Ngày 18/11/2021, Thanh Vũ, cô gái Việt Chạy Vượt Sa Mạc ngày nào đã thực hiện thử thách Ultra Swim - bơi 31km mừng sinh nhật tuổi 31 trong 17 tiếng 24 phút. Thanh được biết đến là cô gái có sức khỏe bình thường nhưng tinh thần phi thường, luôn chăm chỉ luyện tập và chọn những thử thách siêu khó để tạo những cú hích cho bản thân.
1 tiếng rưỡi trong bể bơi lúc gần nửa đêm cảm giác như 2-3 tiếng bình thường
Bắt đầu bơi từ 6:28 sáng tới 23:52 tối (17 giờ 24 phút), tổng thời gian Thanh nghỉ ngơi để nạp năng lượng và đi vệ sinh là tầm 1 giờ 20 phút. Để tiết kiệm thời gian, đôi khi cô phải nhai nốt đồ ăn khi ở dưới nước. “Mình nghe nói các bạn chuyên bơi đường dài còn có thể vừa ăn vừa uống trong lúc bơi mà không hẳn là phải tạm ghé vào thành bể bơi như mình. Chưa tưởng tượng ra là nó như thế nào nhưng chắc chắn là tiện hơn. Khúc cuối 1 tiếng rưỡi trong bể bơi lúc gần nửa đêm cảm giác như 2-3 tiếng bình thường”.
Bơi 31km để bứt phá bản thân khỏi sự trì trệ
Chia sẻ về ý tưởng bơi 31km mừng sinh nhật, Thanh cho biết:
"Thực ra đây là ý tưởng từ năm ngoái khi đại dịch đang diễn ra. Đầu năm 2020, Thanh đi MRI đầu gối và bác sĩ có nói là hai gối của Thanh đang bị nhuyễn sụn ở cấp độ 2 và 3, nên tránh các hoạt động có tác động mạnh. Bơi có lẽ là một lựa chọn tốt nhất.
Thanh bơi không tốt nhưng cần duy trì sức bền nên đã ấp ủ dự kiến bơi 30km làm mục tiêu cho năm 2020. Tuy nhiên phải đợi tới sau đợt lockdown vừa rồi, khi cảm thấy cần có một sự bứt phá ra khỏi sự trì trệ thì ý tưởng năm ngoái mới trỗi dậy một lần nữa.
Sau khi thành phố bắt đầu “mở” dần vào tháng 10, Thanh quyết định chuyển qua chung cư mới có thể đáp ứng nhu cầu luyện tập của mình. Ngoài việc chung cư có bể bơi chuẩn 50m thì đó còn là bể nước ấm và muối khoáng, rất có lợi khi bơi từ sáng tới tối".
Nói về việc chuẩn bị cho sự kiện này, Thanh tâm sự: “Đây thực ra không phải là sự kiện. Nó đơn thuần chỉ là một mục tiêu cá nhân được đặt ra để đẩy bản thân ra khỏi vòng an toàn”.
Bơi chậm và chưa đúng kỹ thuật nhưng áp dụng logic đơn giản
Trải lòng thêm về thử thách của mình, cô gái Chạy Vượt Sa Mạc nói:
“Thanh thực tế còn bơi chậm và chưa đúng kỹ thuật nên cũng không cảm thấy tự tin để chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên để vượt qua tâm lý đó, Thanh tiếp cận với mục tiêu này khá đơn giản.
Nếu bơi tốc độ 2km/h trong bể bơi thì Thanh có thể duy trì trong một thời gian dài. Thanh thường bơi 4km vào bất cứ ngày nào mà không cảm thấy quá mệt. Bên cạnh đó Thanh lại áp dụng cái logic đơn giản và ngốc nghếch mà mình đã áp dụng vào lần đầu tiên chạy 100km. Nếu Thanh có thể chạy 21km trong 2h30 với cảm giác khá là thoải mái thì 100km chỉ là 20 x 5 lần.
Mỗi lần xong 20km, Thanh có thể nghỉ ngơi tầm 30 phút cho lại sức. Người ta hay nói “điếc không sợ súng” là đúng thật vì lần đó Thanh chỉ hoàn thành 100km trước cut-off 18h có tầm 10 phút và đến km thứ 70 thì Thanh đã phải dùng tay kéo chân đi từng bước rồi.
Thanh cố nghĩ 31km là gần 8 lần 4km thôi, nhưng cũng biết là cũng có thể đây là câu chuyện tấu hài phiên bản bơi của lần chạy 100km đầu tiên. Tất nhiên từ lần đầu tiên đó đến nay Thanh đã có nhiều kinh nghiệm hơn về các thách thức sức bền, cách nạp năng lượng để duy trì sức trong thời gian dài. Vì đây là thử thách cá nhân nên Thanh cho phép bản thân mỗi một tiếng nghỉ tận 5 phút để nạp năng lượng và sử dụng nhà vệ sinh nếu cần”.
Bất ngờ vì sự cổ vũ và hỗ trợ nhiệt tình từ… hàng xóm
Với sự kiện mừng sinh nhật này, lúc đầu Thanh không định nói với ai nhưng sau đó vì sợ bác bảo vệ lo nên có nói với một người hàng xóm. Không ngờ sau đó nhiều cư dân đã biết và nhiệt tình hỗ trợ. Có cả Nhật và Duy - các vận động viên từng vô địch quốc gia và SEA Games môn bơi lội để ý trông chừng Thanh. Mặc dù Thanh bơi tới gần nửa đêm, vẫn có nhiều hàng xóm đợi, cổ vũ nhiệt tình, chúc mừng sinh nhật, tặng hoa.
Nhìn thì đúng là tưởng đây là sự kiện được sắp xếp trong nhiều ngày nhưng tất cả mọi thứ đều chỉ diễn ra trong ngày hôm đó. Lúc đầu Thanh cảm thấy hơi ngại và xấu hổ vì thực sự Thanh không tự tin về kỹ thuật cũng như tốc độ bơi của mình, nhưng sau đó mọi người ủng hộ nhiệt liệt quá, Thanh cũng cảm thấy được truyền động lực.
Nạp năng lượng cho Ultra Swim
Vì bơi rất khó nạp năng lượng nên Thanh Vũ quyết định phải ăn ngon cho tâm lý thoải mái. Do đó Thanh đã chuẩn bị một số thực phẩm mà Thanh thích, dễ tiêu, nạp năng lượng từ tối hôm trước. Trong ngày bơi thì dùng 800g trail mix (hỗn hợp hạt hạnh nhân, hạt macca, hạt điều, nho khô, xí muội, xoài khô, dừa sấy, hạt bí ngô, hạt hướng dương), 4 chả giò khoai môn, 3 gói Perpetuem, chanh muối, bột mía, bột gừng sấy khô pha nước. Mỗi tiếng nạp năng lượng một lần.
Thanh cũng chia sẻ: vì cơ thể hoạt động ở cường độ vừa phải nên đa phần là không có vấn đề gì cả. Chỉ có khoảng 3-4km cuối thì vai phải bị nhói đau một chút có lẽ là do lúc với người lên thành bể để lấy chai nước đã tì mạnh lên vai phải. Ngày hôm sau Thanh đi laser, vật lý trị liệu ở ACC và nghỉ một ngày thì ngày tiếp theo chị đã có thể tập luyện lại.
Điều mà Thanh bất ngờ nhất là mắt bị sưng. Ban đầu cứ ngỡ là do mắt kính hút chặt trong thời gian lâu quá nhưng cũng có khả năng là bị kích ứng với một cái gì đó từ trước, vì trước đó Thanh cũng bơi nhiều tiếng dưới bể bơi với điều kiện giống như vậy mà không có phản ứng gì lạ.
Một phản ứng khác là da bị khô đi rất nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu khi ở trong bể bơi lâu như vậy. Những phản ứng đó thì thiên về diện mạo hơn là thể chất. Cơ bản là thân thể và sức khỏe đều ổn.
Thanh cũng rất bất ngờ khi mọi người sắp xếp cả bác sĩ của American International Hospital ghé qua để ngay khi cô hoàn thành thì có thể kiểm tra thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim và nhịp thở, bảo đảm cô ở trạng thái ổn định trước khi về nghỉ ngơi. Đúng là đoạn cuối mừng rơi nước mắt nhưng không phải là do mệt (cười).
Cơ thể và ý chí con người có khả năng thích ứng rất là tuyệt vời
Nói về lời khuyên cho các VĐV khác khi tham gia những thử thách tương tự, Thanh Vũ phát biểu:
“Cơ thể và ý chí con người có khả năng thích ứng rất là tuyệt vời. Chúng là một bộ máy rất thông minh và nếu như mình chú ý lắng nghe thì mình có thể sử dụng chúng rất tốt, bứt phá nhiều giới hạn. Thanh nghĩ thực ra hiện tại trong cộng đồng những người Việt Nam yêu thích các thách thức sức bền để khám phá bản thân và thế giới thì có nhiều người hoàn toàn có thể thực hiện được những chặng bơi dài như thế này, hay thậm chí còn xa hơn nhiều nữa.
Vì thực tế là Thanh vẫn khá là tự ti về khả năng bơi của mình. Lúc đầu khi mọi người tới cổ vũ, Thanh cảm thấy rất áp lực vì sợ mọi người đánh giá mình bơi kém, bơi sai. Nhưng điều quan trọng có lẽ là cho phép bản thân có cơ hội được tò mò, được thử thách. Và có lẽ dù tự ti đến đâu, nếu chúng ta đã quyết định tiến tới với thử thách thì chúng ta cũng hãy học cách chia sẻ và tiếp nhận sự hỗ trợ của mọi người xung quanh. Đúng là các thử thách sẽ vui hơn nhiều khi nó được chia sẻ cùng mọi người”.
Về kế hoạch sắp tới, Thanh Vũ hy vọng sụn ở hai khớp gối của mình sẽ phục hồi nhanh và mọi thứ cũng trở lại bình thường sau đại dịch.
“Thanh đã gửi đăng ký tham gia giải Deca-triathlon của SwissUltra và vẫn đang đợi kết quả. Một người bạn trong những giải chạy sa mạc của Thanh đã từng tham gia 10 Ironman trong 10 ngày liên tục của SwissUltra trong năm 2019 có chia sẻ rằng đó là một trải nghiệm rất sâu sắc và khuyến khích Thanh tham gia.
Năm nay sẽ có phiên bản 10 Ironman liên tục (38km bơi, 1800km đạp và 422km chạy) và cũng mới có 2 người phụ nữ tham gia. Thanh hy vọng có thể thử sức và mang dấu ấn của Việt Nam ra thế giới. Đó là một trong những thử thách mới mà Thanh muốn tiếp cận. Thanh còn phải tập luyện và cải thiện rất nhiều, cũng hy vọng sẽ có được nhiều sự chỉ dẫn, ủng hộ hay đồng hành từ những người có kinh nghiệm trong 3 môn phối hợp”.