Sau vụ tấn công khủng bố làm rung chuyển Paris, đặc biệt có 3 người thiệt mạng ngay bên ngoài sân Stade de France, nơi đang diễn ra trận giao hữu giữa Pháp và Đức, Chủ tịch LĐBĐ Pháp (FFF) Noel Le Graet đã bày tỏ sự lo lắng cho an ninh tại EURO 2016, khi giải đấu chỉ còn 7 tháng nữa sẽ diễn ra.
Trong lời nói của La Graet, không khó để nhận ra sự bất lực của chủ nhà Pháp: “Nhiều biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện nhưng những kẻ khủng bố có thể tấn công bất cứ lúc nào. Đây là hồi chuông báo động đối với EURO 2016”.
Hồi đầu tháng 01/2015, Paris cũng từng rung chuyển khi những phần tử Hồi giáo cực đoan đột nhập văn phòng tạp chí biếm hoạ Charlie Hebdo để thực hiện vụ xả súng khiến 12 người thiệt mạng.
Nước Pháp ở thời điểm hiện tại không còn là một điểm đến an toàn, và chuyện tổ chức EURO 2016 sẽ mang đến những rủi ro rất lớn. Jacques Lambert, Trưởng Ban tổ chức EURO 2016, từng nhận định rằng ông cảm nhận được mối đe dọa từ những vụ tấn công khủng bố nhắm vào sự kiện bóng đá này.
Theo ước tính của Trung tâm Giám sát bạo lực chính trị quốc tế (ICSR), có khoảng 1.200 công dân Pháp đến Syria, Iraq kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria để chiến đấu cho nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan, và sẵn sàng quay trở lại Pháp để thực hiện các hành vi khủng bố.
Bắt đầu từ EURO 2016, số lượng các đội tuyển tham dự được tăng lên thành 24 đội thay vì 16 đội như trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng khách nước ngoài đến Pháp trong thời gian diễn ra EURO 2016 sẽ tăng đột biến, khiến an ninh tại Pháp càng bị đặt dưới những hiểm họa khôn lường.
Bởi vậy, UEFA sẽ phải cân nhắc để quốc gia khác đăng cai EURO 2016 thay Pháp nhằm đảm bảo sự an toàn. Những ứng viên nổi bật có thể kể đến Ý, nước đã thất bại trước Pháp ở cuộc đua giành quyền đăng cai EURO 2016, hoặc những quốc gia có an ninh, cơ sở vật chất tốt như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở chỗ UEFA vẫn đang rối bời khi người đứng đầu Michel Platini đã bị FIFA đình chỉ công tác.