Câu chuyện cái khung thành, cột dọc và xà ngang

thứ ba 12-7-2016 15:11:21 +07:00 0 bình luận
“Thật quá đau, đúng là ác mộng, thật là khủng khiếp!”, Andre-Pierre Gignac nói mà như khóc sau trận chung kết EURO 2016, vì lẽ ra, người hùng phải là anh!

“Thật quá đau, đúng là ác mộng, thật là khủng khiếp!”, Andre-Pierre Gignac nói mà như khóc sau trận chung kết EURO 2016, vì lẽ ra, người hùng phải là anh!

Nỗi lòng của Gignac và Raphael

“Bóng đáng ra phải bật ngược lại đường chạy của Griezi (Antoine Griezmann), nào ngờ lại trôi quá xa”, tiền đạo Tuyển Pháp không ngớt than thở.

Raphael Guerreiro sút xa vướng phải cái xà ngang của Tuyển Pháp.

Raphael Guerreiro sút xa vướng phải cái xà ngang của Tuyển Pháp.

Ở bên kia chiến tuyến, Raphael Guerreiro cũng chung tâm trạng với tiền đạo đội chủ nhà. Cú sút phạt của Guerreiro đã đưa bóng chạm mép dưới xà ngang và dội ngược ra. 

Nếu không, người hùng của Bồ Đào Nha phải là anh, chứ chẳng phải Eder – tác giả bàn quyết định từ cú sút xa sau đó chừng 60 giây!

Cả Gignac và Guerreiro khi ôm đầu tiếc nuối, có lẽ họ cũng thầm ước cột dọc hoặc xà ngang được nới rộng ra một chút.

Khung thành từng là cổng nhà thờ

Nếu ngược dòng thời gian trở lại thời hoang sơ của bóng đá, Andre-Pierre Gignac cùng Raphael Guerreiro chắc chắn được toại nguyện. Bởi lẽ, bóng đá tồn tại từ rất lâu, trước lúc có người nghĩ tới cái khung thành.

Những sách nghiên cứu về lịch sử bóng đá đều ghi nhận từ vài trăm năm trước, bóng đá được chơi theo mô hình tương tự… bóng đá Mỹ hiện nay.

Thời ấy, quả bóng có hình bầu dục, cầu thủ dùng cả tay lẫn chân để chơi bóng với mục tiêu hướng tới thường là cổng nhà thờ đối phương.

Từng có thời, cổng nhà thờ là mục tiêu sút bóng.

Từng có thời, cổng nhà thờ là mục tiêu sút bóng.

Đối mặt với mục tiêu lớn như vậy, cỡ như Andre-Pierre Gignac hoặc Raphael Guerreiro mà sút ra ngoài thì tốt nhất... nên giải nghệ.

Mãi tới cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, người ta mới có nhu cầu dựng khung thành theo cách hiểu như ngày nay. Chuyện này được các cây bút John Norden và Richard Carew trong giai đoạn ấy chép lại.

Họ mô tả một trận đấu có “2 bụi cây cắm xuống đất và được đặt cách nhau khoảng 8-10 bước chân (2m4-3m). Mọi người gọi đó là mục tiêu (“goal”, sau này mang thêm nghĩa “khung thành” và “bàn thắng” trong từ vựng thể thao của Anh)”.

Hình thức ban đầu của cột dọc và xà ngang

Nhưng mãi tới cuối thế kỷ 17, khái niệm khung thành mới thật sự phổ biến như Francis Willughby ghi nhận trong cuốn sách nổi tiếng “Book of Games” giới thiệu các loại trò chơi: “Ở mỗi đầu sân, người ta dựng một cái cổng và gọi đó là khung thành”.

Tuy nhiên, khung thành chỉ thật sự có giá trị từ cuộc họp năm 1848 tại Đại học Cambridge giữa các thầy giáo đến từ Eton, Harrow, Marlborough, Westminster, Shrewsbury và Rugby.

Sau cuộc gặp lịch sử này, “bộ luật Cambridge” ra đời với các quy tắc như cấm dùng tay chơi bóng, cho phép đá phát bóng và xác định “goal” là bàn thắng cho đội đưa được bóng xuyên qua khoảng trống giữa hai cột cờ và bên dưới một sợi dây.

Xà ngang làm bằng dãi băng, khung thành chưa có lưới và vùng 5m50 có hình trái tim.

Xà ngang làm bằng dãi băng, khung thành chưa có lưới và vùng 5m50 có hình trái tim.

 Tuy nhiên, kích cỡ khung thành lúc đó đúng là mỗi nơi mỗi khác, cho tới tận khi FA (Liên đoàn bóng đá Anh) đưa hẳn vào luật năm 1863 khi xác định chiều dài khung thành tương đương 24 bước chân, ước khoảng 7m3. Đấy cũng là tiêu chuẩn hiện nay.

Thế nhưng, chiều dài khung thành sớm được cố định, còn chiều cao vẫn vô tư. Do đó, có những đội thậm chí không thèm mắc sợi dây căng ngang khung thành nên chấp nhận cho đối phương ghi bàn bằng cú sút đưa bóng bay cao tới gần 10m.

Và đến lúc cần phải có cái lưới

Chỉ có ở những trận đấu chính thức như chung kết FA  đầu tiên trong lịch sử vào năm 1872, ban tổ chức mới dùng dãi băng vắt ngang hai cột. Và phải đến năm 1875, giới bóng đá mới bắt đầu thử nghiệm dùng xà ngang.

Cả Sheffield FC (Anh) lẫn Queen’s Park (Scotland) đều ghi trong hồ sơ tự nhận họ là đội đầu tiên thử dùng xà ngang, nên có thể hiểu rằng đây là 2 đội dùng xà ngang cùng lúc, nhưng không cùng một nơi.

Dù vậy, xà ngang chỉ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong một trận đấu từ năm 1882 và được thống nhất chiều cao bằng 8 bước chân, tương đương 2m43.

Vì không tôn trọng quy định này, Kensington Swifts từng bị loại khỏi FA Cup năm 1888 do Crewe Alexandra tố cáo xà ngang của họ đặt 1 bên thấp, 1 bên cao.

Lưới ra đời với sứ mệnh giải quyết tranh cãi về bàn thắng.

Lưới ra đời với sứ mệnh giải quyết tranh cãi về bàn thắng.

Nhưng đến đây, khung thành đã định hình mà tình hình xem ra vẫn chưa ổn. Như ở trận thua Anh 1-9 năm 1890, Ireland cho rằng bàn thua cuối không hợp lệ vì bóng đã vọt xà.

Nhằm giải quyết những tranh cãi mà mắt thường khó phân biệt được, John Brodie – một thợ máy người Liverpool sáng tạo “một túi lớn khổng lồ” chụp phía sau khung thành. Ông giới thiệu sản phẩm này vào năm 1891 để nó được thử nghiệm ngay ở Nottingham.

Sáng kiến của John Brodie được đưa vào luật nên lưới được dùng ngay ở chung kết FA Cup 1892. Tới lúc này, khung thành coi như chẳng khác gì hiện nay, nhưng tranh cãi vẫn tiếp diễn.

Lại chuyện cột dọc, xà ngang và chiều dài khung thành

Thoạt đầu, tranh cãi liên quan tới cột dọc và xà ngang: Phải vuông hay tròn? Bởi trong thời gian dài, trụ vuông được dùng phổ biến ở Scotland.

Hậu quả là ở chung kết Cúp C1 năm 1976, bóng đã bật ra ngoài sau cú đánh đầu của Jacques Santini (Saint-Etienne) lúc đang hòa Bayern Munich 0-0. Theo các CĐV Pháp, bóng đã vào lưới nếu trụ thành hình tròn.

Trụ vuông chỉ tuyệt chủng từ năm 1987 theo lệnh cấm của FIFA để từ nay, khung thành tiêu chuẩn phải có trụ thành hình tròn.

Không chỉ vậy, xà ngang còn bị uốn hơi cong lên để hóa giải tác động của trọng lực có xu hướng kéo bóng bật xuống.

Vấn đề là đến đây, khung thành vẫn chưa phải hoàn hảo.

Trụ thành hình vuông tuyệt chủng từ năm 1987 theo lệnh cấm của FIFA.

Trụ thành hình vuông tuyệt chủng từ năm 1987 theo lệnh cấm của FIFA.

Chất liệu cứng như thép đã bị thải loại để thay bằng nhôm nhằm tránh gây nguy hiểm cho cầu thủ, nhất là sau khi mấy cầu thủ “nhí” tử vong trong vài thập niên qua.

Đến năm 1996, lại thêm một đề xuất nữa về việc “nới rộng khung thành tương đương đường kính 2 quả bóng, khoảng 50cm, và nâng chiều cao lên bằng đường kính 1 quả bóng”.

Tuy nhiên, ý tưởng ấy bị xếp xó ngay sau khi Sepp Blatter – chủ tịch FIFA lúc đó mắng té tát trên tạp chí Đức Stern.

Đấy có phải ý tưởng ngớ ngẩn? Bởi lẽ, bước chân bình quân của người đàn ông cách nay vài trăm nay có thể ngắn hơn so với các thủ môn hiện nay có chiều cao tương đương 1m90, nên điều chỉnh lại chiều dài khung thành cũng chẳng phải là không nên.

Và nếu ý tưởng đó thành hiện thực, Andre-Pierre Gignac hoặc Raphael Guerreiro đã không phải uất hận. Chỉ có điều là ngay cả người hâm mộ cũng chưa hẳn muốn thay đổi truyền thống này. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm