Vòng chung kết giải bóng chuyền hạng A 2023 đã khép lại với chức vô địch nhiều cảm xúc của các cô gái Hà Nội, trong một trận đấu giằng co với đối thủ Hải Dương, thầy trò HLV Nguyền Hữu Bình giành thắng lợi 3-1 với tỷ số các set là 25-19, 22-25, 25-18, 26-24), qua đó giành quyền thăng hạng lên chơi tại giải VĐQG 2024.
Không chỉ những màn trình diễn xuất sắc tại giải đấu vừa qua, nếu nhìn lại hành trình của bóng chuyền nữ Hà Nội đó là cả một quá trình nỗ lực đáng ngợi khen!
Kể từ thời điểm Bưu điện Hà Nội lẫy lừng một thời giải tán, bóng chuyền nữ Hà Nội dù rất nỗ lực vẫn luôn chật vật với câu chuyện kinh tế. Đến năm 2016 nhận được sự hỗ trợ của Hóa chất Đức Giang, thì chỉ một thời gian ngắn sau toàn bộ dàn cầu thủ được chuyển giao cho doanh nghiệp này quản lý.
Bóng chuyền nữ Hà Nội bắt đầu lại với con số 0, tuyển quân tìm kiếm tài năng trẻ, dày công đào tạo, tích lũy từng chút kinh nghiệm với hy vọng trở lại sân chơi cao nhất. Sau 7 năm cuối cùng bóng chuyền Thủ đô đã hoàn tất giấc mơ ấy, thế nhưng những người làm bóng chuyền Hà Nội hiểu rằng đặt chân lên sân chơi VĐQG đã khó, trụ lại giải đấu còn khó khăn hơn gấp bội!
Như Tổng Thư ký LĐBC Việt Nam ông Lê Trí Trường tiết lộ, giải VĐQG đang trong lộ trình giảm số đội để tạo nên một giải đấu hấp dẫn hơn về mặt chuyên môn, điều đó tạo nên thử thách khổng lồ với nhóm đội bóng phía dưới trong đó chắc chắn có Hà Nội.
Nhìn vào thực tế đội tuyển nữ Hà Nội còn rất trẻ, các cầu thủ không có sân chơi dẫn đến ít kinh nghiệm thi đấu, việc cọ xát với những CLB hàng đầu gần như là con số 0 tròn trĩnh (Hà Nội tham dự Đại hội TDTT toàn quốc 2022 vừa qua cũng là những nhân tố của CLB Hóa chất Đức Giang).
Thế nhưng đó chưa phải là khó khăn duy nhất, suốt một thập kỷ qua dù là đội bóng của Thủ đô, trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước nhưng bóng chuyền Hà Nội luôn thuộc diện "con nhà nghèo". Không có nhà tài trợ nên đội vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để tập luyện và thi đấu.
Nếu căn cứ Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao khi tập luyện là 220.000 VNĐ và khi tập trung thi đấu là 290.000 VNĐ thì mức thu nhập của VĐV bóng chuyền Hà Nội thực sự rất thấp nếu nhìn vào mặt bằng chung hiện tại.
Có lẽ những người làm bóng chuyền Hà Nội không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui lên hạng, nỗi lo tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư, xoay sở kinh phí để nâng cao chất lượng đội bóng sẽ sớm trở thành vấn đề khiến bóng chuyền Thủ đô phải trăn trở.
"Từ cuối năm 2019, khi bàn về đường hướng để đội bóng chuyền nam/nữ Hà Nội có thể thi đấu lâu dài tại Giải vô địch quốc gia, cần tìm kiếm những doanh nghiệp có thể đồng hành cùng đội. Đấy là điều cần thiết để giúp đội bóng phát triển bền vững, nhất là khi đội đã có hệ thống đào tạo trẻ cùng điều kiện tập luyện tốt hơn rất nhiều đội bóng khác ở Việt Nam", ông Bùi Đình Lợi - Trưởng bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) từng chia sẻ.
Khi LĐBC Việt Nam đã đồng ý để các ngoại binh trở lại, những cuộc chạy đua đang trở nên gắt gao hơn bao giờ hết. Một đội bóng cũng từng là "con nhà nghèo" như Thanh Hóa cũng bỏ số tiền không nhỏ để mang về ngoại binh Lara Vukasovic, vì vậy vấn đề kinh phí lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Không khó để nhìn ra vấn đề nhưng giải quyết nó như thế nào mới là bài toán mà bóng chuyền Hà Nội đã đau đáu suốt cả một thập kỷ không có lời giải, không có lời giải về kinh phí không đồng nghĩa với bỏ cuộc, đội bóng Thủ đô cũng phải chuẩn bị cho mình phương án tự lực cánh sinh.
Thực tế câu chuyện này bóng chuyền nam Hà Nội cũng đã trải qua, trong trận Chung kết giải hạng A 2019 họ đã vượt qua Công an Tp.Hồ Chí Minh để giành quyền thăng hạng, kể từ đó đội bóng Thủ đô vẫn thi đấu rất tốt ở sân chơi cao nhất. Mấu chốt nằm ở việc các cầu thủ tập luyện, thi đấu cùng nhau trong thời gian dài và rất ăn ý, bóng chuyền nam Hà Nội không mạnh tại giải VĐQG nhưng cũng không phải là đội bóng có thể xem thường dù đối thủ là bất kỳ ai.
Dù trước mắt là những khó khăn thế nhưng việc 2 đội bóng chuyền nam/nữ Hà Nội cùng thi đấu ở sân chơi VĐQG đã là tín hiệu đáng mừng, hy vọng đó là cú hích để những doanh nghiệp yêu thể thao đặt niềm tin vào bóng chuyền Thủ đô!