"Bóng chuyền nữ Hàn Quốc vào đến bán kết Olympic Tokyo 2021. Nhưng hai năm sau, nó trở thành "câu chuyện của hàng xóm". Tại giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á, họ chỉ đứng 6/14 quốc gia tham dự. Bóng chuyền nữ Hàn Quốc từng được xếp vào tốp 4 thế giới nhưng thậm chí còn không lọt nổi vào top 4 châu Á. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc không thể vào bán kết giải vô địch châu Á kể từ năm 1975.
Vòng sơ loại bóng chuyền nữ Olympic Paris 2024 đang được tổ chức ở Ba Lan. Song không nhiều quan chức bóng chuyền tin Hàn Quốc giành được vé tới Paris năm sau. Triển vọng tại ASIAD Hàng Châu cũng không mấy sáng sủa. Lần duy nhất bóng chuyền nữ Hàn Quốc không giành được huy chương tại ASIAD là ở Doha 2006 (hạng 5). Việc "nữ hoàng bóng chuyền" Kim Yeon-koung lúc đó mới 18 tuổi được triệu tập lên ĐTQG, dù tình trạng sức khỏe chưa tốt sau khi phẫu thuật đầu gối, bị cho là gốc rễ của vấn đề. Giờ, ở thời điểm năm 2023, bóng chuyền nữ Hàn Quốc đang gặp khó khăn khi chưa thể tìm ra giải pháp cho thời kỳ "hậu Kim Yeon-koung".
Kim Yeon-koung đã tuyên bố giã từ đội tuyển sau Olympic Tokyo. Kim Su-ji và Yang Hyo-jin, nhưng thủ lĩnh khác của ĐTQG cũng nói lời chia tay. HLV Stefano Lavarini cũng ra đi, và trợ lý của ông là Cesar Hernandez Gonzalez (46 tuổi, người Tây Ban Nha) được bổ nhiệm thay thế.
Kể từ đó, Hàn Quốc thua cả 24 trận tại VNL trong 2 năm. Tính cả giải vô địch châu Á, Hàn Quốc có thành tích thảm hại khi chỉ có 5 trận thắng và 31 trận thua (tỷ lệ thắng 13,9%) trong 36 trận. Họ đánh bại Croatia ở trận cuối vòng bảng giải vô địch thế giới năm ngoái, và 4 trận thắng còn lại là trước Đài Bắc Trung Hoa (xếp thứ 45 thế giới), Uzbekistan (81), Australia (63) và Ấn Độ (65) tại giải châu Á. Thứ hạng trên BXH thế giới của Hàn Quốc cũng vì thế thay đổi theo chiều đi xuống, từ 14 xuống 36 và thấp hơn bóng chuyền nam (27).
Nguyên do chính được cho là nằm ở HLV Cesar Hernandez. Tác giả dẫn lời một bình luận viên: "Ông ấy thậm chí không thể xắp sếp một đội hình xuất rõ ràng trong hàng chục trận đấu kể từ khi Kim Yeon-kyung nghỉ, tôi không thể không đặt câu hỏi về khả năng huấn luyện của Gonzalez. Việc bổ nhiệm HLV ngước ngoài và HLV toàn thời gian cần được xem xét lại ngay từ đầu. Sẽ là một quan điểm hay nếu HLV một CLB chuyên nghiệp trong nước đồng thời làm HLV trưởng ĐTQG như trước đây".
Các VĐV cũng không thể không chịu trách nhiệm. Một trọng tài chia sẻ: "Dường như các VĐV không có sự tập trung, toàn tâm toàn ý". Mức lương trung bình hàng năm của các nữ VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp tại Hàn Quốc đã tăng lên hơn 152 triệu won (gần 2,8 tỷ đồng) tính đến mùa 2023-24, do vậy một số người cho rằng các tuyển thủ không thấy nhiều lợi ích khi tham gia các giải đấu quốc tế. Cũng có ý kiến cho rằng cần có "sự đền bù" cho các VĐV khi phục vụ cho ĐTQG.
Có một số nêu quan điểm nên thành lập hai đội tuyển, A và B. Nếu đội A tham dự vòng sơ loại Olympic thì đội B sẽ tham dự ASIAD. Điều này giúp các đội có được sự chuẩn bị trong một thời gian dài. Vấn đề của bóng chuyền nữ Hàn Quốc là ngân sách. Hiệp hội bóng chuyền Hàn Quốc chủ yếu dựa vào Quỹ xúc tiến thể thao quốc gia do vậy bổ sung kinh phí cho hoạt động của đội B không dễ. "Ngay cả trong bóng đá cũng có nhiều nguồn thu khác nhau như tài trợ, quyền phát sóng và phí tham gia. Hiệp hội bóng chuyền cần nghĩ cách tăng doanh thu, chẳng hạn dùng hình ảnh ĐTQG để tiếp thị", một lãnh đạo của một CLB chuyên nghiệp nhận định.
Sự quản lý chia tách của các tổ chức bóng chuyền Hàn Quốc cũng được cho là một khó khăn. Hiện tại ĐTQG đang được Hiệp hội bóng chuyền quản lý; trong khi giải vô địch bóng chuyền chuyên nghiệp V.League do Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc (KOVO) điều hành dẫn đến việc không có sự thống nhất về lịch thi đấu. "Một số quốc gia giảm lịch thi đấu trong nước trước Olympic. Vấn đề ở đây là chúng ta có thể cải thiện thành tích đội tuyển quốc gia hay không" - một người đại diện của VĐV nước ngoài bình luận.
Một số lại cho rằng việc không thành lập đội B vì tình trạng bóng chuyền trẻ chưa phát triển. Tính đến năm ngoái, số đội bóng chuyền nữ trẻ ở Hàn Quốc là 21 trường trung học cơ sở và 18 trường trung học phổ thông. Chỉ có 271 VĐV chơi cấp hai, và 204 chơi ở cấp ba. Trong khi đó tại Nhật Bản, có 6.741 đội cấp trung học cơ sở và 3.534 đội cấp trung học phổ thông. Số đội tham dự VCK giải vô địch bóng chuyền trung học Nhật Bản là 52 - gấp gần 3 lần đội trung học nữ Hàn Quốc. Và Nhật Bản hiện đang xếp thứ 8 thế giới.
Việc tăng số lượng đội bóng chuyền trường học trong thời gian ngắn không hề dễ dàng. Ngoài ra, bắt đầu từ mùa giải mới KOVO quyết định áp dụng "hạn ngạch châu Á", cho phép các CLB chuyên nghiệp giữ lại thêm VĐV châu Á ngoài các VĐV nước ngoài hiện đang sở hữu. Việc đưa ra quy định này, theo KOVO, vì các CLB phàn nàn "quá khó để tìm VĐV trẻ có tiềm năng" tại các đội bóng trường. Một HLV của CLB chuyên nghiệp cho biết: "Có quá nhiều tân binh thiếu những kỹ năng cơ bản. Số lượng ứng cử viên có thể được chọn ở vòng đầu tiên của đợt tuyển tân binh đang giảm dần".
Điều quan trọng nhất, theo tác giả, là những người làm bóng chuyền Hàn Quốc cần đặt ra mục tiêu dài hạn. LĐBC Brazil đang thực hiện dự án chuẩn bị cho Olympic 2028 và 2032. Khi ĐTQG nam và nữ Brazil, từng mạnh nhất thế giới, bị rơi xuống vị trí thứ 4 trên BXH thế giới, LĐBC nước này đặt mục tiêu 10 năm tìm lại vinh quang. Trong khi bóng chuyền Hàn Quốc chỉ tập trung cho giải đấu trước mắt. "Thay vì nghĩ đến việc thay đổi điều gì đó chỉ sau một đêm, chúng ta cần hiểu xu hướng của bóng chuyền thế giới và đưa ra kế hoạch dài hạn có tính đến thực tế và đặc điểm của bóng chuyền Hàn Quốc" - HLV đội chuyên nghiệp G nhấn mạnh.