Trên sân Khoa giáo dục thể chất (Đại học Huế), nhiều khán giả cảm thấy thích thú lẫn lạ mắt khi có tận hai cô gái xinh xắn áo da cam nổi bật, cùng đeo kính tranh tài. Ở những môn có tính đối kháng, tập thể, bị cận ảnh hưởng phần nào đến thi đấu nhưng có đến hai VĐV cùng bị cận, lại trùng vị trí là câu chuyện xưa nay hiếm.
Điều đặc biệt, Hạnh Ngân và Dương Hoài cùng đến từ mảnh đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh), và đang theo học khoa tiểu học ở ĐH Sư phạm, Đại học Huế. Hạnh Ngân chia sẻ: “Chúng tôi không phân biệt ai đánh chính, ai dự bị. Tùy vào trận đấu, thầy sẽ sắp xếp”.
Bị cận nên khi chơi bóng chuyền, cả hai có những rào cản riêng. Hạnh Ngân thổ lộ: "Nếu đánh ngoài trời dễ đánh hơn trong sân. Vì trong sân có ánh đèn, khi chiếu vào mắt khiến khó thấy bóng. Thi đấu trên sân phải di chuyển liên tục, mồ hôi tiết ra và bốc lên kính, lúc đó lau kính rồi mới quay về lại thi đấu, cũng bị hạn chế phần nào về sự tập trung”.
Hạnh Ngân chơi bóng chuyền từ bé. Lên cấp 2, cô bắt đầu đam mê libero và luôn chơi vị trí này. Thời điểm đó Ngân chưa đeo kính nên không gặp vấn đề nào. Đến khi lên lớp 11, do bị cận nặng mới đeo kính. “Ban đầu tôi thấy bị choáng, chưa quen với bóng”, Ngân chia sẻ. Cô sinh viên năm 2 phải mất 2 năm mới quen với việc đeo kính đánh bóng chuyền.
Với Dương Hoài, cô sinh viên nhỏ nhắn này bị cận năm lên lớp 8 nhưng cận nhẹ, chỉ khoảng 0,5 đến 1 độ. Cô sinh viên năm 3 yêu bóng chuyền từ thuở nhỏ. Càng học lên cao, Dương Hoài bị cận nặng. Cô không hề từ bỏ đam mê bóng chuyền.
Ấy thế, đeo thêm cặp kính vào chơi bóng, Hoài bị rén. Cô chia sẻ: “Lúc chưa đeo kính thì nhiệt tình 100% nhưng giờ hơi rén vì sợ bể kính, ảnh hưởng đến mắt. Có nhiều người đeo len khi đánh bóng cũng bị rách màng. Tôi không thể gắng hết để lao vào cứu bóng hay va chạm kịch liệt".
Dù vậy, cả hai đều tìm thấy niềm vui khi đến với bóng chuyền và chơi ở vị trí libero. “Tôi rất thích vị trí này vì bản thân được tiếp xúc với nhiều người giỏi hơn, nâng cao chuyên môn, đóng góp cho trường”, Hạnh Ngân bày tỏ.
Dương Hoài mê mệt libero bởi “thích tính cách năng động, lăn xả và chiều cao hạn chế”. Hoài cũng đang là Phó chủ nhiệm CLB bóng chuyền ĐH Sư phạm, Đại học Huế. Một CLB vừa cán mốc 5 năm thành lập.
“Chúng tôi hoạt động với sự dẫn dắt của đoàn trường ĐH Huế. CLB có nhiều hoạt động cho các bạn tham gia như giải bóng chuyền sinh viên toàn quốc hiện tại hay tháng 11 có giải của Đại học Huế. CLB bóng chuyền là nòng cốt, để chọn những nhân tố cho các giải đấu mà trường tham dự”, Hoài chia sẻ.
Thời điểm đầu, CLB có khoảng 30 thành viên, dần dần phát triển và hiện tại có 207 thành viên. Tham dự giải bóng chuyền sinh viên toàn quốc 2023, ĐH Sư phạm, Đại học Huế góp mặt ở cả đội nam và nữ. “Tất cả đều là thành viên của CLB bóng chuyền”, Dương Hoài tự hào.
Giải bóng chuyền sinh viên toàn quốc 2023 khu vực 2 đang diễn ra ở Huế, từ ngày 20-24/10. Giải quy tụ 10 đội (6 nam, 4 nữ); chọn hai đội nam, hai đội nữ xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Kết quả tính đến thời điểm hiện tại giải BCSV toàn quốc 2023 khu vực 2
Ngày 20/10:
Đại học Huế 2-0 ĐH Sư phạm, Đại học Huế (Nam)
ĐH Đông Á 0-2 ĐH TDTT Đà Nẵng (Nam)
Ngày 21/10:
Đại học Huế 0-2 ĐH Duy Tân (Nữ)
ĐH TDTT Đà Nẵng 2-0 ĐH Sư phạm, Đại học Huế (Nữ)
ĐH Sư phạm, Đại học Huế 0-2 ĐH Luật, Đại học Huế (Nam)
ĐH Vinh 2-0 ĐH Đông Á (Nam)