Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt

Sỹ Minh
thứ bảy 1-5-2021 10:35:01 +07:00 0 bình luận
Cú “bẻ kèo” của Kim Huệ, lá đơn khiếu nại từ đội bóng của đại gia, cùng án kỷ luật gây tranh cãi từ VFV suy cho cùng về bản chất là một trường hợp không hề mới, cho dù có những biểu hiện kỳ lạ. Nó cũng phơi bày nghịch cảnh của vấn đề chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền đang “đóng băng” kéo dài. 

Về bản chất, cũng giống như những trường hợp nổi sóng trước đây của Hữu Hà hay Văn Hạnh, Kim Huệ cùng ba học trò đã thỏa thuận, thống nhất với Bamboo Airways theo kiểu “đi đêm”. Bốn cô trò Kim Huệ ngồi vào bàn đàm phán khi mà họ vẫn đang còn hợp đồng với Ngân hàng Công thương Việt Nam, chưa xúc tiến các thủ tục thanh lý, và cũng chưa biết sẽ có thể thanh lý được không và như thế nào. Nhất là câu chuyện với ba cầu thủ Thu Hoài, Ninh Anh và Phương Anh không hề đơn giản do còn liên quan đến ràng buộc về đào tạo, thủ tục đăng ký thi đấu.

Ngày 11/3, Kim Huệ cùng các học trò mới nộp đơn xin nghỉ¸trong khi chuyện đầu quân cho đội bóng mới đã được hai bên “chốt” xong từ trước. Ngày 15/3, dưới danh nghĩa “hỗ trợ giải quyết thanh lý hợp đồng”, tiền tỉ đã được chuyển. 

Ở đây, quy trình chuyển nhượng đã không hề được hai bên áp dụng. Đội bóng mà Kim Huệ cùng ba học trò đang còn hợp đồng cũng bị bỏ qua, bất chấp việc Ngân hàng Công thương vẫn có quyền lợi, vai trò hợp pháp. Tất nhiên, “vai” chính của câu chuyện vẫn là phía Bamboo Airways Vĩnh Phúc. 

Hoàng Thị Phương Anh là một trong 3 VĐV đã đồng ý chuyển sang Bamboo Airways Vĩnh Phúc cùng Kim Huệ. Ảnh: Phạm Cường

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, so với các “ca” trước đây, sự vụ của cô trò Kim Huệ cùng Bamboo Airways Vĩnh Phúc có một điểm hoàn toàn khác khi Ngân hàng Công thương Việt Nam đang rơi vào tình trạng “rã đám” với một cuộc “tháo chạy” tập thể không có cách nào ngăn cản.

Ngoài những biến động lớn về định hướng, đầu tư¸đội bóng ngành ngân hàng còn rất yếu kém trong thực hiện, quản lý hợp đồng với VĐV nên cứ hết hợp đồng là họ có thể chủ động xin đi. Chỉ trong hai năm, đội đã gần như “mất trắng” nguyên cả đội hình chính- dự bị tuyến 1 với toàn các tuyển thủ và tuyển thủ trẻ quốc gia. Ngay trước thềm mùa giải này, HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cùng ba học trò đã chia tay đội để về với Than Quảng Ninh một cách nhẹ nhàng. 

Đến Kim Huệ cùng ba học trò thì lại “vấp”. Có thể có còn những câu chuyện hậu trường chỉ người trong cuộc mới rõ song “nút thắt” chính là việc đội bóng Ngân hàng Công thương Việt Nam với quyền hạn, trách nhiệm của mình đã đăng ký cô trò Kim Huệ trong danh sách đội bóng dự tranh giải VĐQG 2021. Có nghĩa là, theo quy định¸ kiểu gì cô trò Kim Huệ sẽ không thể kịp về đội bóng mới sẵn sàng tranh tài ở giải hạng A như thỏa thuận giữa hai bên. Để rồi từ đó dẫn tới những việc phát sinh phức tạp rắc rối lên tới đỉnh điểm như bây giờ. 

Sự vụ này đã phơi bày nghịch cảnh của vấn đề chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền đang “đóng băng” kéo dài, với những lổ hổng từ gốc rễ khi mà môn này đã đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế qua hai thập kỷ. 

Trong thời điểm có thông tin Kim Huệ đồng ý về Bamboo Airways Vĩnh Phúc, Sở VH-TT & DL Vĩnh Phúc có quyết định điều động HLV trưởng đội bóng

Đó là quy chế chuyển nhượng sau 10 năm ban hành vẫn  hoàn toàn “việt vị”. Nó không chỉ lạc hậu, bất cập nhiều nội dung cơ bản, mà quan trọng hơn không có tính khả thi¸không đi vào được thực tế. Nó gắn với vai trò “cầm chịch” mờ nhạt, lúng túng và bị động của các cơ quan quản lý, trước hết là VFV, trong vấn đề lớn và nóng cho sự phát triển này. Liên đoàn mới chỉ ứng phó mỗi khi có trường hợp tranh cãi, khiếu nại, thay vì phải nhìn nhận toàn diện, giải quyết từ gốc. 

Đó là sự thiếu quy chuẩn, thiếu chuyên nghiệp, phần nào đó là nhốn nháo của nhiều đội bóng trong việc ký kết, thực thi, quản lý hợp đồng với cầu thủ theo đúng luật. Quyền và trách nhiệm của đội bóng, của cầu thủ chưa đảm bảo đúng luật, hài hòa với đặc thù thể thao. 

Chính từ những “lổ hổng” từ gốc ấy mới cực khó để mong ý thức, nhận thức chuẩn, cao một phía từ các cầu thủ. 

Và qua sự vụ này, đặt ra cho những người có trách nhiệm, các bên liên quan đòi hỏi phải nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện, kỹ lưỡng, nghiêm túc vấn đề chuyển nhượng cầu thủ, nhằm sớm tạo đột phá, lành mạnh hóa “dòng chảy” đang bị “đóng băng” kéo dài. 

 

Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt

Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội

Kỳ 3: Ca ”nóng" Kim Huệ và quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt 10 năm... "lập cho có"!

Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của “người trong cuộc” đặc biệt

Kỳ 5: Nhìn từ vụ Kim Huệ bóng chuyền, VBA ngăn chặn tình trạng "đi đêm" như thế nào?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm