Hai thập kỷ trước, bóng chuyền nam của Hà Nội thời ấy là Bưu điện Hà Nội thực sự “làm mưa, làm gió” ở sân chơi cao nhất quốc gia. Ngoài đội nữ thường xuyên so kè với Bộ Tư lệnh Thông tin thì đội nam cũng là đối trọng đáng kể với các đội bóng Quân đội. Ngay lúc ấy, Bưu điện Hà Nội được xem là hình mẫu của xã hội hóa thể thao khi doanh nghiệp Bưu điện “nuôi” đội bóng với mức kinh phí dồi dào trong khi ngành Thể thao Hà Nội cung cấp VĐV cùng một khoản hỗ trợ hằng năm.
Nhắc đến bóng chuyền nam Hà Nội, người ta thường nhớ đến đội bóng đã đạt đăng quang ngay khi giải đấu cao nhất được chuyển đổi sang mô hình giải VĐQG vào năm 2004. Đến mùa 2005, đội bóng này tiếp tục giành ngôi Á quân của giải. Tuy nhiên không lâu sau đó, đội bóng này phải ngậm ngùi xuống hạng vào năm 2008. Kể từ đó khán giả không còn được thấy hình ảnh của bóng chuyền Hà Nội oanh tạc ở giải VĐQG. Đội được trả về ngành thể thao và buộc phải làm lại từ khâu tuyển chọn và đào tạo.
Bất chấp khó khăn về mọi mặt, bóng chuyền Hà Nội với quyết tâm và nỗ lực của các nhà quản lý huấn luyện bộ môn vẫn từng bước xây dựng được một lực lượng các VĐV trẻ tài năng, đáng kể nâ là phụ công- tuyển thủ quốc gia Vũ Ngọc Hoàng.
Mất tới 10 năm ngụp lặn đầy vất vả ở giải hạng A, phải đến năm 2019, bóng chuyền nam Hà Nội mới giành được quyền thăng hạng lên chơi VĐQG. Đội đã luôn thể hiện tính đoàn kết, nỗ lực vượt khó để đạt thành tích cao, điển hình như vị trí thứ 6 ở mùa giải 2021. Đây là thành quả đáng tự hào, nhất là nhìn vào xuất phát điểm cùng điều kiện bó buộc, nhất là nguồn lực tài chính hạn hẹp đến mức khó tin.
Là một đội bóng đại diện cho Thủ đô Hà Nội tham dự giải VĐQG tuy nhiên đội bóng chuyền nam Hà Nội vẫn đang phải duy trì dựa vào ngân sách nhà nước chứ không hề có nhà tài trợ. “Hiện nay đội bóng chúng tôi có rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là chưa có một nguồn kinh phí để giúp cho đội bóng hoạt động. Bây giờ bóng chuyền cũng không hề thua kém gì các môn khác cả, xét về tính hấp dẫn thì bộ môn này chỉ thua mỗi bóng đá, người hâm mộ bóng chuyền ngày càng nhiều. Việc chuyển nhượng cầu thủ cũng như các chính sách đãi ngộ cho VĐV hiện giờ cũng rất hot và điều này đòi hỏi một đội bóng phải có kinh phí rất lớn', Trưởng bộ môn Bóng chuyền Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo ông Lợi, với đội Hà Nội, để có thể duy trì đội bóng và giành quyền thăng hạng quay trở lại giải VĐQG thì quả thật là một sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể ban huấn luyện và các cầu thủ”.
Ông Lợi cho biết hiện tại, các cầu thủ của Hà Nội nhận mức tiền ăn và tiền công tập luyện của cầu thủ chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng. Riêng tiền công chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/ tháng. Mức này thuộc diện thấp nhất so với mặt bằng chung ở giải vô địch quốc gia, khó thu hút cầu thủ giỏi từ nơi khác, cũng như giữ quân tại chỗ. Trong khi đó, cầu thủ cũng có những nhu cầu của mình, phải chăm lo cuộc sống, rồi tuổi thọ nghề nghiệp cũng không dài nên mọi chuyện càng khó.
Nhưng để tìm được nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho các cầu thủ thì không thể chỉ trông vào nguồn ngân sách. Vấn đề giờ nằm ở việc tìm được những doanh nghiệp có thể đồng hành với đội bóng. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội không thiếu những doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, càng không thiếu những doanh nghiệp có niềm đam mê với thể thao. Tuy nhiên việc tìm kiếm một nhà tài trợ cho bóng chuyền nam Hà Nội lại đang khó ngang “mò kim đáy bể”.
“Thẳng thắn mà nói, nếu như Hà Nội có được nhà tài trợ và sự đầu tư tốt thì chắc chắn là Hà Nội đã có thể lên hạng sớm hơn chứ không phải mãi đến năm 2019. Sau khi lên hạng, chúng tôi có nhiều mục tiêu, thế nhưng khi nhìn vào vấn đề kinh tế, toàn đội cũng chỉ biết lực bất tòng tâm.
Nhiều khi cũng muốn tìm kiếm các cầu thủ mới giúp cho đội bóng có những thành tích cao hơn nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước thì khó mà có cầu thủ nào sẽ nhận lời về đầu quân cho Hà Nội, nhất là khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang rất hot, mặt bằng chung lương cầu thủ cũng đang khá cao", ông Lợi thẳng thắn nhìn nhận.
Ngoài sự thiếu kinh phí, bóng chuyền Hà Nội còn lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi không có được trang thiết bị tập luyện cũng như thi đấu. Vào mỗi mùa giải, thay vì được lo chu toàn mọi thứ từ trang phục thi đấu, toàn đội phải tự bỏ tiền túi ra đóng góp để mua quần áo thi đấu. Ngoài ra, ban huấn luyện cùng các cầu thủ cũng góp tiền vào để bổ sung trang thiết bị tập luyện. Vào thời điểm chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, các cầu thủ của Hà Nội còn đi thi đấu thuê tại các giải hội làng để kiếm thêm thu nhập.
Khó khăn chồng chất khó khăn là thế, nhưng ban huấn luyện và các cầu thủ vẫn luôn miệt mài, cố gắng tập luyện, tập trung thi đấu hết sức có thể. Tại giải VĐQG 2021, chúng ta đã thấy một Hà Nội kiên cường đã đánh bại Đương kim Á quân của mùa giải là TP Hồ Chí Minh ở vòng 1, sau đó vào vòng chung kết tiếp tục đánh bại đội bóng mang tên Bác trong trận phân thứ hạng và xuất sắc giành vị trí thứ 6 chung cuộc.
Trên thực tế, với việc cầu thủ thì chật vật với mức lương ít ỏi, ban huấn luyện thì trăn trở với bài toán kinh phí nan giải, khả năng giữ quân của đội cũng ngày càng khó khi một số cầu thủ Hà Nội hiện nay cũng đang được nhiều đội khác quan tâm.
Nhìn vào sự thể hiện của Hà Nội tại giải VĐQG năm nay, khán giả có thể thấy được đội bóng này đang dần lấy lại phong độ và hình ảnh của mình trong những năm đầu của thập niên 2000. Đó là tín hiệu mừng nhưng cần phải có bước đột phá cùng chiến lược dài hơi cho một đích nhắm trở lại đỉnh cao. Trong đó, điều quan trọng, bóng chuyền Hà Nội rất cần sự quan tâm, hợp tác của những nhà tài trợ thật sự có tâm huyết, tiềm lực và tầm nhìn.