thành. Trước đó trong giai đoạn cuối sự nghiệp, Nguyễn Hữu Hà cũng dần chuyển sang công tác huấn luyện tại đội bóng chuyền nam Biên Phòng (trợ lý cho HLV Trần Đình Tiền).
Sự góp mặt của HLV Nguyễn Hữu Hà vào thời điểm đó khiến nhiều người hy vọng vào sự bùng nổ của đội bóng đang nhận được đầu tư lớn từ ông bầu ngành Hóa chất. Đầu năm 2019 cũng là thời điểm HLV Nguyễn Hữu Hà chính thức lên nắm quyền sau khi HLV Nguyễn Thu Hương không đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo đội bóng. Giai đoạn này mở ra những hướng đi mới cho đội bóng Hóa chất và họ đã giành được vị trí thứ 2 một cách thuyết phục tại mùa giải 2020.
Cũng trong mùa giải 2019 đôi bóng chuyền nữ Thái Bình có sự thay đổi lớn trên băng ghế huấn luyện khi HLV Thái Thanh Tùng chuyên tâm cho công tác quản lý và HLV Trần Văn Giáp lên nắm quyền chỉ đạo. Bằng những kinh nghiệm chinh chiến trong suốt thời gian dài bôn ba khắp các đội bóng, HLV Trần Văn Giáp đã có những biến chuyển tích cực sau khi đưa đội bóng trở lại gải VĐQG trong mùa giải 2021 tới đây.
Mùa giải 2020 cũng là màn thử thách khá lớn với HLV trẻ như Trần Văn Giáp khi lãnh trách nhiệm tương đối nặng nề cùng tập thể đội quyết tâm trở lại giải các đội mạnh toàn quốc sau 1 năm sảy chân xuống chơi tại giải hạng A.
Cùng thời điểm này, bóng chuyền nam Long An cũng có sự biến động trên băng ghế huấn luyện. HLV trưởng Bùi Quang Ngọc về dẫn dắt các cầu thủ Long An từ giữa năm 2017, tuy nhiên đến giai đoạn hết vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2019 ông đã hết hợp đồng và trở về nhận nhiệm vụ mới với bóng chuyền Bến Tre.
Bởi tại giải VĐQG PV Gas 2019 trên đất Ninh Bình, đội nam Bến Tre thi đấu ở bảng A cùng 4 đội bóng khác, Bến Tre thua cả 4 trận và xếp cuối bảng. Lãnh đạo Sở VHTT&DL Bến Tre quyết định mời HLV Bùi Quang Ngọc về dẫn dắt đội, mục tiêu giúp đội phấn đấu không bị xuống hạng vào cuối mùa.
Tuy nhiên cuối mùa đội vẫn phải xuống hạng và chỉ 1 năm sau nhờ vào tài năng và quyết tâm của mình, Bến Tre đã cầm trong tay tấm vé lên hạng vào mùa 2021. Trong đội hình sở hữu không nhiều tên tuổi song ông biết cách thổi hồn vào những VĐV nhiều khát khao như Nguyễn Phúc Lộc, Nguyễn Minh Nhuần hay Phạm Thoại Khương để họ có trận chung kết nhàn nhã trước các cầu thủ nam Đà Nẵng và nắm tấm vé lên hạng mùa tới cùng với các cầu thủ nữ Thái Bình.