Pha lập công vào lưới đội tuyển Scotland tại vòng bảng EURO 1996 là bàn thắng để đời mà Paul Gascoigne không bao giờ có thể lặp lại trong sự nghiệp của mình.
Des Walker là một trong những trung vệ trứ danh một thời của đội tuyển Anh với hơn 800 lần ra sân ở cấp độ CLB và 59 lần khoác áo Tam sư với đỉnh cao là trận bán kết World Cup 1990 gặp đội tuyển Tây Đức.
Trong 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, Walker đã đối mặt với vô số tiền đạo lợi hại. Nhưng khi được hỏi về bàn thắng tuyệt vời nhất từng được chứng kiến, cựu danh thủ Tuyển Anh lại chọn một pha lập công của một tiền vệ.
"Khi thủ môn phát bóng sang phần sân đối phương, bóng thường bị phá ngược trở lại ở tầm thấp", Des Walker chia sẻ trên Sky Sport, "Khi bị hậu vệ bám sát, tôi đã nghĩ anh ấy sẽ bị đánh bại. Nhưng anh ấy lại khiến tất cả phải bất ngờ khi tâng bóng lên cao, điều này sẽ giúp cho hậu vệ có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn pha tấn công trong thời gian chờ chạm bóng đất".
"Nhưng một lần nữa, anh ấy lại khiến tất cả phải bất ngờ khi tung cú volley tuyệt đẹp trước khi bóng chạm đất để ghi bàn. Đó là bàn thắng đẹp nhất mà tôi từng được nhìn thấy".
Chắc chắn, NHM Anh sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để đoán ra Walker đang nói đến Paul Gascoigne, chủ nhân của bàn thắng đẹp nhất của đội tuyển Anh trong lịch sử các kỳ EURO.
Không phải vô cớ mà trước thềm mỗi giải đấu lớn, các kênh truyền hình ở Anh lại phát đi phát lại bàn thắng của Gascoigne vào lưới đội tuyển Scotland tại vòng bảng EURO 1996.
Gary Lineker khen ngợi Paul Gascoigne là cầu thủ sở hữu khả năng chơi bóng thiên bẩm tuyệt vời nhất mà bóng đá Anh từng sản sinh, trong khi Terry Butcher và Bryan Robson thì khẳng định Gascoigne là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong thời của họ.
Đỉnh cao sự nghiệp của "Gazza" là World Cup 1990, giải đấu mà ông dẫn dắt đội tuyển Anh đi một mạch đến trận bán kết và chỉ chịu thua trên chấm phạt đền trước Tây Đức, đội tuyển sau đó đã lên ngôi vô địch với chiến thắng gây tranh cãi trước Argentina.
Khi đó, Paul Gascoigne đã khóc rất nhiều khi đội bóng của ông gục ngã trước người Đức trên chấm phạt đền, trong khi ông lại không thể thực hiện lượt sút của mình.
Kết thúc giải đấu năm ấy, Gascoigne không ghi được một bàn thắng nào sau 6 trận. Mặc dù vậy, ông vẫn được bình chọn vào đội hình tiêu biểu của giải đấu nhờ những đóng góp thầm lặng cho thành công chung của đội tuyển Anh. Các đồng đội thậm chí còn ví von ông với Maradona để ca ngợi tài năng của Paul Gascoigne.
Quả thực, ở thế hệ của mình, Gascoigne vẫn được biết đến với tư cách một trong những tiền vệ tấn công sáng tạo và bền bỉ bậc nhất châu Âu, dù thể hình không quá nổi trội. Điểm nổi bật của cựu danh thủ người Anh là khả năng khống chế bóng gọn gàng, trước khi thực hiện những pha đi bóng vừa kỹ thuật, vừa mạnh mẽ và tốc độ.
Siêu phẩm vào lưới đội tuyển Scotland tại EURO 1996 là một ví dụ. Thời điểm ấy, Đội tuyển Anh đang phải chịu vô số áp lực sau trận hòa bạc nhược trước Thụy Sĩ ở ngày khai mạc EURO 1996. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi Scotland tỏ ra là một đối thủ khó chịu với Gascoigne và đồng đội. Suốt cả hiệp một, đội tuyển Anh không tạo ra được một cơ hội ghi bàn rõ rệt nào.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi HLV trưởng Terry Venables thực hiện sự điều chỉnh ở đầu hiệp hai, rút Stuart Pearce và đưa Jamie Redknapp vào sân. Sự thay đổi người này lập tức phát huy hiệu quả khi cựu tiền vệ Liverpool đã giúp lối chơi của Tuyển Anh trở lên thanh thoát hơn. Đội chủ nhà có bàn thắng mở tỷ số ở phút thứ 53 do công của Alan Shearer, cầu thủ sau đó đã đoạt danh hiệu Vua phá lưới của giải đấu với 5 pha lập công.
Nhưng chỉ hơn 20 phút sau, Scotland đã có cơ hội gỡ hòa khi Tony Adams phạm lỗi với tiền đạo Gordon Durie trong vòng cấm địa. Trọng tài chính không ngần ngại chỉ tay vào chấm phạt đền. Đội trưởng Gary McAllister bước lên thực hiện một cú rất căng, nhưng không thắng được thủ môn David Seaman.
"Nếu tôi ghi bàn trong tình huống ấy, có lẽ chúng tôi đã giành chiến thắng", McAllister chia sẻ về pha bỏ lỡ khiến anh vô cùng hối hận, bởi ngay sau đó Paul Gascoigne đã ghi bàn thắng chấm dứt mọi hy vọng có điểm của Scotland.
Xuất phát từ đường phát bóng lên của thủ môn Seaman, Darren Anderton khống chế bóng gọn gàng và đẩy sang cánh cho Teddy Sheringham tung ra đường chuyền một chạm đưa bóng đến vị trí của Gascoigne đang bị kẹp giữa bởi hai hậu vệ của Scotland.
Tới đây thì NHM không thể không khâm phục khả năng xử lý tình huống tuyệt vời của Gascoigne. Không nhiều người có thể đưa ra một quyết định chạm bóng tinh tế để loại bỏ hậu vệ đối phương, trước khi ghi bàn bằng một cú volley khi bóng vẫn còn trên không.
Tất cả những gì thủ môn Andy Goram có thể làm trong tình huống này là đổ người làm nền cho siêu phẩm của Paul Gascoigne. Ấn tượng hơn nữa là bàn thắng này được thực hiện chỉ trong vòng 9 giây với 6 pha chạm bóng, kể từ đường phát bóng của thủ môn David Seaman.
Nhiều năm trôi qua, pha lập công vào lưới Scotland vẫn được xem là khoảnh khắc kỳ diệu mà Gascoigne không bao giờ có thể lặp lại được, dù sau đó ông còn khoác áo đội tuyển Anh thêm 17 lần nữa và lập được một siêu phẩm vào lưới Moldova ở vòng loại World Cup.
Sau đó, Gascoigne bị HLV Glenn Hoddle loại khỏi đội hình Tuyển Anh đến Pháp dự World Cup 1998. Nguyên nhân được cho là lối sinh hoạt vô kỷ luật của cựu cầu thủ Tottenham. Cụ thể là hình ảnh Paul Gascoigne tiệc tùng, thác loạn thâu đêm được cánh săn ảnh tiết lộ chỉ một tuần trước ngày công bố danh sách đội hình đi Pháp.
Không lâu sau, Gascoigne tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấ quốc tế và ngày chìm đắm vào rượu chè. Bây giờ, "Cậu bé vàng" ngày nào của bóng đá Anh đang chết dần chết mòn vì lúc nào cũng sặc sụa hơi men.