Ký ức EURO '84: Kẻ bị bắt cóc chinh phục châu Âu bằng 3 “số 10”

thứ tư 15-6-2016 14:47:05 +07:00 0 bình luận
Chiến thắng Albania rạng sáng mai sẽ mở toang cửa vào vòng 1/8 EURO 2016 cho Pháp khi Didier Deschamps cố gắng lập lại kỳ tích của Michel Hidalgo năm 1984.

Chiến thắng Albania rạng sáng mai sẽ mở toang cửa vào vòng 1/8 EURO 2016 cho Pháp khi Didier Deschamps cố gắng lập lại kỳ tích của Michel Hidalgo năm 1984.

Pháp 1984 đăng quang bằng đá đẹp

Thế nhưng, ngay cả khi chinh phục châu Âu thêm lần nữa, dấu ấn mà Pháp 2016 của Didier Deschamps để lại xem ra không dễ lu mờ kỳ tích của Michel Hidalgo.

Không chỉ vì EURO 1984 là danh hiệu quốc tế đầu tiên trong lịch sử của “Gà trống Gaulois”, mà còn chinh phục trái tim người hâm mộ qua thể hiện tuyệt vời của Le Carré Magique, tạm dịch là “Bộ tứ kỳ diệu”.

Tất cả bắt nguồn từ triết lý của Michel Hidalgo: “Thiếu những cầu thủ sáng tạo, ngay cả các đội bóng lớn cũng trở thành rời rạc”.

Và Michel Hidalgo rõ ràng là kẻ may mắn, vì lúc ông nắm Tuyển Pháp cũng là thời đỉnh cao phong độ của 3 trong những cầu thủ kiến tạo vĩ đại nhất lịch sử nước này: Alain Giresse, Jean Tigana và Michel Platini. Và vì không thể chọn được ai xứng đáng hơn để giao cho vai “số 10”, ông quyết định sử dụng cả 3 trong cùng đội hình chính thức.

Pháp vô địch EURO 1984 bằng lối chơi đẹp.

Pháp vô địch EURO 1984 bằng lối chơi đẹp mà hiệu quả.

Michel Hidalgo giải thích: “Không ai có thể đào tạo được ‘Số 10’. Mẫu cầu thủ ấy chơi bóng theo bản năng. Và bất cứ cầu thủ kiến tạo nào như vậy đều chắc chắn gia tăng chất lượng cho đội bóng. Do đó, khi xếp 3 cầu thủ ‘số 10’ chơi cùng nhau, mọi rắc rối của đội bóng chắc chắn giảm hẳn!”.

Chân dung 3 “số 10” của Michel Hidalgo

Dù vậy, chiếc áo số 10 đã được trao cho Michel Platini, ngôi sao có trận chào sân cho ĐTQG đúng ngay trận ra mắt ĐTQG của Michel Hidalgo khi Pháp đá giao hữu với Tiệp Khắc vào tháng 3/1976.

Ngay lập tức, tiền vệ 20 tuổi lúc đó đã để lại dấu ấn bằng cú đá phạt thành bàn, chứng tỏ kỹ thuật của tân binh này vượt trội nhiều đồng đội giàu kinh nghiệm hơn nên họ mới giao quyền sút phạt cho Michel Platini.

Và khi VCK EURO 1984 đến Pháp, Michel Platini đang ở đỉnh cao phong độ. Trong giai đoạn từ 1983-1985, ông đoạt 3 Quả bóng Vàng liên tiếp, kỳ tích mà phải đợi tới Lionel Messi mới xô ngã được. Đồng thời, ông còn là ngôi sao sáng nhất tại Juventus hoành tráng của Giovanni Trapattoni đang thâu tóm các danh hiệu ở Serie A, Cúp Italia, Cúp C1 và Cúp C2.

Alain Giresse, Michel Platini và Jean Tigana.

Alain Giresse, Michel Platini và Jean Tigana.

Tuy nhiên, hai cầu thủ sáng tạo chơi cạnh Michel Platini cũng xuất sắc tới mức thừa sức trở thành “sao” ở bất cứ đội nào. Alain Giresse có lối chạy lắt léo, lại thêm trọng tâm thấp giúp giữ thăng bằng cực tốt nên trở thành ác mộng thật sự đối với mọi hậu vệ, khiến họ rất khó ngăn chặn anh xuyên qua khoảng trống giữa các trung vệ với hậu vệ biên đối phương khi xâm nhập vùng 16m50.

Trong khi đó, Jean Tigana luôn mạnh mẽ cả khi có lẫn không có bóng. Ông vận dụng ưu thế kỹ thuật trong lối chơi rất nhẫn nại và thực dụng bằng cách chịu khó đeo bám các tiền vệ và hậu vệ biên của đối phương nhằm đoạt lại bóng rồi tổ chức phản công ngay cho Pháp. Bởi luôn là cầu thủ Pháp đầu tiên đuổi theo bóng và sẵn sàng chuyền cho mọi đồng đội ở phía trước, ông trở thành ngòi nổ cho các đợt phản công nổi tiếng của đội nhà thời đó,

Bị bắt cóc: điềm báo khởi đầu nan

Michel Hidalgo yêu thích cả 3 “số 10” này, nên quyết định sử dụng tất cả nhằm phát huy sức mạnh mang tính hủy diệt đối phương và tôn vinh triết lý bóng đá đẹp mà bản thân hằng theo đuổi.

Ông tâm sự: “Giấc mơ của tôi là tạo ra một lối chơi vừa sáng tạo, vừa thành công. Nghĩa là vẻ đẹp cùng sự thự dụng cùng tay trong tay. Tôi biết ý tưởng ấy có vẻ ngốc nghếch, nhưng tôi tin mình có thể làm được”.

Lịch sử đã chứng minh Michel Hidalgo thành công như thế nào, và càng ấn tượng nếu biết rằng lúc ông nắm ĐTQG, Pháp vừa trải qua 10 năm không được dự VCK các giải lớn, và 18 trận trôi qua kể từ sau chiến thắng cuối cùng.

Lại thêm vạn sự khởi đầu nan, Michel Hidalgo đem triết lý bóng đá của ông cùng đội bóng có năng lực tấn công để thể hiện quan điểm ấy đến VCK World Cup 1978 tại Argentina nhằm thử nghiệm, và rồi chợt nhận thấy một bọn bắt cóc bất ngờ chĩa súng uy hiếp lúc đang chở vợ dạo phố.

Michel Hidalgo tại World Cup 1978.

Michel Hidalgo tại World Cup 1978.

Sau khi bị lôi vào rừng, Michel Hidalgo tìm được cơ hội tước súng của một trong những kẻ bắt cóc và khiến những kẻ còn lại hoảng sợ chạy trốn. Bởi lẽ, ý đồ của những kẻ này thật ra chỉ nhằm phản đối Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền quân sự độc tài ở Argentina.

Tuy nhiên, sự cố ấy không đủ ngăn thầy trò Michel Hidalgo kiên trì với mục tiêu của họ, cho dù tại Argentina 1978, Pháp bị loại ngay khi vòng bảng còn 1 trận chưa đá.

Nhưng gian nan vẫn không nản

Đơn giản vì những thất bại với cách biệt tối thiểu trước Italia và chủ nhà chỉ cho thấy Pháp không may hơn là kém cỏi, và chiến thắng Hungary 3-1 trước lúc về nước càng khẳng định thầy trò Michel Hidalgo đi đúng hướng do đây là chiến thắng đầu tiên của Pháp ở VCK một giải lớn kể từ năm 1958.

Tiến đến World Cup 1982, thầy trò Michel Hidalgo tiếp tục tạo ấn tượng sau khởi đầu chậm chạp. Bộ ba Alain Giresse, Jean Tigana và Michel Platini thể hiện xuất sắc trong các chiến thắng trước Áo và Bắc Ireland trên đường đưa Pháp tới bán kết.

Lại một lần nữa, Pháp phải rời giải do không may khi thua Tây Đức ở loạt đá luân lưu 11m. Vì thế, Michel Hidalgo cực kỳ tự tin đưa đến VCK EURO 1984 hầu như toàn bộ lực lượng vừa tham chiến tại Tây Ban Nha.

Bộ ba tiền vệ có thêm thành viên thứ 4 nhằm tăng cường “chất thép”: Luis Fernández.

Bộ ba tiền vệ có thêm thành viên thứ 4 nhằm tăng cường “chất thép”: Luis Fernández.

Khác biệt rõ nhất chỉ là giờ đây, bộ ba tiền vệ có thêm thành viên thứ 4 nhằm tăng cường “chất thép”: Luis Fernández là cầu thủ trẻ nhất trong dàn tiền vệ hình kim cương và chỉ được lên tuyển ngay sau VCK World Cup 1982.

Được đặt vào vị trí phía sau bộ ba tiền vệ kiến tạo, Luis Fernández không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ thu hồi bóng, mà chơi như mẫu tiền vệ con thoi gây nhiều khó khăn cho đối phương và hoàn tất “Bộ tứ kỳ diệu”.

Sau đó, hành trình của Pháp đến ngôi vô địch EURO 1984 thì tất cả đều rõ. Điều đáng lưu ý ở đây chỉ là chiến thắng ấy không chỉ là thành công của Pháp, của bóng đá tấn công, mà còn là phần thưởng cho người thầy dũng cảm và kiên định dám dùng một lúc 3 tiền vệ sáng tạo.

Tất nhiên, Michel Hidalgo có phần may mắn do bóng đá Pháp sản sinh đúng những tài năng mà ông cần có. Dù vậy, rõ ràng là chẳng phải HLV nào cũng biết cách giúp thế hệ tài năng ấy tỏa sáng trên sân khấu lớn. Đấy chính là di sản mà Michel Hidalgo để lại cho giới HLV.

Video: Pháp đánh bại Tây Ban Nha trong trận chung kết EURO 1984

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm