Sau gần một năm phải hoãn lại vì lý do khách quan, Đại hội Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khóa 7 đã được tổ chức vào sáng nay (12/12) với sự tham dự của 62 đại biểu chính thức trong tổng số 90 đại biểu được triệu tập.
Nhìn chung, nhiệm kỳ vừa qua của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định về tổ chức, quản lý, điều hành và chuyên môn, tuy nhiên vẫn còn đó một số tồn tại và hạn chế.
Về lực lượng VĐV đã được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, thể lực và thể hình rất tốt tuy nhiên lại thiếu đi những gương mặt có yếu tố thủ lĩnh, truyền lửa cho các đồng đội.
Hơn hết khả năng sử dụng ngoại ngữ của hầu hết cán bộ, HLV và trọng tài còn kém. Vì vậy công tác đào tạo, nâng cao trình độ bằng cách nghiên cứu, tham khảo tài liệu quốc tế, tham dự khóa học, hội thảo quốc tế gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác đào tạo VĐV trẻ chưa thực sự được quan tâm, các đội tuyển trẻ quốc gia nam, nữ không được tập huấn dài hạn mà chỉ theo giai đoạn vào các năm chẵn để tham gia thi đáu giải Trẻ ĐNÁ và châu Á. Việc thuê huấn luyện viên ngoại cũng không được thực hiện lâu dài và ổn định.
Ngoài ra do khó khăn chung của nền kinh tế cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, các hoạt động thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là công tác tiếp thị và vận động tài trợ. Riêng trong năm 2020, nguồn thu của Liên đoàn chỉ đạt trên 4,6 tỉ đồng, và năm 2021 tính đến hết tháng10 là 3,1 tỉ đồng.
Trên cơ sở tổng kết kỹ lưỡng, nghiêm túc hoạt động của nhiệm kỳ trước, Đại hội đã thống nhất phải tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò của Liên đoàn, với nhiều công việc và giải pháp trước mắt và dài hạn đã được đặt ra để tạo bước đột phá cho bóng chuyền Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý, Liên đoàn sẽ điều chỉnh mạnh mẽ phương thức tổ chức các giải đấu trong hệ thống quốc gia, đặc biệt là giải VĐQG; đổi mới mảng tiếp thị tài trợ gắn với truyền thông để tạo nên sức hút, giá trị thương hiệu cùng nguồn tài chính ổn định; phối hợp hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác đào tạo trẻ ngay từ các địa phương, CLB; nâng cao chất lượng tập huấn và trình độ của các ĐTQG…
Về thành tích quốc tế của nhiệm kỳ tới, Liên đoàn cũng nhắm tới đích sẽ phấn đấu có HCV SEA Games trong nhiệm kỳ tới ở phân môn bóng chuyền trong nhà. Đội tuyển nữ phấn đấu lọt vào Top 5 châu Á, đội nam đứng trong Top 08.
Đại hội đã tín nhiệm bầu Ban chấp hành khóa 7 gồm 24 ủy viên, Ban kiểm tra gồm 3 ủy viên. Tại phiên họp thứ nhất, Ban chấp hành đã bầu ra Ban thường vụ với 07 ủy viên, và bầu ông Hoàng Ngọc Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khóa 7. Cùng đó, Ban chấp hành cũng đã bầu ra các chức danh chủ chốt khác, gồm 4 Phó Chủ tịch, trong đó có bà Trần Thùy Chi(Chủ tịch HĐQT Vietcontent). Ông Lê Trí Trường tiếp tục đảm nhận vị trí Tổng thư ký.
Được tín nhiệm bầu làm Tân Chủ tịch của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Huấn khẳng định sẽ cùng Ban thường vụ, Ban chấp hành cùng các Ban chuyên trách của Liên đoàn quyết tâm và nỗ lực để phát huy, khai thác các nguồn lực để bóng chuyền Việt Nam có thể “tăng tốc” phát triển.
Tân Chủ tịch cũng cho biết VTVcab và cá nhân ông cũng đã xác lập một bản đề án về một hệ sinh thái bóng chuyền dựa trên lợi thế của trên 20 kênh truyền hình, chiếm 85% thị phần truyền hình thể thao Việt Nam, như tổ chức sự kiện, truyền hình trực tiếp các giải đấu, có các chuyên mục và chuyên để riêng để qua đó tạo sức lan tỏa, quảng bá và thu hút tài trợ cho bóng chuyền.