Trong thông báo của Liên đoàn Billiards châu Á (ACBS), tổ chức này đã đình chỉ hoạt động của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) từ ngày 13/6/2024 đến 12/1/2025, nhằm ngăn chặn các thành viên của ACBS tham gia các sự kiện không được phê duyệt của các môn billiards khác nhau tại Châu Á.
Cụ thể, nếu các cơ thủ của VBSF tham gia các giải đấu của Matchroom hoặc PBA, họ sẽ bị trừng phạt; nếu VBSF tổ chức các sự kiện của Matchroom hoặc PBA, họ sẽ bị trừng phạt; bất kỳ nhà tổ chức, người quảng bá, hoặc người hỗ trợ nào liên quan đến các sự kiện của Matchroom hoặc PBA không thể hợp tác với ACBS. Các cơ thủ của KBF ở Hàn Quốc không thể tham gia các giải đấu PBA nên tương tự, các cơ thủ của VBSF không thể tham gia các giải đấu PBA.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chỉ cấm duy nhất Việt Nam vì tổ chức giải billiards quốc tế không thuộc ACBS?
Cần biết rằng trong năm nay, các nước như Trung Quốc, Philippines, Đức, Phần Lan, Romania, Mỹ, Morocco hoặc Bồ Đào Nha đều tổ chức những giải đấu thuộc Matchroom, nhưng chẳng thấy tổ chức nào trừng phạt Liên đoàn của họ, hay Hàn Quốc tổ chức PBA từ năm 2019 tới nay mà các cơ thủ nước này vẫn thi đấu tại những giải của UMB đều đặn. Thậm chí mới nhất, Rasson Lushan Open vừa diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 26-28/7, nhưng chẳng thấy ACBS tỏ thái độ gì. ACBS cũng im lặng đối với Philippines, cho dù nước này sắp tổ chức Reyes Cup vào tháng 10 năm nay.
Vì sao cùng tổ chức các giải billiards quốc tế giống như Việt Nam mà ACBS lại không dám phạt Philipines, Trung Quốc, Hàn Quốc… mà chỉ đe doạ phạt Việt Nam? Đó là do Liên đoàn những nước này hiểu rõ luật. Bởi lẽ, ACBS chỉ có quyền hạn ở mức độ nhất định chứ không phải "một tay che trời". Điều này giải thích tại sao trong thời gian ACBS cấm VBSF đã có hiệu lực, Phùng Kiện Tường và Bao Phương Vinh vẫn đến Ba Lan tham dự Giải billiards WCBS Championship 2024 và đều có huy chương. Nguyên nhân là do WCBS có vai trò trong IOC càng cao hơn ACBS. Một chi tiết đáng lưu ý khác: ACBS giữ im lặng khi vòng loại European Open 2024 tổ chức tại Việt Nam. Phải chăng ACBS chỉ dám bắt nạt VBSF do cảm thấy tổ chức này là quả hồng mềm nên tùy tay bóp nặn?
Thông báo của ACBS càng vô lý khi họ muốn trừng phạt VBSF về việc mà tổ chức này không có liên quan. Ngặt nỗi, quy định của ACBS chỉ áp dụng cho các thành viên đã đăng ký của họ, còn Matchroom, PBA hoặc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đều không phải là thành viên của ACBS. Thế nhưng, VBSF lại đang yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước không cho phép tổ chức các giải đấu của Matchroom và PBA tại Việt Nam, vì chúng không có quan hệ với VBSF, cũng không phải là thành viên của ACBS hay IOC.
Đến đây, có thể cho rằng ACBS đang hành xử độc đoán và vô lý, vì các giải như Hanoi Open mà tổ chức này nhằm vào thật ra đều không thuộc phạm vi quản lý của VBSF, vì theo quy định của luật Việt Nam hiện hành, “Giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế là giải thi đấu thể thao được tổ chức tại Việt Nam có sự tham dự của các vận động viên là người nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời.” (Điều 9 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL). Và như vậy, ACBS - không biết vô tình hay cố ý - hiện không tôn trọng Luật thể dục thể thao được sửa đổi bổ sung năm 2018 của Việt Nam, có quy định ở Khoản 5 Điều 1 như sau:
“Điều 13. Thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các giải thể thao quần chúng sau đây:
a) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cho học sinh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật; giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia.
4. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình."
Điều 9 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL và Luật thể dục thể thao cũng giải thích tại sao trong nhiều năm qua, chưa cần chờ tới PBA Hanoi Open hoặc Hanoi Open Pool Championship, thể thao Việt Nam đã có những giải đấu billiards phong trào mời ít nhất là 2 cơ thủ nước ngoài tham dự, từ carom 3 băng đến pool và thậm chí cả heyball. Ngoài ra, ngay cả IOC khi cấm thể thao Nga tham dự Olympic Paris 2024 thì vẫn cho phép các vận động viên Nga đến Pháp tranh tài trong màu áo trung lập. ACBS đang tỏ ra quyền lực hơn cả IOC khi không chỉ cấm cản Liên đoàn, mà còn chặn đường mưu sinh của các vận động viên.