Pháp 2016 đang đau đầu vì CĐV Nga thì trước trận Đức – Ba Lan, truyền thông Ba Lan cảnh báo hooligan nước họ cũng dữ dằn chẳng kém.
CĐV Ba Lan không còn hiền như 4 năm trước
Sở dĩ fan “quậy” của Ba Lan vẫn chưa khét tiếng như Nga là nhờ VCK EURO 2012 khi nước này làm đồng chủ nhà với Ukraine. Nhằm đảm bảo cho giải đấu thành công, chính quyền Ba Lan nỗ lực hết sức để ngăn chặn bạo động trên khán đài cùng nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng 4 năm nay, khi dư âm của VCK EURO 2012 tàn dần, tình hình ở Ba Lan hiện rất khác.
Một cuộc thập tự chinh bảo vệ châu Âu bằng thanh kiếm đe dọa lật chiếc thuyền tị nạn trên dòng Địa Trung Hải: Đấy là hình ảnh chiến đấu với “Hồi giáo” mà các CĐV cực đoan của CLB Slask Wroclaw ở Ba Lan vừa trình chiếu trên màn hình trước trận đấu chuẩn bị cho mùa bóng mới vào mùa thua qua.
Thậm chí mùa này, khi UEFA đề nghị các CLB dành một phần tiền bán vé các trận đấu ở các Cúp châu Âu để hỗ trợ dân tị nạn, các CĐV của CLB Lech Poznan đã phát động chiến dịch tẩy chay. Hậu quả là sân nhà của CLB này thường có 20.000 khán giả thì tới các Cúp châu Âu giảm xuống còn khoảng 8.000 người. Riêng trong một trận của Legia Warsaw, CĐV CLB này còn đua nhau ca xướng: “Hỡi những con cừu lạc đàn, xin chào mừng tới địa ngục”.
“Một sự thay đổi đáng sợ đang diễn ra ở Ba Lan”, Rafal Pankowski –một giáo sư Ba Lan chuyên nghiên cứu về vấn đề cực đoan than thở về chuyển biến trong thái độ của CĐV nước này hơn 2 thập niên qua. Thật ra, điều đó không khó nhận thấy vì ngay nay, các biểu ngữ chống Hồi giáo, các bài hát và các cuộc diễu hành trên phố thể hiện thái độ thù nghịch đối với người tị nạn xuất hiện nhan nhản ở hầu hết các hội CĐV tại Ba Lan.
LĐBĐ Ba Lan đang tiếp tay cho nạn hooligan
Theo đánh giá của Rafal Pankowski, sở dĩ fan cuồng Ba Lan không quậy phá ở VCK EURO 2012 là do chính phủ triển khai nhiều chương trình giáo dục với sự hỗ trợ của UEFA và FARE (Tổ chức Chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá châu Âu). Nhưng sau VCK EURO 2012, nguồn tiền viện trợ cho các chương trình này từ các chính trị gia, UEFA và truyền thông đương nhiên giảm dần.
Tình hình càng bết bát do các lãnh đạo LĐBĐ Ba Lan tham gia quá sâu vào cuộc chiến giữa các đảng phái chính trị. Như mới đây, chủ tịch LĐBĐ Ba Lan Zbigniew Boniek – một trong những cầu thủ vĩ đại nhất nước này qua mọi thời đại đã công khai ủng hộ đảng cánh hữu Pháp luật và Công lý.
Đấy chỉ là một trong những ví dụ cụ thể về việc bóng đá Ba Lan đang chia rẻ theo kiểu mỗi nơi ủng hộ một đảng cực đoan, như hội CĐV Lech Poznan theo đảng "Konkwista88" nên thường giăng biểu ngữ với nội dung kích động: “Quân đoàn Pila mang dòng máu của chủng tộc chúng ta”…
Trong bối cảnh đó, không lạ khi các CLB ở Ba Lan thường bị phạt do CĐV gây rối trong sân. Nguyên nhân phần nào là do lâu nay, đảng Pháp luật và Công lý thường khuyến khích các hooligan quậy phá bằng cách gọi hành động của họ là “thông điệp yêu nước”.
Thậm chí, một số chính trị gia còn chỉa mũi dùi vào Robert Lewandowski – thủ quân ĐTQG và Bayern Munich khi hoài nghi về lòng trung thành của tiền đạo này với đất nước. Nguyên nhân chỉ là do anh tham gia hỗ trợ di dân đến châu Âu.
Chính tư tưởng phân biệt chủng tộc nặng như vậy của các hội CĐV Ba Lan đang khiến truyền thông nước này lo xảy ra sự cố tại VCK EURO 2016.
Giáo sư Rafal Pankowski tâm sự: “Tôi không cho rằng có nhiều CĐV cực đoan của Ba Lan đến Pháp, nhưng chắc chắn là một phần trong đó đã đến. Chúng tôi không sợ họ gây rối bên trong sân do các biện pháp an ninh chặt chẽ, nhưng chỉ lo cho những người Pháp gốc Phi và Arab sống gần các SVĐ. Hy vọng là đừng có sự cố phát sinh, dù nguy cơ luôn rình rập”.