Đây là đội bóng trẻ nhất tại giải VĐQG khi mới ra đời cách đây 4 năm, theo mô hình của một CLB doanh nghiệp. Hóa Chất Đức Giang cũng là đội “non” nhất khi mới có 3 mùa dự tranh giải đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam. Trong 3 mùa giải đó, đội bóng được đầu tư “khủng” đã không ngừng tiến bộ song cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Thậm chí ngay mùa giải trước, họ còn vỡ mộng khi rớt xuống nhóm dự “chung kết ngược” để vất vả giành quyền trụ hạng.
Thế nhưng, Hóa Chất Đức Giang đã thay đổi ngoạn mục ở giải VĐQG 2020 với sự hội tụ cao nhất của các yếu tố cần thiết sau cả một quá trình liên tục tích lũy và đột phá. Họ đã tạo nên được một đội hình mạnh đều, có cả mũi nhọn lẫn chiều sâu, giàu sức chiến đấu và sự khát khao, bên cạnh một HLV trẻ ngày càng vững vàng. Đội bóng có nguồn lực tài chính dồi dào này đã kết hợp tốt việc tập trung phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ một cách bài bản, với việc chiêu mộ một số cầu thủ tên tuổi, điển hình với trường hợp của chủ công hàng đầu Nguyễn Thị Xuân.
Và Hóa Chất Đức Giang đã thực sự gây sốc tại vòng một giải VĐQG. Họ toàn thắng cả 4 trận, trong đó hạ gục cả hai ứng viên VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam. Chiến tích này đã trở thành một cú “hích” cho đội bóng “non trẻ” bứt lên về mọi mặt, nhất là sự tự tin và bản lĩnh.
Đến vòng hai, Hóa Chất Đức Giang đã chứng tỏ mình không phải là một “hiện tượng” nhất thời mà là một thế lực giàu tham vọng và đủ sức tranh chấp sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu. Thầy trò Nguyễn Hữu Hà dễ dàng bảo vệ vị trí nhất bảng, với cách tiếp cận và màn trình diễn được đánh giá còn tốt hơn nhiều vòng một. Ở trận bán kết tái ngộ Ngân hàng Công thương Việt Nam, trên thực tế, Hóa Chất Đức Giang mới là đội “cửa trên”. Dù gặp nhiều khó khăn xuất phát từ vấn đề tâm lý của một đội quân trẻ khi lần đầu đấu một trận bán kết đỉnh cao, song Hóa Chất Đức Giang đã giành thắng lợi thuyết phục.
Cuối cùng đội bóng mới có 4 năm tuổi và 3 mùa dự tranh giải VĐQG, đã lọt vào trận chung kết lịch sử của chính mình, và phần nào đó làm thay đổi cục diện bóng chuyền nữ Việt Nam. Sau tròn một thập kỷ, kể từ Vietsovpetro ở mùa 2010, mới lại có một cái tên mới, nằm ngoài ba “đại tỷ” Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam, VTV Bình Điền Long An giành quyền vào chơi trận chung kết.
Trong chiến tích của Hóa Chất Đức Giang, phần nào đó phải nói đến thuận lợi thấy rõ khi VTV Bình Điền Long An và Ngân hàng Công thương Việt Nam sa sút nghiêm trọng do gặp khó về lực lượng. Tuy nhiên, điều quyết định, chính Hóa Chất Đức Giang đã có một bước tiến vượt bậc về mọi mặt, đã đạt tới tầm mức của một đội bóng hàng đầu, và còn có thể tiến xa.
Dù chưa biết kết quả của trận chung kết với các nhà ĐKVĐ Thông tin LienVietPostBank sẽ như thế nào, song chắc chắn Hóa Chất Đức Giang là đội bóng thành công nhất giải này, và đáng chờ đợi nhất của bóng chuyền Việt Nam trong những mùa tới.