Giống như chu kỳ một vòng tuần hoàn, sau 56 năm chiếc cúp Henri Delaunay đã quay lại nơi khai sinh ra giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu, nước Pháp với "phiên bản nâng cấp" từ 16 lên 24 đội lần đầu tiên trong lịch sử.
Kể từ khi người Pháp nảy ra ý tưởng tổ chức một giải đấu chỉ dành riêng cho các quốc gia tại Lục địa già, diễn ra 4 năm một lần, thì VCK EURO (hay tên gọi nguyên thủy là Giải vô địch các quốc gia châu Âu) đồng thời cũng chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cả văn hóa xã hội, kinh tế chính trị của các quốc gia trong châu lục ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Trong thời kỳ nhiễu nhương đó, VCK EURO chính là bức tranh tương phản đầy sống động nhưng cũng không thiếu những mảng tối về sự thịnh suy của các quốc gia tại Lục địa già trong trong gần sáu thập kỷ qua.
1960 - Thuở sơ khai
Nhìn lại VCK EURO đầu tiên trong lịch sử, có thể thấy ba trong số 4 quốc gia khi đó đến ngày nay đều đã không còn tồn tại. Sau khi Liên Xô cũ chính thức sụp đổ năm 1991, các quốc gia như Nam Tư cũ và Tiệp Khắc cũ cũng theo đó mà lần lượt tan rã. Ngay đến nước chủ nhà năm đó, Pháp cũng không còn "lành lặn" khi các thuộc địa của họ đều tuyên bố độc lập với đỉnh điểm là chiến tranh Algerie và đã khiến Đệ ngũ cộng hòa ngày đó chỉ còn lại lãnh thổ là nước Pháp hiện nay.
Khi đó, Liên minh châu Âu non trẻ mới chỉ tròn 3 tuổi với 6 thành viên ban đầu gồm Pháp, Bỉ, Đức, Italia, Luxembourg và Hà Lan. Đó là thời kỳ mà châu Âu phân ra hai nửa rõ rệt, khi các nước Đông Âu đi theo chủ nghĩa cộng sản, đối nghịch với tư bản đế quốc đang thống trị Tây Âu. Người dân ở nhiều quốc gia Đông Âu khi đó thậm chí còn phải tự lập nên những hàng rào thép gai để ngăn dòng người nhập cư khổng lồ qua biên giới, những người mà đã bỏ lại nhà cửa, đất đai vườn tược chỉ để chạy trốn khỏi chế độ độc tài hà khắc khi đó.
Một điều hy hữu, nếu như từ đó tới nay mới chỉ có 28 quốc gia tham gia vào Liên minh châu Âu thì con số tại LĐBĐ châu Âu (UEFA) thậm chí còn gần gấp đôi với 55 LĐBĐ thành viên.
"Bàn phản lưới nhà" của Franco
Tây Ban Nha đang là kỷ lục gia của các kỳ EURO với 3 lần vô địch, nhưng nếu không vì sự cố xảy ra năm 1960, có lẽ họ đã có lần thứ 4 vô địch châu Âu.
Tướng quân Francisco Franco hưa bao giờ chơi bóng đá chuyên nghiệp nhưng cụm từ "Bàn phản lưới nhà" của Franco được người dân Tây Ban Nha đặt cho ông vì hành động cấm ĐTQG nước này đá trận đấu cuối cùng tại Vòng loại năm 1960 với Liên Xô. Nên biết, khi đó Tây Ban Nha vừa thắng Ba Lan với tổng tỷ số 7-2 và trong đội hình của họ là bộ ba siêu sao lừng danh Di Stefano, Kubala và Gento - những người là nòng cốt giúp Real Madrid thống trị châu Âu với 5 chức vô địch C1 liên tiếp từ 1955 - 1960.
Lệnh cấm của tướng Franco được đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 ngày trước khi chuyến bay tới Moscow đá trận lượt đi được khởi hành. Quyết định của "Quốc trưởng" Franco khi ấy vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các cầu thủ và người dân Tây Ban Nha nhưng họ chẳng thể làm thay đổi được điều gì. Tướng Franco được biết đến là một người rất yêu bóng đá, và đội bóng mà ông yêu thích nhất... chính là Barcelona và đó là một phần nguyên nhân khiến các ngôi sao của Real phải ngậm ngùi ngồi nhà, nhìn tấm vé đến VCK nghiễm nhiên được trao cho Liên Xô.
Bốn năm sau đó, đến lượt Tây Ban Nha là quốc gia đứng ra đăng cai giải đấu và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử họ lên ngôi vô địch. Khi đó, mối quan hệ bang giao giữa Tây Ban Nha và Liên Xô cũ đã có những sự biến chuyển rõ rệt, đương nhiên là trên phương diện tích cực và Tây Ban Nha đã hạ đẹp Liên Xô cũ trong trận chung kết tại Madrid.
Tuy nhiên, giải đấu vẫn để lại vết gợn. Những tranh cãi liên quan đến ngoại giao năm 1960 khiến chiến tranh nổ ra giữa Hy Lạp và Albania nổ ra, và LĐBĐ Hy Lạp quyết định từ chối thi đấu với Albania đồng thời rút lui khỏi giải.
Đến giữa những năm 70, sau cái chết của tướng Franco và sự lật độ của chế độ Estado Novo tại Bồ Đào Nha, chế độ độc tài cánh hữu tại châu Âu cũng theo đó mà hoàn toàn sụp đổ.
Cuộc cách mạng kéo dài một thập kỷ
Năm 1968 là năm mà tình hình chính trị trên toàn thế giới có sự biến động rất lớn khi các cuộc nổi dậy nổ ra liên tiếp, các quốc gia lần lượt đứng lên tuyên bố quyền độc lập mà sự kiện mở màn chính là chiến thắng Tết Mậu Thân năm 1968 - chiến thắng đánh dấu bước ngoạt lịch sử trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mốc thời gian năm 1968 cũng đánh dấu bước chuyển mình của nền văn hóa, nghệ thuật đương đại và đương nhiên bóng đá cũng không đứng ngoài guồng quay của bánh xe lịch sử vĩ đại.
Năm 1976, Hà Lan lần đầu tiên góp mặt tại sân chơi EURO và khiến cả thế giới phải kinh ngạc khi phá vỡ mọi quy tắc và định nghĩa về chiến thuật đã đi sâu vào tiềm thức của đại bộ phận.
David Winner, tác giả người Anh nổi tiếng đã nói về sự xuất hiện "kinh thiên động địa" của bóng đá Hà Lan như sau: "Người Anh khai sinh ra bóng đá vào thế kỷ 19 và đóng đinh nó với lối chơi bóng dài cùng những sơ đồ chiến thuật cố định. Người Brazil thì lại nghĩ bóng đá là cuộc đối đầu tay đôi của cá nhân. Người Italia bị ám ảnh bởi chiến thuật và đưa phòng ngự lên đỉnh cao. Người Đức với sức mạnh thể chất, tinh thần chiến đấu bất diệt và coi sự phối hợp đồng đội là chìa khóa dẫn tới thành công.
Nhưng Rinus Michels và Johan Cruyff đã định nghĩa lại bóng đá, đó là cuộc chơi của những kỹ năng thượng thừa, được đặt trong những vòng tròn xoáy bất tận, nơi người nào điều khiển và làm chủ được khoảng không gian giới hạn của mình sẽ là người giành được chiến thắng".
Tròn một thập kỷ đó, người Hà Lan đã làm rung chuyển bóng đá châu Âu và dù cho cuộc cách mạng mà họ tạo ra không mang tới thành quả là những danh hiệu thì những bài học đó vẫn còn được áp dụng cho tới tận ngày hôm nay.