Dù 2023 chưa kết thúc nhưng chắc chắn đây là một năm khó quên với bóng chuyền Việt Nam, từ những thành công vang đội liên tiếp của đội tuyển nữ, hay các giải đấu trong nước với sự trở lại của ngoại binh giúp gia tăng chất lượng chuyên môn, tất cả tạo nên một năm đầy những mảng màu sắc thú vị của bóng chuyền nước nhà.
Tuy nhiên trong một bức tranh tổng thể ấy cũng có những màu xám với điểm đậm nhất thuộc về trường hợp của Bích Tuyền, kéo dài âm ỉ từ ngày này qua ngày khác, giải đấu này tới giải đấu khác, cùng với một sự thật rằng ngôi sao hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam vẫn không thể tiếp tục đóng góp cho đội tuyển quốc gia!
Bích Tuyền – ngôi sao hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam và những tranh cãi về giới tính
Cùng với Trần Thị Thanh Thúy và Hoàng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Bích Tuyền nằm trong top những ngôi sao hàng đầu bóng chuyền Việt Nam với lượng fan ham mộ hùng hậu, đơn giản vì cô gái người Vĩnh Long quá xuất sắc.
Ít năm gần đây sự xuất hiện của đối chuyền với dáng người dong dỏng cao tạo nên sức hút đặc biệt với NHM nhờ khả năng tấn công quá đỗi ấn tượng. Bích Tuyền sở hữu những cú đập uy lực hàng đầu bóng chuyền Việt Nam, chỉ nhiêu đó thôi đủ tạo nên thương hiệu riêng cho cô gái sinh năm 2000.
Liên tiếp các danh hiệu VĐV tấn công xuất sắc nhất ở khắp các giải đấu trong nước, thậm chí giữ kỷ lục thế giới với số điểm nhiều nhất trong một trận đấu (61 điểm) từng đó đủ nói lên đẳng cấp của Bích Tuyền. Với những gì đối chuyền cao 1m87 thể hiện, NHM bóng chuyền Việt Nam rất kỳ vọng cô cùng với Thanh Thúy mang về những vinh quang cho đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên thực tế lại trái với mong đợi, vì nhiều lý do khác nhau Bích Tuyền liên tục bỏ lỡ cơ hội khoác lên mình màu áo đỏ sao vàng, lần gần nhất cô thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31 cũng là lúc những tranh cãi bắt đầu được nhen nhóm. Một phóng viên bóng chuyền quốc tế dùng thuật ngữ “VĐV giống đàn ông” để nói về Bích Tuyền, và dù sau đó anh đã gửi lời xin lỗi nhưng các diễn đàn bóng chuyền Đông Nam Á bắt đầu để ý nhiều hơn về câu chuyện giới tính của Bích Tuyền.
Mọi thứ phần nào lắng xuống khi nữ VĐV người Vĩnh Long được triệu tập lên ĐTQG chuẩn bị cho hàng loạt giải đấu trong năm 2023. Bích Tuyền tích cực tập luyện và NHM cũng rất nóng lòng chờ đợi màn thể hiện của cô dưới bàn tay HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, tuy nhiên mọi thứ một lần nữa đổ bể!
Ngay trước ngày khởi tranh giải Vô địch các CLB nữ châu Á 2023 diễn ra tại Vĩnh Phúc, Bích Tuyền xin rút lui vì tái phát chấn thương, thông tin này lập tức khiến cả cộng đồng những người yêu bóng chuyền Việt Nam dậy sóng. Tiếc nuối, thất vọng là những câu cảm thán của NHM trên khắp các diễn đàn.
Lý do chấn thương phần nào khiến NHM đặt dấu hỏi bởi Bích Tuyền sau đó vẫn thi đấu các giải hội làng, trên sóng trực tiếp cô vẫn chơi rất ổn định và giúp đội bóng của mình giành chức vô địch.
Ít tháng sau, phần còn lại của giải VĐQG 2023 tiếp tục nóng lên với tin đồn các đội bóng khiếu kiện trường hợp giới tính của Bích Tuyền. Trước đó ông chủ Hóa chất Đức Giang – Đào Hữu Huyền thẳng thắn nêu quan điểm cần làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên Tổng Thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ông Lê Trí Trường cho biết không có cơ sở để giải quyết trường hợp của Bích Tuyền khi thực tế không có đội nào viết đơn khiếu nại, vậy thực tế vấn đề này nằm ở đâu?
Khiếu nại giới tính, chuyện tưởng dễ nhưng không!
Theo mục 3.2.2 quy định Liên đoàn bóng chuyền thế giới FIVB nêu rõ: “Việc phân loại về giới tính ban đầu của một VĐV sẽ được Liên đoàn quốc gia công nhận thông qua giấy khai sinh của VĐV đó và lần đăng ký đầu tiên của VĐV đó khi thi đấu. Trong trường hợp giới tính trong giấy khai sinh khác với giới tính khi đăng ký thi đấu lần đầu tiên, thì VĐV đó sẽ được xác định giới tính theo giấy khai sinh”.
Phía Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết những giấy tờ của Bích Tuyền đều hoàn toàn hợp lệ với quy định của FIVB, ngoài ra việc không có khiếu nại giúp cô vẫn có thể thi đấu bình thường tại vòng II và vòng chung kết giải bóng chuyền VĐQG 2023.
Thực tế đã có không ít râm ran xung quanh trường hợp của Bích Tuyền, tuy nhiên việc viết đơn khiếu nại lại không phải chuyện dễ thực hiện. FIVB đặc biệt tôn trọng và bảo vệ quyền cá nhân của các VĐV, thậm chí các tập thể/cá nhân có thể bị FIVB phạt nặng nếu xâm phạm quyền cá nhân VĐV vô căn cứ.
Đó cũng là lý do khiến trường hợp từng gây rất nhiều tranh cãi trước đây như Aprilio Manganang vẫn thoải mái thi đấu bất chấp những tranh cãi rất lớn về trường hợp giới tính của VĐV này. Tại kỳ SEA Games 2015 Philippines từng khiếu nại về giới tính của Manganang nhưng BTC và Tiểu ban Y tế khước từ, viện dẫn các hồ sơ của Indonesia không có vấn đề gì, chưa có tiền lệ kiểm tra tại các kỳ SEA Games và nếu kiểm tra sẽ rất phức tạp và nhiều hệ lụy.
FIVB sau đó cũng bảo vệ chủ công người Indonesia, không chấp nhận yêu cầu kiểm tra giới tính Manganang. Điều đó giúp cô tự tin góp mặt ở khắp các giải đấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, trước khi giải nghệ, tuyên bố phẫu thuật thành đàn ông và lấy vợ!
Bích Tuyền có thể tự tin thi đấu mà không cần lo lắng về những khiếu nại giới tính?
Câu chuyện về quy định của FIVB cũng như trường hợp của Manganang chắc hẳn khiến NHM đặt câu hỏi rằng Bích Tuyền hoàn toàn có thể tự tin thi đấu ở đủ mọi cấp độ mà không cần lo lắng về những khiếu nại giới tính, như trường hợp của Manganang?
Câu trả lời phụ thuộc vào 2 yếu tố, đầu tiên là từ chính Bích Tuyền! Là VĐV luôn rực lửa trên sân đấu nhưng ở bên ngoài cô gái người Vĩnh Long lại thể hiện tính cách trái ngược hoàn toàn. Tuyền ít nói, sống nội tâm và thật khó cho một cô gái 23 tuổi đủ can đảm để vượt qua những rào cản dưới áp lực soi mói luôn đè nặng!
Yếu tố còn lại từ các đối thủ, phải nhắc lại giải vô địch các CLB châu Á 2023 đã có đội bóng nghi ngờ giới tính của Bích Tuyền và xem xét khiếu nại. Những trường hợp tương tự hoàn toàn có thể xảy ra nếu đối chuyền người Vĩnh Long khoác áo ĐTQG trong tương lai.
Trường hợp của Bích Tuyền rất khó để so sánh với Manganang, bởi dẫu sao SEA Games chỉ là đấu trường nhỏ chưa từng có tiền lệ kiểm tra giới tính. Tuy nhiên bước ra khu vực châu Á hoặc thế giới lại là câu chuyện hoàn toàn khác, khi môi trường chuyên nghiệp cao hơn những quy định cũng bị kiểm soát chặt chẽ, một VĐV trong quá trình thi đấu có thể bị cơ quan doping test ngẫu nhiên.
Trường hợp của Đỗ Hồng Ngọc môn Boxing là một ví dụ, VĐV từng đạt HCB giải trẻ thế giới, HCV giải trẻ châu Á, đoạt suất Trẻ Olympic không thể vượt qua các bài test giới tính của Ủy ban kiểm tra y tế, qua đó bị tước toàn bộ huy chương và bị cấm tham gia thi đấu. Tại Đại hội TDTT toàn quốc, Cần Thơ vẫn đăng ký cho Ngọc đấu nhưng bị kiện và BTC kết luận VĐV này không được thi đấu, lý do được đưa ra là tiêu chuẩn y sinh vượt quá ngưỡng cho phép của một VĐV nữ trong thể thao.
“Về trường hợp của Bích Tuyền hoàn toàn đáp ứng đủ giấy tờ và không có khiếu kiện từ các đội bóng nên Tuyền tham dự giải VĐQG là bình thường. Tuy nhiên sau khi giải VĐQG kết thúc Liên đoàn cũng sẽ chủ động lên kế hoạch rà soát, kiểm tra nhằm tạo sân chơi công bằng cho các đội bóng, VĐV thi đấu”, Tổng Thư ký Lê Trí Trường cho biết.
Những tranh cãi về giới tính khó có thể đổ trách nhiệm lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, bản thân các đội bóng từ khâu tuyển quân cần có sự kiểm tra, sàng lọc để tránh những hệ lụy trong tương lai, bởi nếu để những tranh cãi xảy ra chính bản thân VĐV và đội bóng là những người nhận phần thiệt đầu tiên.
Với Bích Tuyền cũng vậy, dù muốn hay không NHM vẫn phải đặt dấu hỏi vì sao cứ mỗi lần lên tuyển cô lại có lý do để từ chối? Mới đây Indonesia ra án phạt cấm thi đấu quốc tế 1 năm với ngôi sao số một quốc gia này Rivan Nurmulki vì từ chối lên đội tuyển nhưng vẫn tham dự các giải đấu phủi trong nước. Với trường hợp của Bích Tuyền cũng tương tự thì liệu có nhận án phạt hay không?
Kết
Với những người yêu bóng chuyền Việt Nam vấn đề không phải nằm ở giới tính của Bích Tuyền, điều chờ đợi lớn nhất là ngôi sao vừa tỏa sáng giúp Ninh Bình LP Bank lần đầu tiên vô địch quốc gia có thể đóng góp điều tương tự cho màu áo đỏ sao vàng? Và sau tất cả bóng chuyền nữ Việt Nam với thế hệ vàng đầy tiềm năng bao giờ mới lại có được sự phục vụ của Bích Tuyền để bay cao hơn nữa?