Giải đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam là giải VĐQG với sự tham dự của 20 đội bóng của hai nội dung nam và nữ (kể từ năm 2018 trước đó là 24 đội). Trước đây giải có tên gọi là “Giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc”.
Giải bóng chuyền VĐQG là giải thi đấu bóng chuyền cao nhất trong hệ thống bóng chuyền Việt Nam do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tổ chức từ năm 2004. Từ mùa bóng 2008, giải mang cơ chế chuyên nghiệp và vận hành theo cơ chế này cho tới nay đã tròn 12 năm.
Mỗi một mùa giải các đội bóng được bốc thăm chia bảng và thi đấu hai vòng vào hai thời điểm đầu năm và cuối năm. Trong vài năm gần đây, cơ chế bốc thăm và chia bảng có đôi chút điều chỉnh để tạo sự công bằng trong các bảng đấu tại vòng 2 được thay đổi.
Các đội 1-3-5 của bảng A sẽ ghép với đội 2-4 của bảng B và ngược lại để tạo thành hai bảng đấu mới thi đấu vòng 2 và vòng chung kết xếp hạng. Đây có thể coi là bước đột phá của giải đấu tạo nên tính công bằng cần thiết cho 1 giải bóng chuyền VĐQG. Các đội có thứ hạng cao của vòng 1 sẽ tham dự Cúp Hùng Vương (Phú Thọ). Đây là giải đấu được coi là chung kết xếp hạng của vòng 1.
Nhìn lại hệ thống các giải đấu trong năm của bóng chuyền VN mới thấy sự bất cập trong khâu tổ chức khi hai vòng đấu quá xa nhau. Nhiều năm qua giải VĐQG năm nào hai vòng đấu cũng cách nhau tới 6-7 thậm chí 8 tháng. Đơn cử như trường hợp giải VĐQG PV Gas 2019 đã đẩy vòng 2 sang tới tháng 1 năm 2020 với lý do: “để chuẩn bị cho SEA Games 30”.
Các cầu thủ ăn tập cả năm chỉ đánh khoảng...mươi trận rồi lại nghỉ (không tính đến các CLB mạnh vì họ còn có những sân chơi khác như Cúp Hoa lư,Cúp Hùng Vương, Cúp Liên Việt PostBank, Cúp Đạm Cà Mau…) Số còn lại chỉ tập trung chơi tại giải VĐQG.
Như vậy, có thể thấy những khó khăn của các CLB khi tham gia vào sân chơi cao nhất chỉ vẻn vẹn chưa đến nửa tháng (cả 2 vòng) cho một năm ăn tập. Chính quãng thời gian nghỉ giữa hai giai đoạn quá dài khiến cho sự chuẩn bị của các CLB trở nên rối rắm.
Sau giải đa phần các đội bóng đều cho cầu thủ nghỉ dài và chỉ tập trung trước khi giải đấu bắt đầu một thời gian ngắn. Thời gian này nhiều cầu thủ chuyên nghiệp thường về các đội địa phương tham gia các giải “phủi” để...làm kinh tế nên họ rất khó duy trì phong độ hoặc gặp chấn thương khi tập trung trước giải để rồi chứng kiến nhiều đội bóng phong độ phập phù và nhiều đội được đánh giá cao lại phải đi...chung kết ngược cuối năm.