Sau khi mùa giải VĐQG 2021 kết thúc cũng là lúc phụ công Nguyễn Thị Trinh hết hợp đồng với Đắk Lắk. Có thể nói, phong độ của Nguyễn Thị Trinh đang ở giai đoạn "chín" nên rất nhiều đội bóng muốn có được chữ ký của cô phụ công này. Ngoài Ninh Bình Doveco, Than Quảng Ninh, Bình Điền Long An thì đội bóng quê hương Đắk Lắk cũng trao đổi với Trinh về việc muốn cô ở lại nhưng phụ công này đã từ chối vì cô muốn được thử thách ở những môi trường mới, phần vì muốn phụ giúp gia đình về vấn đề kinh tế.
Theo thông tin mới nhất, phụ công này đã quyết định đặt bút ký vào bản hợp đồng 2 năm với Ninh Bình Doveco - đội bóng được ví như "hiện tượng" tại mùa giải 2021. Trước Nguyễn Thị Trinh, đội bóng đất Cố đô đã có những bản hợp đồng chất lượng như phụ công Lê Thanh Thúy, chủ công Đinh Thị Thúy và libero Thanh Tuyền.
Nguyễn Thị Trinh đến với bóng chuyền từ năm 2011, dù khi ấy chỉ mới học lớp 9, cô gái sinh năm 1997 đã có chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng tuổi. Với nỗ lực tập luyện chăm chỉ và tố chất có sẵn, Trinh nổi lên thành tài năng bóng chuyền bậc nhất của Tây Nguyên.
Phụ công này được giới chuyên môn đánh giá cao ở sự di chuyển linh hoạt, phản xạ nhanh nhạy, sức bền thể lực và lợi thế chiều cao 1m8, sức bật chắn 2m85 và bật đà đến gần 3m. Cô từng đoạt chức vô địch quốc gia năm 17 tuổi, lên tuyển năm 19 tuổi (2016), giúp Đắk Lắk trong cảnh sứt mẻ lực lượng trụ hạng thành công năm 2018 và cùng đội tuyển nữ Việt Nam đoạt HCB SEA Games 30.
Ở mùa giải 2021, do không có đội bóng nào phải xuống hạng nên các đội bóng được đánh giá yếu hơn như Đắk Lắk có được tinh thần thi đấu thoải mái hơn, không phải lo cảnh phải đấu "chung kết ngược". Chung cuộc, thầy trò HLV Trần Đăng Thành xếp hạng 6 và Nguyễn Thị Trinh chính là một trong những người đã có công sức lớn giúp cho đội bóng Tây Nguyên đạt được kết quả này.