Phần lớn thời gian, Ánh Viên tập một mình một hồ bơi. Về nhà cũng chỉ 2 thầy trò 24/7. Hàng xóm cũng không quen. Phải có một nghị lực kinh khủng mới chịu được sự cô độc đó.
Kín đáo, tách biệt và ở xa
Trong các kỳ đại hội thể thao, do bơi là môn thi đầu tiên, ngay hôm sau ngày khai mạc, nên chưa bao giờ thầy trò Ánh Viên tham gia diễu hành, phải tập trung cho chuyên môn.
Khi thi đấu, hầu như ở các đại hội, Ánh Viên phải kiểm tra doping, nên thường ban huấn luyện phải chủ động thời gian, không theo lịch chung của cả đoàn thể thao được. Ngoài ra do phải nghỉ ngơi giữa các trận đấu để hồi sức nên hầu như các cuộc phỏng vấn chỉ tập trung tại bể bơi sau khi kết thúc ngày đấu.
Ánh Viên trải qua quãng thời gian thanh xuân "khắc nghiệt" cùng sự cô độc trên đường đua. Ảnh: Trung Thu
Và khi kết thúc giải đấu thì nhiều lắm là có một cuộc giao lưu trực tuyến ngay tại khách sạn. Không phải kênh kiệu, nhưng thi đấu ở những môn căng thẳng và với mật độ dày đặc như bơi, việc ít tiếp xúc với người lạ giúp cho vận động viên có sự cân bằng, ổn định tốt hơn.
Và thực tế, một phóng viên chẳng thể giúp một vận động viên bơi nhanh hơn, không thể giúp một vận động viên giành được huy chương vàng. Thậm chí, đôi khi còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của vận động viên trước khi bước vào cuộc đấu.
Ánh Viên khá rụt rè khi nói về những chuyện riêng tư trước đám đông. Có một lần giao lưu với người hâm mộ, khi yêu cầu nêu ba điểm nổi bật trong tính cách, cô chỉ nêu được một điểm là "vui vẻ". "Có hiền lành không?" - "Dạ không". "Có ít nói không?". Lắc đầu. "Ngoài bơi lội còn thích môn thể thao nào khác không?" - "Dạ, không thích môn nào khác". "Trong tương lai sẽ làm gì?" - "Dạ, chắc em đi học về làm huấn luyện viên".
Nhưng với đồng đội thì lại khác, ông Tuấn nói Ánh Viên rất năng động, hiếu kỳ, hay trêu đùa mọi người, luôn là tâm điểm của các trò vui trong đội, song không bao giờ tỏ vẻ "ngôi sao".
Một cô gái hoàn toàn đơn giản, có thể gọi là đơn giản nhất trong những người được coi là nổi tiếng. Không xài son phấn. Không thích áo váy cầu kỳ. Thích mặc áo thun, quần ngắn, trang phục thể thao. Thỉnh thoảng được thầy chở đi shopping, chỉ chúi mũi vào hiệu giày thể thao. Sách có mấy cuốn đọc tới đọc lui, nhưng cũng không có nhiều thời gian để đọc.
Có vẻ bắt đầu "người lớn" khi thôi thích màu đỏ để chuyển qua tông màu trắng đen. Nói ở thích ở Việt Nam hơn vì có nhiều bạn, nhưng cũng vì thế mà xao lãng công việc của mình, nên ở Mỹ thì tốt hơn. Còn hỏi về mẫu bạn trai lý tưởng - "Dạ, hiền lành, ít nói là tốt rồi".
Thật ra, vì sống khá kín đáo, tách biệt, ở xa nên Ánh Viên không gặp rắc rối nào với giới truyền thông. Mặt khác, bơi lội cũng không đình đám như các môn thể thao khác như bóng đá.
Trong giới bơi lội thế giới, có lẽ Ian Thorpe là người chịu nhiều sức ép nhất vì bơi là "môn thể thao quốc dân" ở nước Úc. Ở đất nước rất rộng nhưng chỉ có 24 triệu dân này, người ta có thể thấy các vận động viên bơi đầy trên các biển quảng cáo ngoài đường, hay trong các đoạn phim quảng cáo trên truyền hình.
Ian Thorpe từng có ý định tự tử vì bị truyền thông Úc soi mói về chuyện đồng tính.
Trẻ em Úc muốn lớn lên trở thành vận động viên bơi, giống như ở Mỹ, trẻ em muốn lớn lên trở thành cầu thủ bóng bầu dục. Ở Úc, bơi thường là chủ đề hàng đầu ở các bản tin tối, không phải là trong bản tin về thể thao, mà toàn bộ bản tin thời sự.
Hình như cả nước Úc đều bơi. Trong vài thập niên, Úc luôn giành huy chương vàng ở các kỳ Olympic. Năm 2000, khi Olympic tổ chức ở thành phố Sydney, bạn không thể băng qua đường phố Sydney mà không thấy hình Thorpe trên các biển quảng cáo, không thể xem tivi mà không thấy Thorpe. Anh tham gia quảng cáo mọi thứ, từ hàng không, ngân hàng, xe hơi, đồng hồ đến đồ lót. Ở Úc, Thorpe là ngôi sao của các ngôi sao.
Bơi là môn thể thao cô độc kinh khủng, phần nhiều thời gian bạn dùng để đếm những ô gạch dán đáy hồ bơi, bạn không thể giao tiếp với những người đồng nghiệp của mình như ở các môn thể thao khác".
- vận động viên Michael Delaney
Một lần, một tờ báo ở Sydney tổ chức trưng cầu "Bạn muốn mời ai đến nhà vào đêm Giáng sinh nhất?". Thorpe xếp thứ nhất, Thủ tướng John Howard thứ nhì, minh tinh Nicole Kidman thứ ba, tài tử Russell Crowe thứ tư. Một lần, tay bơi Grant Hackett thông báo sẽ mở cửa tự do cho người khác vào xem anh tập. 5h30 sáng, trời mưa, vậy mà khi Hackett đến bể bơi, đã có đầy người trên khán đài.
Thorpe nói anh dừng bơi cuối năm 2006, khi mới 24 tuổi, không phải vì anh không thích bơi nữa. Anh cảm thấy sự nghiệp của mình bị tước đoạt bởi giới truyền thông, anh không kiểm soát được những gì anh làm bên ngoài hồ bơi.
Anh cảm thấy mình như chú hải cẩu biểu diễn trong công viên nước. Những phóng viên ảnh đứng trên con đường về nhà anh, nhòm ngó qua hàng rào; những nhà báo hỏi đi hỏi lại những câu hỏi về bản năng tính dục của anh, chỉ bởi anh không cho họ câu trả lời mà họ muốn có.
Khi Thorpe 16 tuổi, một nữ nhà báo khá quen thân với gia đình anh, hỏi anh: "Có phải cậu là người đồng tính?". Tại sao người ta có thể hỏi thế với một người còn ở tuổi vị thành niên, đến lúc đó, Thorpe còn chưa từng gặp một người đồng tính nào. Nữ nhà báo lúng túng giải thích rằng, áp lực từ ông chủ tờ báo dội xuống buộc cô phải tìm câu trả lời cho câu hỏi "được dư luận quan tâm" đó.
Năm 2010, Thorpe luyện tập để thi đấu trở lại. Anh phải chọn tám hồ bơi quanh Sydney để xoay vòng cho các buổi tập của mình nhằm tránh sự tọc mạch từ bên ngoài. Nhưng cuối cùng, không thoát khỏi sự săn đuổi từ truyền thông, anh phải tới tận Thụy Sĩ để tập luyện.
Thorpe đã từng có ý định tự tử, hậu quả của quá trình trầm cảm kéo dài. Sự trầm cảm có tỷ lệ cao ở các vận động viên hàng đầu, vì cả thể lực và tâm lý của họ đều phải chịu một áp lực rất lớn thường xuyên.
Tháng 12/2016, một nghiên cứu được tiến hành bởi khoa tâm lý thể thao thuộc trường Đại học kỹ thuật Munich (Đức) chỉ ra rằng các vận động viên chơi môn thể thao cá nhân có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn các vận động viên chơi môn thể thao tập thể, bởi họ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về thất bại. Tỷ lệ vận động viên có triệu chứng trầm cảm chiếm 20%, trong khi tỷ lệ trung bình của xã hội là 7%.
Đầu năm 2016, trường Đại học tổng hợp Drexel ở bang Pennsylvania, Mỹ công bố khảo sát chọn mẫu của họ, cho thấy gần 30% vận động viên nữ mắc chứng trầm cảm, so với tỷ lệ 18% vận động viên nam.
Bơi là môn thể thao giúp giải tỏa sức ép, sự trầm cảm. Được nước vỗ về, an ủi, ai cũng thích thú và cảm thấy thanh bình. Nhưng đó là với người thường. Còn với vận động viên, bơi mang tới sức ép rất lớn. Rất nhiều vận động viên bơi hàng đầu đã bị trầm cảm, như Allison Schmitt, Amanda Beard, Leisel Jones, Petria Thomas, Geoff Heugill, Katy Sexton...
Video - Nguyễn Thị Ánh Viên thất bại ở nội dung 400m hỗn hợp chung kết ASIAD 2018
Sự trầm cảm không chỉ đến từ áp lực thành tích, hơn thua nhau từng phần trăm giây, mà nó còn đến từ sự cô đơn thường trực. Michael Delaney, vận động viên người Australia từng giành huy chương Olympic Los Angeles 1984 nói rằng: "Bơi là môn thể thao cô độc kinh khủng, phần nhiều thời gian bạn dùng để đếm những ô gạch dán đáy hồ bơi, bạn không thể giao tiếp với những người đồng nghiệp của mình như ở các môn thể thao khác".
Ánh Viên cũng vậy, phần lớn thời gian, cô tập một mình một hồ bơi. Rồi về nhà, cũng chỉ hai thầy trò. Người ta lâu lâu gặp nhau một lần thì đơn giản, đằng này chỉ hai thầy trò 24/7. Đến nhà kế bên chung cư cũng chỉ biết vậy thôi, chứ không nói chuyện.
Phải có một nghị lực kinh khủng mới chịu được sự cô độc đó. "Nữ hoàng đường đua xanh Việt Nam" thập niên 1980 Nguyễn Kiều Oanh có lần tâm sự lúc nhỏ chị rất thích bơi, lên 16 tuổi bắt đầu thấy chán, còn 21 tuổi thì chán cùng cực, nhìn thấy nước là ớn.
Nguyễn Kiều Oanh kể: "Thầy trên bờ cứ hò hét thúc giục như cháy nhà, còn trò dưới hồ thì cứ ngó lơ". Bà Oanh sau này kết hôn với ông Đỗ Trọng Thịnh, huấn luyện viên đội tuyển bơi quốc gia, họ có hai người con trai, không ai theo nghiệp cha mẹ. Cậu lớn chơi quần vợt giải trí, cậu em thích bóng rổ dù có năng khiếu về bơi. Mỗi lần nhắc đến chuyện bơi, cậu em gắt: "Con ghét nhất cái hồ bơi của mẹ".
|