Những chủ công có lối chơi độc đáo và “dị” khiến cho hàng thủ đối phương rất khó phán đoán và phòng thủ. Bóng chuyền Việt Nam luôn tự hào vì sản sinh ra rất nhiều chủ công lừng lẫy một thời. Thời nào cũng có và người nào cũng “dị”.
Người đầu tiên muốn nhắc tới là chủ công Trần Minh Khang của đội Becamex Quân Đoàn 4. Ông là người thực hiện cú đập bóng từ hàng sau với hiệu suất ghi điểm tốt nhất suốt thập niên 80. Những cú đập chéo góc luôn tiềm ẩn sức mạnh và sự nguy hiểm khiến hàng thủ đối phương trở nên lúng túng.
Nhắc đến chủ công Lê Hồng Hảo là nhắc tới VĐV trẻ nhất vô địch quốc gia dưới màu áo đội Seaprodex khi mới 17 tuổi. Một năm sau anh chính là người làm nổ tung cầu trường nhà thi đấu Memorial của Philippines khi Việt Nam gặp đội chủ nhà trong trận tranh 3-4.
Điều làm nên tên tuổi anh chính là kỹ thuật đập bóng. Bật cao ưỡn thân ra phía sau như cánh cung khi phối hợp hoàn hảo cơ lưng bụng, cánh tay và cổ tay để đập bóng. Tốc độ trái bóng đi mạnh và cực nhanh khiến hàng thủ đối phương mất phương hướng. Có rất ít VĐV nào với chiều cao khiêm tốn (1,80m) có thể có được kỹ thuật cá nhân điêu luyện như chủ công của Seaprodex.
Một chủ công “dị” không kém đó là Nguyễn Tuấn Mạnh của Thể Công. Cái chất của chủ công này chính là đập bóng hai tay như một. Với hiệu suất ghi điểm cao bởi hàng chắn đối phương rất khó phán đoán những pha đập bóng của Nguyễn Tuấn Mạnh để kịp phòng thủ. Ngoài việc chơi bóng hai tay như một, ở Nguyễn Tuấn Mạnh còn hội tụ các kỹ thuật phòng thủ bước 1 cũng như chắn bóng một cách hiệu quả bậc nhất Việt Nam.
Chủ công thuận tay trái Nguyễn Tự Nguyện với chiều cao 1,91m và sức bật tốt, anh đập bóng trên tay chắn của các đối thủ rất uy lực. Nhưng cái dị của anh chính là VĐV bóng chuyền nhưng đạt nhiều huy chương nhất trong môn điền kinh (vô địch nhiều năm về nhảy cao ở giải toàn quân và toàn quốc trong giai đoạn 1984-1989)
Nhắc đến chủ công vướng nhiều rắc rối nhất và cũng là hay nhất là nói tới Nguyễn Hữu Hà. Anh dường như sinh ra để dành cho bóng chuyển bởi sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện và năng khiếu bẩm sinh. Chính tài năng nên hành trình sự nghiệp của Nguyễn Hữu Hà luôn vướng vào những rắc rối không đáng có ảnh hưởng trong quá trình chuyển nhượng.
Tuy vậy, điều đó không làm khó cho chủ công lừng lẫy của đội tuyển quốc gia Việt Nam mà sau mỗi lần anh lại thành công hơn. Hiện tại anh đã chuyển sang công tác huấn luyện và đảm nhận vai trò HLV tại CLB bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội.
Chủ công đầu tiên xuất ngoại thành công và giúp Đội tuyển Việt nam đoạt HCB SEA Games chính là Ngô Văn Kiều. Chàng cầu thủ với ước mơ ban đầu là trở thành cầu thủ bóng đá, nhưng chính vì chiều cao quá khổ của mình khiến anh bén duyên với bóng chuyền. Biệt danh “oanh tạc cơ” nói lên sức mạnh của những pha tấn công trên lưới của chàng cầu thủ cao 1,96m này.
Ngô Văn Kiều sở hữu những chỉ số cực tốt của một VĐV bóng chuyền hiện đại. Bằng những cú đập đầy uy lực cũng như khả năng tấn công biên sát thủ, anh khiến nhiều hàng chắn đối phương chao đảo. Ngô Văn Kiều là mẫu chủ công hiện đại với lối chơi đơn giản, chuyên sâu mà cực kỳ hiệu quả với sở trường là những cú đập trời giáng vượt tay chắn sau vạch 3m.
Chủ công Từ Thanh Thuận được ví như “của hiếm của bóng chuyền Việt Nam” ngôi sao cao 1m93 và có sức bật lên tới 3m52, tầm chắn là 3m40 hiện đang là chủ công hàng đầu của bóng chuyền nam Việt Nam. Điều đặc biệt ở chàng trai này là anh được phát hiện ở... một đám cưới.
Năm 16 tuổi Từ Thanh Thuận mới được các HLV của Vĩnh Long phát hiện khi qua Tiền Giang dự một đám cưới. Thấy Thanh Thuận có chiều cao tốt, lại rất nhanh nhẹn, HLV Trần Văn Sơn đã thuyết phục chàng trai người Tiền Giang theo học bóng chuyền. Chính cái duyên đó đã mang đến cho bóng chuyền Việt Nam một chủ công tài ba từng giúp bóng chuyền nam Việt Nam giành HCĐ SEA Games 27, 29 cùng tấm HCB SEA Games 28 và 31.