Kèn Vuvuzela, còn được gọi là lepatata là một loại nhạc cụ thuộc dòng kèn thổi hơi, dài 65 cm, nó phát ra âm thanh đều đều lớn rất đặc biệt, thế nhưng cũng vì âm thành quá lớn nó lại gây ra sự khó chịu và làm nhức đầu khủng khiếp.
Trong bóng đá, chiếc kèn vuvuzela bắt đầu trở nên phổ biến trên khắp các sân bóng tại Nam Phi, nó là một thứ "đặc sản" trong cổ vũ của người dân nơi đây vào cuối những năm 1980. Rồi phải đến World Cup 2010, chúng mới xuất hiện rộng rãi trên các màn hình TV khắp thế giới.
Tại nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình, nơi diễn ra vòng bảng của bảng A nam và bảng A nữ, ở một số trận đấu đã xuất hiện hình ảnh chiếc kèn Vuvuzela được các cổ động viên sử dụng trên khán đài. Các khán giả sử dụng âm thanh này ở trong cả những tình huống bóng trong sân, thậm chí khi các cầu thủ phát bóng hay ở những pha tranh chấp, âm thanh của tiếng kèn này cũng đều được cất lên.
Tuy nhiên, trong một không gian kín như nhà thi đấu thì tiếng kèn này lại tạo nên sự khó chịu, ảnh hưởng đến sự tập trung và tâm lý thi đấu của các vận động viên, thậm chí khi tiếng kèn này cất lên trong tình huống bóng sống sẽ lấn át tiếng chỉ đạo của huấn luyện viên, các cầu thủ không thể nghe được tiếng của đồng đội.
Vì những bất cập mang lại, tại nhiều nơi đã có chủ trương cấm sử dụng kèn Vuvuzela để cổ động. Thực tế, ở SEA Games 31 vừa qua, BTC sân vận động Việt Trì đã có chỉ đạo quyết liệt về việc cấm sử dụng chiếc kèn này để "làm sạch âm thanh" trong các trận đấu.
Ngoài gây ảnh hưởng về tâm lý các cầu thủ, cũng như chất lượng chuyên môn của trận đấu, âm thanh của kèn Vuvuzela còn ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Theo nghiên cứu của Đại học Pretoria (Nam Phi) cho thấy kèn vuvuzela phát ra âm thanh lên tới 127 db. Mức ồn này lớn cả máy cắt cỏ, máy cưa, còi hơi và vô cùng nguy hiểm đối với thính lực.
Một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với quá nhiều âm thanh kèn vuvuzela là chứng ù tai. Tình trạng này khiến người bệnh luôn nghe thấy âm thanh trong tai. Tùy vào mức độ chấn thương mà chứng ù tai kéo dài hoặc biến mất sau vài ngày. Theo nhóm tác giả từ Đại học Pretoria, tiếp xúc với âm thanh kèn vuvuzela khoảng 7-22 giây là đủ để gây mất thính lực tạm thời đối với cả người nghe lẫn người thổi.
Thiết nghĩ, giống như bóng đá, các địa phương tham gia tổ chức các giải bóng chuyền nên có chủ trương "làm sạch âm thanh", cấm sử dụng kèn vuvuzela để giúp nâng cao được hình ảnh của địa phương tổ chức giải, cũng như giúp tâm lý, tinh thần thi đấu của các cầu thủ bị ảnh hưởng bởi những điều không đáng có!