Thái Bình là đội bóng tân binh giải VĐQG PV GAS 2021 với nhiều thách thức và khó khăn về lực lượng. Chính vì những lý do đó mà 2-3 mùa vừa qua, họ từng gọi trở lại nhiều tên tuổi đã qua thời đỉnh cao như Lê Thị Mười hay Bùi Thị Huệ.
Mùa giải 2020, Lê Thị Mười đã chính thức giã từ sự nghiệp thi đấu song người em Bùi Thị Huệ vẫn phải chinh chiến dìu dắt lứa đàn em tại mặt trận giải hạng A. Tầm ảnh hưởng và kinh nghiệm thi đấu 19 mùa giải đỉnh cao giúp Bùi Thị Huệ có lần đầu vô địch giải bóng chuyền hạng A toàn quốc cùng với đó là tấm vé thăng hạng.
Năm 2021, khi nhiều đội bóng liên tục tăng cường quân số cũng là lúc HLV Trần Văn Giáp phải đối mặt với việc duy trì sự ổn định cùng đặt mục tiêu trụ lại giải đội mạnh. Những khó khăn về quân số khiến vị chiến lược gia trẻ tuổi đau đầu. Mặc dù là cái nôi của bóng chuyền Việt Nam nhưng nhiều năm trở lại đây, bóng chuyền nữ Thái Bình đối mặt với việc thiếu VĐV tài năng, đủ năng lực đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong đội hình.
Chính vì thế, cựu chủ công đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Bùi Thị Huệ vẫn phải chinh chiến mặc dù cô rất muốn nghỉ ngơi. Vì chồng (HLV Trần Văn Giáp), vì tiếng gọi quê hương và vì lòng nhiệt huyết, cô gái sinh năm 1985 tiếp tục lập nên kỷ lục mới khi có mùa giải thứ 20 thi đấu tại giải đội mạnh.
20 mùa giải thi đấu đỉnh cao liên tiếp đối với VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp là một kỷ lục với làng bóng chuyền Việt Nam. Bùi Thị Huệ đã đi cùng những năm tháng huy hoàng nhất của bóng chuyền nữ Thái Bình, nếm đủ mọi vinh quang cũng như đắng cay trong quãng thời gian ấy. Năm nay, cô gái mang biệt danh “búa máy” ngày nào không thể duy trì nền tảng thể lực nên HLV Trần Văn Giáp xếp cô chơi libero để tiếp tục cống hiến cho quê nhà.
Hiện tại vị trí chủ công của Bùi Huệ đã có Bích Nga và tân binh Võ Thị Hiền (Nghệ An) đảm nhiệm nên nỗi lo về vị trí này đã có người san sẻ. Hy vọng mùa giải 2021 với cựu chủ công vang bóng một thời sẽ là một mùa giải để lại ký ức đẹp với cô gái đã dành trọn một đời cống hiến cho bóng chuyền nữ Thái Bình.