Phóng viên của webthethao có buổi trò chuyện với Phạm Thuý Vi về khả năng thi đấu của "cô gái vàng" Nguyễn Thị Ánh Viên tại Olympic 2016.
Phạm Thúy Vi (cựu VĐV ĐTQG và HLV đội tuyển bơi TPHCM) hiện tại đang làm công tác huấn luyện tại Swimfast – một trong những CLB bơi mạnh nhất Singapore. Thúy Vi còn là thành viên chính thức trong ban huấn luyện đội tuyển bơi Singapore và HLV phó của đội tuyển nước này tại giải VĐTG năm 2014. (Ảnh: Nicholas Wan)
- Thành tích tốt nhất của Ánh Viên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với vòng chung kết London 2012, đặc biệt là so với chiếc HCĐ Olympic. Theo chị, Ánh Viên có thể tiến xa tới đâu tại Rio 2016?
Tôi rất hy vọng Ánh Viên có thể lọt vào Top 8 VĐV ở vòng chung kết nội dung 400m hỗn hợp cá nhân. Đây là nội dung thế mạnh nhất của Ánh Viên. Hiện nay, thành tích của Viên còn kém VĐV đứng thứ 8 ở London 2012 chừng 1,5 giây, nhưng theo tôi em hoàn toàn có khả năng san lấp khoảng cách này.
Bởi lẽ, khả năng phát triển của Ánh Viên tại nội dung hỗn hợp vẫn còn rất lớn. Nếu Ánh Viên cải thiện được một số kỹ thuật trong phần bơi bướm và đặc biệt là bơi ếch thì 1,5 giây là có thể rút ngắn được. Ví dụ như ở phần bơi ếch, tôi hy vọng thời gian qua Ánh Viên đã tập trung cải thiện kỹ thuật quay vòng, đập chân dưới nước (underwater kick) và quạt tay ếch (pull out) sau khi quay vòng. Riêng phần bơi ngửa và bơi sải, tôi đánh giá Ánh Viên đã khá hoàn hảo rồi.
Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nếu lọt vào vòng chung kết Olympic cũng đủ là một kỳ tích với Ánh Viên và với bơi lội Việt Nam. Một chiếc huy chương Olympic ở thời điểm này thực sự vẫn còn quá khó khăn.
Clip: Ánh Viên (làn bơi thứ 2 gần máy quay) suýt chút nữa lọt vào chung kết 400m hỗn hợp giải VĐTG 2015
- Để ý thấy Ánh Viên thường đạt thành tích tốt nhất ở những cuộc thi quan trọng, ví dụ như giải VĐTG 2015 (Kazan, Nga) hay World Cup bơi lội 2015…, chị nhận xét gì về điểm này?
Điều này cho thấy Ánh Viên mang dáng dấp của một VĐV đỉnh cao. Bởi các VĐV đỉnh cao thường sẽ đạt thành tích tốt nhất của họ vào các kỳ thi đấu quan trọng, khác với các VĐV trẻ còn đang phát triển thì giải nào cũng dễ lập thành tích tốt nhất cả.
Với VĐV đỉnh cao, họ luôn tính toán rất kỹ càng để điểm rơi phong độ luôn đúng vào những dịp quan trọng nhất. Việc thi đấu bên cạnh những VĐV hàng đầu thế giới ở Olympic cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào bản lĩnh của Ánh Viên. Nếu Ánh Viên giữ được tinh thần thi đấu cao, không run sợ thì đây sẽ là một điểm cộng.
- Ánh Viên đạt chuẩn A ở 4 nội dung. Theo chị, Ánh Viên nên tận dụng cơ hội này để thi đấu đỉnh cao ở tất cả 4 nội dung hay chỉ tập trung vào 1 nội dung mạnh nhất để cạnh tranh thành tích?
Nếu 4 nội dung thi đấu chia đều ra các ngày khác nhau thì không ảnh hưởng lắm đến việc hồi phục thể lực của VĐV, nhất là với VĐV tập cường độ cao trong thời gian dài như Ánh Viên.
- 400m hỗn hợp: CN, 07/08 (00:30 giờ VN)
- 200m hỗn hợp: Thứ Hai, 08/08 (23:55 giờ VN)
- 400m tự do: Thứ Hai, 08/08 (0:30 giờ VN)
- 200m tự do: Thứ Hai, 08/08 (23:00 giờ VN)
Tuy nhiên cần để ý là có những nội dung thi cùng một ngày. Ví dụ như 200m tự do và 200m hỗn hợp đều sẽ thi cả vòng loại và bán kết trong cùng một ngày, và vòng chung kết vào ngày tiếp theo. Như vậy nếu thi cả 2 nội dung này thì Ánh Viên sẽ phải bơi ít nhất 4 lần trong một ngày, nếu vượt qua vòng loại (không loại trừ còn phải bơi vòng loại trực tiếp).
Mật độ thi đấu như vậy là hơi dày. Tôi nghe nói ban huấn luyện dự định bỏ qua nội dung 200m tự do. Theo tôi, quyết định này là hợp lý. Bởi vì với thành tích khoảng 1 phút 57 giây của Ánh Viên ở nội dung này thì rất khó vào sâu trong giải.
- Trong các nội dung mà Ánh Viên thi đấu, chị ấn tượng nhất với VĐV quốc tế nào?
"Người đà bà thép" Katinka Hosszu (Hungary). Ngoài tài năng, Hosszu còn là một mẫu VĐV thi đấu rất thông minh. Bởi chị tham gia cực kỳ nhiều các giải đấu quốc tế, có thể nói là chuyên đi săn giải và sống bằng tiền thưởng. Nếu không thi đấu một cách thông minh, tôi chắc chắn rằng cô ấy khó mà duy trì được phong độ cao liên tục như vậy. Năm nay Hosszu cũng đặt mục tiêu rất cao là dành HCV ở cả 2 nội dung hỗn hợp.
- Chị có đánh giá gì về khả năng giành HC của các VĐV Singapore?
Singapore có 3 VĐV bơi lội dự Olympic 2016. Hai VĐV nam Joseph Schooling và Quah Zheng Wen đạt chuẩn A. VĐV nữ Quah Ting Wen đạt chuẩn B. Tất cả bọn họ đều đến Olympic bằng thành tích của mình mà không cần suất đặc cách của Liên đoàn bơi thế giới.
Zheng Wen bơi 3 cự ly 100, 200 bướm và 100m ngửa. Mục tiêu của Zheng cũng giống như Ánh Viên là vào được đến vòng chung kết. Joseph Schooling tham dự 3 nội dung 100, 200 bướm và 100m tự do, và được kỳ vọng đem về tấm huy chương lịch sử.
Thành tích ở nội dung 100m bướm của Schooling hiện nay đã đạt top 3 TG nên Singapore đang rất hy vọng VĐV này sẽ giành được huy chương.
Ngoại trừ Schooling sinh sống và tập luyện chủ yếu tại Mỹ, 2 VĐV còn lại đều dành 60-70% thời gian tập luyện ở trong nước.
- Xin cám ơn chị vì buổi nói chuyện và chúc chị thành công với công việc tại nước ngoài!