Hơn một thập kỷ xa con và ước mơ giản dị đến rơi nước mắt của bố Ánh Viên

Trần Khánh
thứ hai 22-11-2021 6:16:16 +07:00 0 bình luận
Ông Nguyễn Văn Tác, bố Ánh Viên thổ lộ ước mơ khiến bất cứ ai cũng phải rơi nước mắt sau hơn 10 năm, con gái biền biệt xa nhà để lập nên những kỳ tích vô song cho thể thao Việt Nam.

“Viên về khi nào, gia đình cũng không biết nữa”

“Cả nhà vừa vui, vừa tiếc cho Viên nhưng cháu lớn rồi, có thể tự quyết được tương lai của mình”, ông Tác giãi bày với quyết định của Ánh Viên khi rời đội tuyển bơi quốc gia để trở về Cần Thơ tập luyện.

Ánh Viên trở lại Cần Thơ tập luyện sau hơn 1 thập kỷ biền biệt xa nhà.

Hơn 1 thập kỷ qua, Viên xa nhà biền biệt. Siêu kình ngư 25 tuổi này hết tập huấn nước ngoài lại thi đấu quanh năm. Cứ thế, quãng thời gian dành cho gia đình ít dần. Với bậc sinh thành, ông Tác cùng vợ ít có cơ hội chăm sóc con cái. Thứ cảm xúc hỗn độn, dằn vặt bấy lâu nay như được giải tỏa khi Viên trở lại nơi “chôn rau cắt rốn”.

Nay, Viên về gần nhà, ông Tác cũng như gia đình mong ngóng tin con trở lại Cần Thơ. Ấy thế, sự rụt rè, ngại ngùng và cũng là thói quen vốn hình thành một cách tự nhiên khi xa con lâu năm, ông Tác không bận tâm khi nào Viên trở về. 

Ông bảo: “Tối hay chiều nay (ngày 21/11) nghe nói nó về mà không biết về cách nào. Tôi chưa nắm được lịch nữa. Tôi cũng không biết cháu có cách ly hay không. Chúng tôi xem như cháu đi làm nhiệm vụ, cũng quen rồi, về được gần nhà là vui rồi”.

Viên xa gia đình từ thuở là cô bé thiếu niên mới 14 tuổi. Viên là chị cả trong gia đình, người con hết mực thương yêu của bố mẹ, người cháu hiếu thuận với ông bà. Nhưng gạt nỗi niềm riêng, Viên lên đường để bắt đầu hành trình đến với môn bơi lội.

Được đánh giá giàu tiềm năng và sớm phát lộ tài năng từ sớm, Viên trở thành ngôi sao của thể thao Việt Nam. Gắn mác ngôi sao tiềm năng cũng là lúc, Viên phải đánh đổi nhiều thứ. Cô gái miền sông nước sớm rời xa vòng tay gia đình để bước vào ngày tháng cật lực tập luyện, tập huấn nước ngoài triền miên và thi đấu hàng trăm giải lớn nhỏ khác nhau.

Đó cũng là lúc, khoảng cách giữa Viên và gia đình càng xa theo thời gian. Cứ thế, ông Tác cùng vợ cũng dần chai sạn với thứ cảm xúc nhớ con. Ông thổ lộ: “Cha mẹ nào cũng nhớ khi con cái đi xa, 12 năm luôn mà. Con về gần nhà thấy vui lắm. Hồi đó nó đi, một năm gặp trực tiếp một lần còn chủ yếu nói chuyện qua zalo nhưng riết rồi cũng quen.

Tôi với bà nhà cứ tự nhủ, con mình đi như kiểu đi lính, làm nhiệm vụ vì Tổ quốc nên gác bỏ chuyện thương nhớ, kìm ném lại cảm xúc để con yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Tác hy vọng, Viên sẽ có nhiều thời gian dạy lại em trai Quang Thuấn khi hai chị em có cơ hội tập luyện gần nhau.

Ông Tác tâm niệm: “Mình nghĩ thế cho đơn giản”. Với ông Tác, ông luôn hướng đến mọi chuyện một cách nhẹ nhàng nhất. Thời điểm căng thẳng chuẩn bị cho các đấu trường lớn, Viên ít gọi và mỗi lần gọi, ông cũng chỉ dám hỏi thăm vài ba câu, động viên con. Ông luôn gác nỗi niềm riêng để Viên có được sự ủng hộ tốt nhất từ gia đình.

Ước mong giản dị của người bố nông dân về cô con gái “tỷ phú”

Hơn 10 năm qua là quãng thời gian ông Tác cùng gia đình đã quá quen với cuộc sống không có Ánh Viên bên cạnh. Tất cả đều tự mình chôn giấu cảm xúc. Mọi người đặt cảm xúc, công việc của Viên lên hàng đầu. 

Kể cả khi Viên quyết định từ giã đội tuyển quốc gia, lời khuyên tốt nhất của ông Tác là ủng hộ quyết định đó. “Trước khi nghỉ, cháu không tâm sự gì nhiều. Cháu bảo tập luyện không nổi nữa nên xin nghỉ. Thể trạng, thể lực chỉ cháu mới biết rõ, mình ở nhà không biết gì cả. Gia đình tôn trọng ý kiến cháu, lúc nào cũng ủng hộ cháu”, ông Tác trải lòng.

Ông Tác vẫn gắn bó với công việc đồng áng dù con gái là "tỷ phú" của thể thao Việt Nam.

Đằng sau quyết định đó của con gái, vốn tính thật thà, chân chất, ông Tác không giấu được nỗi niềm: “Cháu đi lâu quá, thấy cháu nghỉ, gia đình cũng mừng. Ông bà cũng thấy vui vì gần cháu hơn”.

12 năm thi đấu, Viên gặt hái vô vàn huy chương danh giá. Cùng với đó là các khoản tiền thưởng lớn. Ánh Viên có thể được xem là “tỷ phú” về thu nhập của thể thao Việt Nam. Thế nhưng, với ông Tác, ông luôn giữ nếp sống của một nông dân chính hiệu, đã quá quen với gia đình.

Ông cùng vợ vẫn gắn bó với công việc đồng áng. “Sáng đi làm, trưa về ăn cơm, chiều đi làm tiếp. Cứ thế, hằng ngày hai vợ chồng vẫn cuốc đất, trồng cây, làm cỏ,… Chúng tôi vui vì công việc đó”, ông Tác thổ lộ.

Tính thật thà, vô lo vô nghĩ đến nỗi, ông Tác cũng không nhớ Ánh Viên đang học đại học năm mấy. Nhưng với ông, dù sao con đường đại học cũng là con đường sáng. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ông Tác chỉ mong sao, Viên luôn đúng với quyết định của mình.

“Vợ chồng làm vườn cũng không biết nhiều. Tôi chỉ mong sao, khi học xong, Viên sẽ tìm ra hướng đi hợp lý cho mình. Viên còn trẻ, tự định hướng được tương lai cho mình, gia đình luôn ủng hộ. Cuộc sống mà, có nhiều ngã rẽ, mong sao ngã rẽ này tốt hơn cho cháu”, ông Tác ước mong.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm