Giải bóng chuyền VĐQG Cúp Hóa chất Đức Giang 2023 đã khép lại với chức vô địch thuộc về Ninh Bình LP Bank. Ở đó, sau các cuộc tranh tài sôi nổi, các VĐV, HLV cũng như thành viên lại trở về cuộc sống thường nhật. Họ vẫn tiếp tục chuẩn bị cho các giải đấu.
Riêng chỉ có một vị trí hết sức đặc thù là phiên dịch sẽ quay lại với nghề chính của mình khi họ đã hoàn thành công việc part-time. Trần Nguyên Lộc, phiên dịch cho đội nam Đà Nẵng cho hay: “Tròn một tháng từ 16-/10 đến 17/11, tôi gắn bó với Thanathat và CLB bóng chuyền Đà Nẵng. Giờ đây, khi giải đấu kết thúc, tôi quay lại với công việc của mình”.
Lộc làm cho một công ty du lịch ở thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Chàng trai gốc Phú Yên có đam mê mãnh liệt với bóng chuyền. Anh thổ lộ: “Tôi chơi bóng chuyền từ năm lớp 7. Năm 12, tôi mới cao 1m50 nhưng sau này chơi thường xuyên giúp tăng chiều cao lên 1m70".
Vốn sẵn có đam mê, Lộc tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ. Ở đó, anh đã chọn học ngoại ngữ 2 là tiếng Thái. Với vốn tiếng Thái không nhiều song khi Hóa chất Đức Giang tuyển dụng phiên dịch, Lộc cắp ba lô ra Hà Nội với suy nghĩ “như một cách để đánh cược, thử sức bản thân. Nếu được thì tốt, không được thì làm lại”.
Dù vậy, Lộc biết khả năng mình đến đâu. Anh chia sẻ: “Phiên dịch cho HLV khác với VĐV. HLV người Thái thường sử dụng ngôn ngữ địa phương nên rất khó với người ít có cơ hội tiếp xúc tiếng Thái như tôi. Ngoài ra, đội có yêu cầu cao, áp lực thành tích nên tôi chỉ có thể hy vọng".
Lộc đoán được và anh chấp nhận mọi kết quả. Ấy vậy, trong quãng thời gian ở Hà Nội, một HLV phó của CLB Đà Nẵng ngỏ lời với Lộc khi đội có thuê Thanathat của Thái Lan. Lúc này, Lộc cân nhắc. “Khi về lại Đà Nẵng, tôi làm giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 nên sẽ không theo đội 24/7. Tôi chỉ có thể làm thứ 7, chủ nhật và các buổi tối. Sau khi CLB xem xét, hai bên thống nhất và tôi trở thành phiên dịch của đội”, Lộc chia sẻ.
Chàng trai gốc Phú Yên này tự tin khi anh chơi bóng chuyền, biết tiếng Thái và hiểu các ngôn ngữ chuyên môn. Nhưng, có những lúc, anh gặp trở ngại. Lộc cười bảo: “Chẳng hạn như lúc phỏng vấn, tôi bảo Thanathat nói những từ dễ rồi nắm các ý để dịch lại”.
Ngoài đam mê, Lộc cho rằng: “Làm nghề này dù chỉ là thời vụ nhưng giúp tôi cải thiện khả năng tiếng Thái vì rất ít sử dụng trước đó". Do làm công việc part-time nên tiền công của Lộc cũng trả theo giờ.
Anh bộc bạch: “Tôi đề xuất tính theo giờ. Ngoài các trận đấu thường 2-3 giờ, tôi hay đến các buổi tập mà mình có thể thu xếp được. Những khi có lãnh đạo gặp mặt, hay ký hợp đồng, những buổi tập đầu tiên, tôi cũng sắp xếp để giúp đỡ Thanathat. Còn các buổi tập sau này, khi Thanathat đã quen, tôi cũng có thể không đến. Khi cậu ấy cần gì, Thanathat nhắn tin và tôi sẽ trao đổi với BHL”.
Cũng bởi làm part-time nên trong ba lô của Lộc bao giờ cũng có hai cái áo: một cái áo trắng, một áo sẫm màu. “Vì tôi đến khá muộn nên không có đồng phục cùng đội. Phía đội cũng không yêu cầu phải mặc cùng tông nhưng bản thân tôi tự nghĩ, mình cần chỉn chu trong công việc”.
Tiền công của Lộc không nhiều nhưng tùy vào đặc thù của mỗi đội. Anh bảo: “Có đội trả tiền công rất cao trong một tháng đó nhưng cũng rất nhiều người quen biết từ chối bởi công việc chỉ part-time; để tìm phiên dịch không hề dễ”.
Khác với Lộc, Nguyễn Nhật Hạ đã có lần thứ hai làm phiên dịch, và làm cho CLB nữ Geleximco Thái Bình. Năm ngoái, Hạ mới ra trường. Cô nhìn nhận: "Đó là cơ hội tốt khi sinh viên mới ra trường cọ xát, trải nghiệm để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi còn cải thiện các kỹ năng tiếng Anh và giao tiếp".
Lúc đó, Hạ không chơi bóng chuyền. Một tuần đầu, cô tìm hiểu và nhờ các thành viên đội giúp đỡ. Từ đó, Hạ quen dần. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ tôi liều nhưng chấp nhận thử thách bản thân”.
Sau khi trở về từ giải VĐQG năm ngoái, Hạ có công việc ở một công ty công nghệ. Hiện tại, cô đảm nhận vai trò giám đốc nội dung và sáng tạo. Tuy vậy, Hạ thu xếp để trở lại làm phiên dịch cho đội Geleximco Thái Bình. Cô giãi bày: “Tôi làm lại vì đây là công việc đầu tiên khi tốt nghiệp đại học vào năm ngoái. Tôi trân trọng, tôn trọng tình cảm của đội. Năm nay, tôi cũng tự tin hơn".
Giải đấu kết thúc, Lộc và Hạ trở lại nhịp sống bình thường. Lộc thổ lộ: "Ở Việt Nam để theo đuổi nghề này rất khó. Thường các đội chỉ thuê đánh một giải còn rất hiếm ít để thuê lâu dài. Tôi cũng muốn theo nghề này song vì điều kiện đặc thù nên không thể theo đuổi”.