Chuyện ba “ngọc nữ” Quảng Bình đưa bóng chuyền Việt Nam hai lần vô địch châu Á chỉ trong 2 tháng

Trần Khánh
thứ tư 5-7-2023 6:06:00 +07:00 0 bình luận
Chỉ trong vòng 2 tháng, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam làm nức lòng người hâm mộ cả nước khi hai lần “lên đỉnh” châu Á. Ở đó, ba ngọc nữ đến từ Quảng Bình là Nguyệt Anh, Lâm Oanh và Kiều Trinh gây ấn tượng mạnh để giúp đội nhà giành lấy vinh quang.

Tối 25/6, người hâm mộ cả nước trải qua các cung bậc cảm xúc mãnh liệt. Từ tràn đầy hy vọng, đến thấp thỏm lo âu và vỡ ào cảm xúc chiến thắng khi các cô gái Việt Nam đánh bại chủ nhà Indonesia để bước lên bục cao nhất AVC Challenge Cup 2023.

Nguyệt Anh, Lâm Oanh, Kiều Trinh cùng xuất thân từ Quảng Bình và cùng thi đấu cho một CLB cũng như khoác áo ĐTQG.

Trước đó gần 2 tháng, cũng chính những con người ấy đã làm rạng danh bóng chuyền nước nhà khi đánh bại CLB của Thái Lan để giành chức vô địch các CLB nữ châu Á. Và một điều thật đặc biệt, trong chiến công lịch sử đó, bộ ba đến từ mảnh đất hẹp nhất hình chữ S Quảng Bình cùng nhau viết nên vinh quang. Đó là Đoàn Thị Lâm Oanh, Hoàng Thị Kiều Trinh và Phạm Thị Nguyệt Anh.

Ở trận chung kết gặp Indonesia tại AVC Challenge Cup 2023, bộ ba này thường xuyên góp mặt ở trên sân. Trong đó, Kiều Trinh là gương mặt nổi bật trong chiến thắng nghẹt thở 3-2 của Việt Nam trước chủ nhà nhiều duyên nợ.

Cả ba đều có những câu chuyện rất riêng, rất đỗi đặc biệt. Oanh (sinh năm 1998) được xem là chị cả khi cả ba đều thi đấu chung CLB Bộ Tư lệnh Thông tin. Dù cùng tuổi với Nguyệt Anh nhưng do có tuổi nghề lâu năm nay, cô được gọi bằng chị. Kiều Trinh là em út khi kém đàn chị 3 tuổi. 

Lâm Oanh gây ấn tượng mạnh khi là chuyền hai sở hữu chiều cao nổi bật nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Họ có sự tiếp nối và mối liên kết với nhau. Oanh sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều đam mê bóng chuyền mãnh liệt. Bố cô từng là chủ công xuất sắc khi gia nhập quân ngũ ở một đơn vị tại Huế.

Ông Đoàn Dũng, bố Oanh, từng được lời mời gọi ở lại quân đội để theo nghiệp bóng chuyền chuyên nghiệp. Thế nhưng, ông Dũng từ chối và trở về quê nhà. Ở miền quê Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) bên dòng sông Gianh hiền hòa, ông bén duyên vợ chồng với cô gái có gương mặt khả ái Đoàn Thị Thu.

Từ thuở nhỏ, cô Thu có niềm đam mê cháy bỏng với bóng chuyền. Cô chính là người thầy đầu tiên dìu dắt Lâm Oanh đến với bộ môn này, khi con gái còn 3-4 tuổi. Mẹ Oanh chơi ở vị trí chuyền hai và là hạt nhân của đội bóng địa phương.

Bố mẹ đều yêu thích và chơi giỏi bóng chuyền là bệ phóng cho sự nghiệp của Oanh.

Từ đó, cô hun đúc tình yêu, vạch sẵn vị trí này cho con gái. Mang trong mình "gene” tình yêu, tài năng từ bố mẹ, Oanh có sự thăng tiến không ngừng. Cô được chọn vào đội trẻ của Bộ tư lệnh Thông tin lúc 13 tuổi. Dù chỉ đứng thứ 12/13 người nhưng với bệ phóng vững chắc từ gia đình, Oanh đã vượt qua tất cả. Từ nỗi nhớ nhà, chuyên môn để bước tiếp trên con đường đã chọn.

Khác với Oanh, Nguyệt Anh sinh ra ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, gần thành phố Đồng Hới, trong một gia đình không có truyền thống bóng chuyền. Cả bố mẹ Nguyệt Anh là ông Phạm Văn Sơn, bà Võ Thị Thu đều không thường xuyên chơi bộ môn này.

Từ nhỏ, Nguyệt Anh (hàng sau, từ hai từ phải sang) có chiều cao nổi bật. 

Thế nhưng, ở nơi bạt ngàn cao su, phong trào bóng chuyền nở rộ. Từ đó, Nguyệt Anh có nhiều cơ hội tiếp xúc từ nhỏ. Với chiều cao vượt trội so với các bạn đồng trang lứa, cô gái xinh xắn này luôn là sự lựa chọn số 1 của đội bóng chuyền tiểu khu (tổ dân phố hiện tại) và trường học.

Tình cờ, khi dượng (anh rể của mẹ) đọc một bài báo có thông tin tuyển sinh từ Bộ Tư lệnh Thông tin, Nguyệt Anh mới biết và thi tuyển. Lúc đó, cô cũng đã 15 tuổi. Ấy vậy, với khả năng chuyên môn đã được kiểm chứng, Nguyệt Anh thi đỗ.

Ngày đó, mẹ Nguyệt Anh khóc sướt mướt vì nhớ con. Bố mẹ cô phải hỏi ý kiến hai bên nội ngoại, người thân cũng như thầy cô trong trường. Thấy mẹ bứt rứt không yên, Nguyệt Anh muốn mẹ là người quyết định chuyện ở lại Hà Nội hay trở về quê nhà.

Nguyệt Anh đã vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương để trở lại mạnh mẽ trên sàn đấu.

Thế nhưng, nhận những lời tư vấn từ các thầy cô trong trường cũng như người thân, bà Thu mới gạt nỗi lòng để con bước vào hành trình chuyên nghiệp cùng môn bóng chuyền.

Nguyệt Anh có sự thăng tiến vượt bậc. Nhưng khi đang lên như diều gặp gió, bỗng chốc, tai họa ập xuống. Năm 2018, cô gặp chấn thương nặng, tưởng chừng bỏ dở sự nghiệp. Ấy thế, ý chí, nghị lực cùng may mắn giúp cô quay trở lại và dần dần lấy lại phong độ, trở thành trụ cột ở CLB lẫn ĐTQG.

Thật trùng hợp, đúng thời điểm Nguyệt Anh gặp chấn thương nặng vào năm 2018 cũng là lúc, một cô gái xứ Quảng khác là Kiều Trinh xuất hiện. Ở tuổi 17, cô là gương mặt trẻ triển vọng ở vị trí đối chuyền, thay thế đàn chị. Trinh thăng tiến thần tốc. Một năm sau, cô là đối chuyền chính của ĐTQG nữ giành HCB SEA Games 30 cũng như góp công giúp Thông tin Liên Việt PostBank vô địch quốc gia 2019.

Kiều Trinh có sự thăng tiến vượt bậc trong thời gian qua.

Trinh luôn có sự cầu tiến, để rồi, cô càng xây chắc vị trí trong màu áo ĐTQG lẫn CLB. Khác với hai đàn chị, cuộc đời của Trinh nhiều sóng gió. Cô mất bố từ nhỏ, mẹ đi làm ăn xa. Thuở thiếu thời, cô thường xuyên ở với bà ngoại cùng các anh chị em.

Gia cảnh không may mắn khiến Trinh sống nội tâm. Nhưng trong thâm tâm, cô luôn là người con gái đầy ý chí, kiên cường và mạnh mẽ.

Họ, ba ngọc nữ đến từ mảnh đất đầy nắng gió khắc nghiệt Quảng Bình đã và đang làm rạng danh cho bóng chuyền nữ nước nhà.

Trần Khánh - Sỹ Minh

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm